Sạch đẹp, văn minh là không có thức ăn đường phố?

Hàng rong, thức ăn đường phố tại TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc.
Hàng rong, thức ăn đường phố tại TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc.
TP - Chủ trương của TPHCM, sắp tới mỗi quận huyện phải đăng ký xây dựng 1 đến 2 phường điểm để kiểm soát về điều kiện an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố. Đồng thời, mỗi địa phương cũng phải có 1 đến 2 tuyến đường đăng ký văn minh sạch đẹp không có… thức ăn đường phố.

Tại hội nghị tổng kết công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố tổ chức ngày 13/1, Sở Y tế TPHCM cho biết, trên địa bàn thành phố có hơn 20 nghìn cơ sở đăng ký kinh doanh thức ăn đường phố.

Việc quản lý rất khó khăn, do hình thức kinh doanh đa dạng, cơ động, người kinh doanh thường thiếu kiến thức và thực hành an toàn thực phẩm. Ngay cả những hàng quán được chọn vào mô hình điểm cũng còn nhiều “điểm” đáng bàn. Đó là vào năm 2014-2015, thành phố xây dựng mô hình điểm kiểm soát kinh doanh thức ăn đường phố tại phường 2, quận 3 và phường An Lạc A, quận Bình Tân với 134 cơ sở và 157 người tham gia. Qua hơn 1 năm triển khai, hầu hết các quán này đều đạt các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh.

Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 7% hàng quán chưa sạch, nơi để thức ăn gần nguồn ô nhiễm như cống rãnh, rác thải, nơi bày bán gia súc, gia cầm... Còn 4% cơ sở được chọn làm điểm vẫn chưa che đậy thức ăn, chưa chống ruồi, côn trùng, bụi bẩn, nắng, mưa đúng quy định. Ngoài ra, có gần 15% người kinh doanh thức ăn đường phố không được khám sức khỏe định kỳ.

Trả lời báo chí tại hội nghị, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế TPHCM - khẳng định, nhu cầu của người dân đối với thức ăn đường phố là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, kiến thức, ý thức bảo đảm vệ sinh của người kinh doanh loại hình này hiện còn khá thấp, việc thực hiện sai các qui định về an toàn thực phẩm còn phổ biến.

“Hiện công tác kiểm tra xử lý vì vẫn còn thiếu lực lượng thanh tra chuyên nghiệp, đặc thù cho thức ăn đường phố, nên anh em còn ngại. Một điều ái ngại nữa, đó là đa số người bán trên đường phố thuộc diện hộ nghèo ở địa phương, nên việc xử phạt rất khó khăn, cần cân nhắc vì đó cũng là vốn, phương tiện của nhà nước giúp cho người ta làm”, bà Mai nói.

Theo bà Mai, thực hiện Quyết định 38 của Chính phủ, trong năm 2015, TPHCM đã xây dựng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm đến 50 phường xã thuộc 5 quận huyện trên địa bàn. “Theo chỉ đạo của UBND thành phố, từng phường xã cần phải quy hoạch một nơi cố định để cho người ta làm ăn. Qua đó, các cơ quan chuyên ngành sẽ vào đó hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ đầy đủ hơn thì mới quản lý, kiểm soát được mô hình này”, bà Mai cho biết.

Lãnh đạo phường 2, quận 3 và phường An Lạc A, quận Bình Tân - 2 địa phương thực hiện thí điểm - cũng thừa nhận, công tác xử lý các trường hợp kinh doanh nhỏ lẻ, hàng rong, buôn bán lưu động hiện chủ yếu chỉ nhắc nhở. Tình trạng xe đẩy, xe gắn máy bán hàng rong ở các cổng trường, từ nơi khác đến, di chuyển rộng và xa, buôn bán không cố định thời gian, địa điểm là rất khó quản lý. “Do đó, cần phải xây dựng mô hình điểm”, một đại diện nói.

Bác sĩ Mai cũng cho biết, chủ trương sắp tới mỗi quận huyện của TPHCM phải đăng ký xây dựng 1 đến 2 phường điểm để kiểm soát về điều kiện an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố. Đồng thời, mỗi địa phương cũng phải có từ 1 đến 2 tuyến đường đăng ký văn minh sạch đẹp không có thức ăn đường phố.

MỚI - NÓNG