Sách lậu: 80% là sách giáo khoa

Sách lậu: 80% là sách giáo khoa

Đồng chí Tô Huy Rứa- Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì hội nghị.

TS Trần Đức Lai - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo kết quả đạt được qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 42: Từ 2005- 2007, tốc độ phát triển của lĩnh vực xuất bản liên tục tăng. Năm 2007, toàn ngành đã xuất bản 26.609 cuốn với 276.447 triệu bản, tăng 6,4% số cuốn, 22% về số bản so với năm 2004.

Năm 2004 cả nước có 47 nhà xuất bản, đến nay đã có 55 nhà xuất bản. Hiện nay cả nước có trên 10.000 cơ sở phát hành sách của các thành phần kinh tế, trong đó trên 100 doanh nghiệp phát hành sách thuộc ngành văn hóa- thông tin và giáo dục. 

Tuy nhiên, các báo cáo tại Hội nghị cũng vạch ra một số hạn chế, tồn tại trong ngành xuất bản như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xuất bản còn thiếu, chưa đồng bộ, cơ chế chính sách chưa cụ thể; Việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động xuất bản chưa nghiêm; Cơ sở in nước ta tuy nhiều nhưng đa số quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu;

Tình trạng in lậu trở thành vấn nạn; Tình trạng phát hành một số xuất bản phẩm không rõ nguồn gốc, tăng chiết khấu, giảm giá sách một cách bất hợp lý, phá giá thị trường, đặc biệt ở địa bàn Hà Nội, TP HCM trở thành “hội chứng giảm giá sách tràn lan” tiếp tục lan rộng tới các tỉnh thành tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh; 

Cơ cấu sách ở nước ta còn bất hợp lý (80%  số lượng bản sách xuất bản là sách giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo dành cho nhà trường trong khi đó số bản sách phục vụ chung chỉ có 20%), có ít tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao, sách tái bản nhiều, xuất hiện nhiều sách biên soạn “xào xáo”  nhiều sai sót, trùng lặp, chất lượng còn kém… 

MỚI - NÓNG