Sài Gòn, vỉa hè ký

Thời bấy giờ, một lò bắp nướng trên vỉa hè cũng đủ nuôi cả gia đình.
Thời bấy giờ, một lò bắp nướng trên vỉa hè cũng đủ nuôi cả gia đình.
TP - Hơn 3 thế kỷ hình thành phát triển, vỉa hè Sài Gòn đã cưu mang và giúp đổi đời biết bao thân phận, ẩn chứa không biết bao câu chuyện vui buồn. Nhắc lại kí ức lăn lộn thời trai trẻ nơi vỉa hè của thành phố từng một thuở được mệnh danh Hòn Ngọc Viễn Đông, những cụ ông, cụ bà… không khỏi xúc động.

Bài 1: Ký ức chợ trời 

Không trầm lắng như Huế, cổ kính như Hà Nội, Sài Gòn mang trong mình sự năng động, trẻ trung. Hơn 3 thế kỷ trôi qua, vùng đất này đã đón nhận, bao dung những lớp cư dân từ mọi miền đến đây mưu sinh qua dòng lịch sử. Và họ góp sức, chung tay tạo nên cái hồn cốt của một “hòn ngọc Viễn Đông” nổi tiếng.

Một thời… trên bến dưới thuyền

Nền kinh tế vỉa hè của vùng đất Sài Gòn hình thành từ khi dân cư nơi đây bắt đầu từ việc giao thương buôn bán, sầm uất nhất phải kể đến người Hoa. Ông Marcel Monnier (1853-1918) trong quyển “Le tour d’Asie: Cochinchine, Annam, Tonkin” (tạm dịch: Một vòng châu Á: Đông Dương, An nam, Bắc Kỳ), đã mô tả Sài Gòn vào những năm 1900: “Ban đêm ở Sài Gòn, không giống chút nào với Sài Gòn lúc ban ngày.

 Người Hoa với các loại lồng đèn đủ màu, các tiệm may, tiệm sửa giày... các nhà chơi bài, các người bán hàng ăn rong lưu động ở vỉa hè làm cho thành phố có một dấu ấn đặc biệt đập vào mắt người ngoài. Cuộc sống một ngày hôm nay ở Sài Gòn giống như ngày hôm trước và ngày hôm sau, trừ lúc tàu thủy sắp cặp bến. Những ngày chờ tàu từ Pháp đến khi tàu bắt đầu vào cảng Sài Gòn từ Vũng Tàu là những ngày lý thú nhất cho tất cả mọi người. Tàu vào Sài Gòn từ Vũng Tàu lâu, vì con sông mà tàu đi vào rất uốn lượn nhiều ngã nên vì thế phải cần một tàu nhỏ chạy bằng hơi nước được gửi ra Vũng Tàu để hướng dẫn tàu vào”.

Mô tả tuy ngắn ngủi trên cũng đủ thấy sự sầm uất, náo nhiệt của một thành phố “trên bến dưới thuyền” ở đầu thế kỷ 20 của Sài Gòn. Trước đó, năm 1887, sau khi Pháp lấp con kênh Lớn và đổi tên thành đại lộ Charner, rồi dời chợ Cũ và xây chợ mới Bến Thành vào năm 1914, cung cách buôn bán vỉa hè của dân Sài Gòn, nhất là người Hoa và người Ấn đã hình thành rõ rệt.

 Tuy chợ mới đã được xây to lớn, khang trang, nhưng cung cách buôn bán vỉa hè của dân Sài Gòn vẫn không phai nhạt. Rõ rệt nhất là các chợ cũ ở Sài Gòn vẫn tồn tại cho đến những năm 80. Sau hai năm xây dựng, năm 1914, chợ Bến Thành khánh thành, trở thành ngôi chợ lớn nhất miền Nam. Nó song song với chợ Cũ như chợ chim “chồm hổm” trên đường Huỳnh Thúc Kháng, chợ đồ hộp Tây trên đường Tôn Thất Đạm, quận 1. Từ đây, việc buôn bán vỉa hè lan ra, nhưng mang đậm văn hóa nhã nhặn, uy tín… chứ không xô bồ theo kiểu bốc hốt thậm chí lừa đảo… như bây giờ.

