Sà lan đâm sập cầu Ghềnh: Đường sắt Bắc - Nam tê liệt

Hiện trường vụ sập cầu.
Hiện trường vụ sập cầu.
TP - Hàng loạt chuyến tàu Bắc- Nam hôm qua tê liệt sau khi sà lan đâm làm sập hai nhịp cầu Gềnh nối tỉnh Đồng Nai và TPHCM.

May mắn thoát nạn

Anh Nguyễn Minh Thắng, 31 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, người ngồi câu cá dưới chân cầu phía bờ ở phường Thống Nhất, TP Biên Hòa, chứng kiến toàn bộ vụ việc bàng hoàng kể lại: “Lúc đó là 11giờ 30 phút, tôi đang ngồi câu cá dưới chân cầu thì nghe một tiếng va chạm rồi tiếng nổ rất lớn từ đường dây điện kèm tiếng la hét của người đi trên cầu Ghềnh”. Theo anh Thắng, sau tiếng nổ  thấy có hai người trên chiếc sà lan nhảy xuống sông và 2 – 3 người đi trên cầu đeo bám được vào cầu, không rơi xuống.

Anh Cao Văn Hai, 40 tuổi, quê Thanh Hóa cho biết, khi cầu sập thì mình đang đi từ phía bờ phường Thống Nhất qua bờ phường Hiệp Hòa, phía trước không có ai nhưng phía sau có 3 chiếc xe máy. “Lúc đang chạy gần tới giữa cầu thì nghe một tiếng va chạm lớn, sau đó cây cầu sập ầm xuống sông. Đúng lúc này, tôi vớ được thanh sắt của nhịp cầu, leo ngược lên. Phía sau, anh thấy còn 2 – 3 người cũng đang trượt xuống nhưng may mắn bám được vào cầu không rơi xuống”- anh Hai kể. 

Còn chị Nguyễn Hoàng Yến, ngụ Đồng Nai, người chạy sau xe anh Hai cho biết, tôi chỉ biết nghe tiếng ầm, kèm theo tiếng nổ lớn sau đó người và xe đã trượt dài xuống sông. “May mắn tôi vớ kịp thành cầu, không rớt xuống nước, thì lúc này anh Hai bò từ dưới lên đã kéo tôi cùng chạy vào bờ”- chị Yến nói.

Ông Đặng Mạnh Trung, Trưởng Ban tuyên giáo Đồng Nai cho biết, đến chiều cùng ngày cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai xác nhận vào thời điểm cầu bị sập có 3 người điều khiển xe máy tham gia giao thông trên cầu bị rơi xuống sông và đã được người dân cứu sống. “Làm việc với cơ quan điều tra 3 người bị nạn này khai nhận  không thấy thêm người nào khác bị nạn”- ông Trung thông tin.  Đến chiều qua, theo ông Lê Quang Nhân - Phó giám đốc Sở Phòng cháy chữa cháy Đồng Nai, lực lượng cứu hộ đã lai dắt được sà lan tránh trôi dạt gây nguy hiểm vào vị trí cố định. Tuy nhiên, ông Nhân lo ngại hiện có hàng ngàn lít dầu trong tàu này đang có dấu hiệu rò rỉ ra ngoài.

Quá tải ga Biên Hòa

 Đoàn SE7 Hà Nội - Sài Gòn dự kiến về ga Sài Gòn vào lúc 16 chiều ngày 20/3 buộc phải dừng xuống khách tại ga Biên Hòa khi cầu Ghềnh. Cùng lúc, một lượng lớn hành khách cũng được vận chuyển bằng ô tô đi từ ga Sài Gòn, ga Dĩ An về ga Biên Hòa. Dù ga Sài Gòn đã điều nhiều xe khách loại lớn đến đón khách, nhưng hạ tầng ga Biên Hòa không thể đáp ứng một lượng khách tăng đột biến  khi có gần cả ngàn người tập trung về ga, gây nên cảnh ùn ứ, kẹt xe ở khu vực ga.

Sà lan đâm sập cầu Ghềnh: Đường sắt Bắc - Nam tê liệt ảnh 1

Người dân bất ngờ khi phải xuống ga Biên Hòa đi ô tô về ga Sài Gòn.

