Sà lan đâm sập cầu Ghềnh: Ga Sài Gòn và Biên Hòa ùn ứ

Một phần đường sắt trên cầu Ghềnh đổ xuống sông. Ảnh: M.T
Một phần đường sắt trên cầu Ghềnh đổ xuống sông. Ảnh: M.T
TP - Tại cuộc họp bàn về khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh chiều 21/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, đến 15/7 mới đưa cầu Ghềnh vào hoạt động và thông tuyến đường sắt trở lại. Hôm qua, hàng hóa ở ga Sài Gòn và Biên Hòa bắt đầu ùn ứ, nhà ga quá tải.

Khách trả vé, hàng hóa ùn ứ

Sáng 21/3, nhiều hành khách đến ga Sài Gòn để trả lại vé tàu sau vụ sập cầu Ghềnh ở Đồng Nai. Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh mua 4 vé đi Nha Trang ngày 27/3 nhưng đã quyết định trả vé, chuyển sang đi bằng máy bay. Bà Hạnh cho biết: “Gia đình tôi đi du lịch, đồ đạc, hành lý mang theo rất nhiều, nếu đi tàu, phải trung chuyển bằng xe buýt nhiều chặng rất bất tiện”. Còn ông Đỗ Trí Phước, 57 tuổi, quê Nha Trang, mua vé tàu SE26 khởi hành vào 19 giờ tối 21/3 đã quyết định trả vé. Ông Phước nói cảm thấy phiền hà vì phải có mặt tại ga Sài Gòn trước lúc tàu khởi hành một giờ nên không đi tàu, chuyển sang xe giường nằm để thuận tiện hơn.

Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, trong ngày 21/3 đã điều 25 chuyến xe buýt trung chuyển khách từ ga Sài Gòn về ga Biên Hòa. Tính đến tối cùng ngày, ga đã phục vụ cho khoảng 1.250 lượt khách. “Trong hai ngày qua, đã có hàng trăm hành khách đến ga trả vé, trong đó chỉ tính ngày đầu đã có 300 trường hợp. Trong ngày 21/3, Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn bỏ tàu SNT2 xuất phát Sài Gòn vào buổi tối. Hành khách đi tàu SNT2 được chuyển sang đi tàu SE4 lập tại ga Biên Hòa”, ông Văn nói.

Theo thông tin từ ngành đường sắt, sự cố sập cầu Ghềnh đã gây ảnh hưởng dây chuyền đến toàn bộ hoạt động của hệ thống đường sắt. Nhiều chuyến tàu vắng khách. Đơn cử như tàu SPT 2 từ Phan Thiết về Sài Gòn ngày 21/3 chỉ có 125 khách, trong khi hôm 20/3 có trên 500 khách.

Chiều 21/3, lượng hàng hóa lưu thông tại ga Sài Gòn tăng lên đáng kể, trong khi lượng hàng nhà ga nhận chuyển đi đã không thể rời bến. Cùng với đó, nhà ga phải liên tục tiếp nhận những chuyến hàng khác được chuyển về từ các nhà ga lân cận. Theo ghi nhận tại ga Sài Gòn vào chiều 21/3, chỉ trong khoảng một giờ, đã có hơn chục chuyến xe tải các loại ra vào để lấy hàng đi và chuyển hàng về. Nhiều người dùng xe máy đến nhận lại hàng mình đã gửi từ trước. Một nhân viên đội bốc dỡ hàng hóa cho biết, các trưởng ga, phó ga Sài Gòn đích thân lên ga Dầu Giây ở Đồng Nai để nhận hàng hóa mang về chờ hành khách đến nhận.

Anh Võ Tấn Hạnh, nhân viên tổ bốc dỡ hàng ở ga Sài Gòn, cho biết: Anh em của 2 tổ với hơn 30 người được tăng cường để hỗ trợ hành khách cũng như vận chuyển hàng hóa, hành lý. Một số khác ở tại ga hỗ trợ trả hàng cho những người đã gửi đi từ trước, một số theo chân các chuyến xe buýt lên ga Biên Hòa để hỗ trợ đưa hành lý, hành khách về ga Sài Gòn. Từ chiều 20/3, nhà ga đã hợp đồng với hợp tác xã vận tải xe buýt về ga giúp chuyển lượng hành khách tại đây đi về ga Biên Hòa.

Sau khi ga Biên Hòa được Bộ GTVT chọn tạm thời làm ga cuối cùng của tuyến đường sắt Bắc - Nam, nơi đây đã trở nên quá tải. Do hạ tầng ga Biên Hòa quá nhỏ chỉ đáp ứng được khoảng 1.000 hành khách, trong khi hiện nay lượng khách tăng lên khoảng 3.000 người/ngày. Ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cho biết, Sở cùng ngành đường sắt đã khảo sát ga Biên Hòa, ga Hố Nai, ga Trảng Bom để có phương án tối ưu nhất phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa. “Trong chuyến tàu khách đầu tiên đến ga Biên Hòa do chưa có sự đồng bộ nên khu vực ga Biên Hòa đã xảy ra ùn tắc”- ông Liêm thừa nhận nhưng cho biết đã không xảy ra tình trạng thất lạc hành lý, mất an ninh trật tự.

Ông Nguyễn Đình Ân, Trưởng ga Biên Hòa cho rằng, việc bố trí, sắp xếp nhân viên, cũng như nâng cao năng lực đảm nhận của ga Biên Hòa không thể làm được ngay, nhưng sẽ phối hợp với ngành để có giải pháp thực hiện từng chuyến. “Sau khi ga Biên Hòa sắp xếp ổn định từng chuyến và khi tàu đã rời ga, phía TPHCM mới tiếp tục đưa khách xuống và sắp xếp cho chuyến tàu tới”- ông Ân nói.

15/7 mới thông tuyến

Để phục vụ cho việc khảo sát, làm cơ sở quyết định phương án khắc phục cầu Ghềnh, hôm qua, Công ty CP tư vấn thiết kế cảng kỹ thuật biển tại TPHCM đã đưa máy quét sóng siêu âm dưới nước tới hiện trường. Kỹ sư Nguyễn Tấn Sơn, người phụ trách công tác rà quét đáy sông cho biết: “Trong bán kính 500m máy sẽ rà quét chính xác dưới đáy sông  và truyền dữ liệu về máy hồi âm để phân tích hình ảnh 3D, lập bình đồ, tọa độ đáy sông, xác định chướng ngại vật làm cơ sở cho việc tư vấn thiết kế”.

Hôm qua, Công an Đồng Nai cũng dựa trên hình ảnh hiện trường dưới nước làm cơ sở để phục vụ cho công tác khám nghiệm hiện trường.

Sà lan đâm sập cầu Ghềnh: Ga Sài Gòn và Biên Hòa ùn ứ ảnh 1

Ông Phan Thế Thượng, chủ tàu vừa bị bắt. Ảnh: M.T

Để đảm bảo an toàn, ở hai đầu cầu Ghềnh, ngành đường sắt rào chắn phong tỏa không cho lưu thông vào khu vực cầu bị sập. Dưới sông, chiếc sà lan bị lật úp được kéo vào bờ để lực lượng chức năng thực hiện khám nghiệm. Ở hai chiều sông, một lượng lớn tàu chuyên dụng, ca nô của các đơn vị chức năng phong tỏa ngăn các phương tiện thủy lưu thông qua gầm cầu Ghềnh. Đoạn quản lý đường thủy số 10 cũng thả phao, cắm biển báo phân luồng hướng dẫn phương tiện đường thủy lưu thông vào sông Cái - một nhánh sông Đồng Nai, tránh đi qua cầu Ghềnh.

 Ông Đới Sĩ Hưng, Phó tổng giám đốc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, cho rằng, đây là sự cố nghiêm trọng đầu tiên của ngành đường sắt, mức độ thiệt hại là quá lớn, con số thiệt hại hiện chưa thể tính được. Về thời gian khắc phục cầu, ông Hưng cho biết sau khi có kết quả khảo sát mới có thể đánh giá được mức độ thiệt hại để có phương án. Theo ông Hưng, thời gian khắc phục nhanh nhất là 3 tháng.

Tại cuộc họp khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh hôm qua, các cơ quan chức năng đưa ra 3 phương án: Thứ nhất cải tạo, sửa chữa cầu cũ để cho lưu thông tạm; thứ hai xây hai trụ mới và tận dụng lại dầm cũ và thứ 3 là xây hai trụ mới, xây dầm mới, đồng thời nâng cao độ tĩnh không lên 6m. Kết thúc buổi họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã thống nhất chọn phương án 3 và cho biết ngày 15/7 sẽ đưa cầu vào sử dụng, nối tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Bắt chủ tàu và nhân viên điều khiển sà lan

Khoảng 10 giờ ngày 21/3, tại tỉnh Sóc Trăng, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt khẩn cấp ông  Phan Thế Thượng (SN 1953, ngụ Sóc Trăng), chủ chiếc tàu kéo số hiệu SG-3745 lai dắt sà lan đâm sập cầu Ghềnh. Trước đó, 7 giờ 15 cùng ngày, Trần Văn Giang (36 tuổi, ngụ Bạc Liêu) và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, ngụ Sóc Trăng) cũng bị bắt khi cả hai đang lẩn trốn tại tỉnh Sóc Trăng. Giang và Lẹ  khai nhận ông Thượng chủ tàu và cũng là tài công tàu kéo. Giang và Lẹ là người phụ việc trên tàu. Cả hai đều không có giấy phép lái tàu.

                 Đức Minh

Khách được đổi trả vé tàu miễn phí

Ngày 21/3, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, sau sự cố sập cầu Ghềnh vẫn duy trì 5 đôi tàu khách giữa Hà Nội - Sài Gòn và các chuyến tàu địa phương hiện có. Tổng công ty sẽ chuyển tải hành khách miễn phí giữa ga Sóng Thần và ga Biên Hòa. Hành khách có nhu cầu đổi trả vé liên quan đến việc chuyển tải giữa ga Sóng Thần và Biên Hoà sẽ không phải thanh toán phí đổi, trả. Về hàng hóa, tiếp tục tổ chức vận chuyển hàng hóa từ các ga phía Bắc vào đến ga Bình Thuận và ngược lại. Hàng hóa tại khu vực phía Nam được tổ chức xếp dỡ tại các ga Long Khánh, Trảng Bom, Hố Nai. Do năng lực xếp dỡ tại các ga này hạn chế, ĐSVN sẽ chủ động thông báo và trao đổi với khách hàng tìm phương án trả hàng.    

                                         Sỹ Lực

Tàu kéo hết hạn 3 tháng

Sáng 20/3, ông Thượng điều khiển đầu kéo đẩy sà lan số hiệu SG-5984 chở khoảng 800 tấn cát xây dựng từ Tiền Giang về Đồng Nai. Khi đến sông Lòng Tàu ở khu vực Cát Lái, TPHCM ông Thượng lên bờ và giao tàu cho Giang và Lẹ tiếp tục điều khiển. Giang và Lẹ điều khiển sà lan đến cầu Ghềnh thì gây tai nạn làm sập cầu. Chi cục đăng kiểm số 6 xác định tàu kéo số hiệu SG 3745 lai dắt sà lan gây sập cầu Ghềnh, đã hết hạn đăng kiểm gần 3 tháng trước.

                M.T

MỚI - NÓNG