Chiều qua, 3 Thứ trưởng Bộ GTVT gồm: ông Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Ngọc Đông và Nguyễn Nhật cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo khắc phục sự cố. Ông Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu các lực lượng phải tích cực rà soát, xác định có hay không có người còn mắc kẹt dưới tàu và xem có người dân đi trên cầu bị rơi xuống sông hay không. “Nếu có phải tìm kiếm cho bằng được và có báo cáo lại cụ thể”- ông Đồng yêu cầu đồng thời chỉ đạo Cục đường thủy nội địa rà soát phân luồng để đảm bảo phương tiện lưu thông trên sông Đồng Nai. Ông Đông cũng yêu cầu các đơn vị phải tổ chức lại vận tải đường sắt, tạm thời lấy ga Biên Hòa là ga cuối cùng của tuyến đường sắt Bắc -Nam, chuyển tải ga Sài Gòn ra ga Biên Hòa trong thời gian chờ khắc phụ sự cố.


Cũng trong cuộc họp với Bộ GTVT vào tối cùng ngày, lãnh đạo ngành Đường sắt Việt Nam cho biết, trong đêm 20/3, sẽ còn 3 chuyến tàu chở khách từ Bắc vào Nam với 1.000 hành khách. Do đó, trước mắt, ngành Đường sắt sẽ phối hợp với tỉnh Đồng Nai để điều tiết tại các ga Biên Hòa, Hố Nai và Trảng Bom. Đồng thời bố trí các xe khách để trung chuyển hành khách từ ga Biên Hòa – ga Sài Gòn nhằm đảo bảo thuận lợi nhất cho hành khách. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, cho rằng đây vụ sập cầu Gềnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến vận tải đường sắt Bắc- Nam, ngành đường sắt phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai. Ông Trường yêu cầu, phải khảo sát thực địa và lai dắt chiếc sà lan vào nơi an toàn để tránh va đập với các tàu khác, khảo sát các dầm cầu, các trụ cầu đã bị hư hại để sớm đưa ra phương án xử lý. Theo ông Trường, để thông lại tuyến đường sắt Bắc - Nam phải ít nhất từ 3 -5 tháng.


Phó Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương cứu hộ, điều tra nguyên nhân

Ngày 20/3, ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn tại cầu Ghềnh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công điện khẩn yêu cầu Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia và Tổng Cty Đường sắt Việt Nam khẩn trương có mặt tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng xử lý và khắc phục hậu quả. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai bố trí lực lượng bảo vệ hiện trường, chỉ huy giao thông và khẩn trương điều tra xác minh nguyên nhân vụ việc, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.   

Sỹ Lực

Khởi tố vụ án sập cầu Ghềnh

Tối 20/3, thượng tá Huỳnh Yên Nam, Trưởng phòng Cảnh sát  điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã khởi tố vụ án vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường thủy để phục vụ công tác điều tra. Theo ông Nam, thời điểm xảy ra tai nạn, có hai người trên tàu gây tai nạn là Nguyễn Văn Lẹ (SN 1988, quê Sóc Trăng) và Trần Văn Giang (SN 1980, quê Bạc Liêu, người điều khiển chiếc tàu) đã nhảy xuống sông và được tàu cá người dân trên sông cứu vớt. Tuy nhiên, hiện tại cả hai đã bỏ trốn, công an đang tích cực truy tìm để phục vụ công tác điều tra. Theo cơ quan chức năng, bước đầu điều tra tại hiện trường đã xác định chiếc tàu lai dắt mang số hiệu SG – 3745, do bà Nguyễn Thị Hồng (ngụ TPHCM) làm chủ. Đăng ký thuyền trưởng là Phan Thế Phương. Chiếc sà lan  dài hơn 42m, chiều rộng 12m, tổng tải trọng gần 1000 tấn.

Dùng ô tô chuyển tải khách đi tàu

Trao đổi với Tiền Phong tối 20/3, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết do sự cố sập cầu Ghềnh, khiến tàu hỏa không thể lưu thông qua cầu để vào các ga tại TP.HCM, tỉnh Bình Dương (và ngược lại) nên ngành đường sắt sẽ dùng ô tô để chuyển tải hành khách từ ga Biên Hòa về Ga Sà Gòn (TP.HCM) và hàng hóa thì về ga Dĩ An (Bình Dương). Trong ngày 20/3, ga Sài Gòn phục vụ khoảng 1.500 khách. Các hành khách đi tàu TN2 và SE22 và 4 chuyến tàu khác khởi hành trong ngày đã được các xe khách, xe buýt đưa từ ga Sài Gòn đến ga Biên Hòa và đưa khách từ miền Bắc, miền Trung từ ga Biên Hòa về ga Sài Gòn.      

Huy Thịnh


MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.