“Ngày trước tôi bán ngoài vỉa hè, sau này thành phố cấm thì tôi dời vào trong hẻm. Chú thấy đó, hẻm không rộng lắm, chỉ đủ để đặt một cái bàn, cái nồi. Dù vậy, tôi muốn giữ cái nghề gia truyền này không bị mai một”. 

Bà Ngộ nói

Bà Lâm Thị Sáu (75 tuổi, ngụ quận 5) nhớ lại: “Đến nay trong dân gian vẫn còn lưu truyền phong cách buôn bán của Quách Đàm (còn gọi là Thông Hiệp), một người Hoa đi lên từ quang gánh ve chai vỉa hè, và trở thành tỷ phú (hiện ở Biên Hòa - Đồng Nai vẫn còn vết tích một ngôi cổ tự từng lưu dấu bước chân và công lao đóng góp của Quách Đàm - PV). Chính ông đã bỏ tiền xây chợ Bình Tây, khánh thành năm 1930…

Những năm 60 - 70, từ chốn tao nhã, Sài Gòn trở thành một cái chợ vỉa hè (chợ trời) khổng lồ. Nguyên nhân sâu xa khi Mỹ đổ quân tham chiến tại Việt Nam, cùng với số lượng cố vấn quân sự, kinh tế, binh lính là số lượng hàng hóa ào ạt đổ vào miền Nam. Dân chợ trời Sài Gòn thay nhau “săn” các mặt hàng xa xỉ phẩm rồi mang ra lề đường bán kiếm lời. Bởi các mặt hàng này nằm trong danh sách cấm, các sạp bán trong chợ truyền thống nếu trưng bày sẽ bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt”.

Sài Gòn, vỉa hè ký ảnh 1

Chợ sách trên vỉa hè Lê Lợi năm 1967.

Cũng theo bà Sáu, tuy buôn bán vỉa hè, sớm nắng chiều mưa, nhưng nếu một “gian hàng” chợ trời mà móc nối được với một anh quân tiếp vụ Mỹ nào đó “ok” là xem như gia đình anh đó được giới “buôn gánh bán bưng” gọi là “tỷ phú”. Ngày đó, chuyện mỗi ngày vỉa hè Sài Gòn giúp một gian hàng bán đồ “chợ đen” có thể kiếm hàng triệu đồng (tiền chế độ cũ), tương đương cả trăm cây vàng là chuyện bình thường. Đặc điểm của các chợ trời này thường nằm gần các doanh trại lính Mỹ hoặc các trạm cung cấp hàng hóa. Nên bất cứ con đường nào ở Sài Gòn, cũng có thể là chợ trời tự phát kéo dài hàng cây số. 

Điểm tựa những cuộc đời trôi nổi

Ở thời buổi chiến tranh, các “thầy chú” cảnh sát cũng không hơi đâu mà đi dẹp nên các chợ trời ngày càng phình to, lan rộng. Mà có muốn dẹp cũng không được, vì dân miền Trung, miền Tây… hàng ngày, hàng tháng cứ ào ạt đổ về Sài Gòn để tránh các vùng giao tranh, chiến sự, nên dân số ngày càng gia tăng. Đây là nguồn cung cấp “nhân sự” không bao giờ cạn cho đội quân chợ trời. Bởi khi đổ về, họ không có nhà cửa, chỗ buôn bán cũng là chỗ để họ tá túc, và họ cũng chẳng có nghề gì ngoài nghề nông ở quê nên buộc phải lăn xả buôn bán kiếm miếng ăn, nuôi sống gia đình.

Trong cái xô bồ, hỗn tạp của các loại chợ trời, chỉ có một cái chợ duy nhất đi vào lòng người Sài Gòn cho đến tận bây giờ là chợ hoa Nguyễn Huệ. Đại lộ Nguyễn Huệ vào những thập từ 60 đến năm 1975, ngoài hai bên vỉa hè là các dãy hàng bán đồ lưu niệm, thì giữa đường là hai dãy ki ốt bán các loại hoa tươi của cả miền Nam, nhất là hoa Đà Lạt. Chen hai dãy ki ốt này là các gian hàng dịch vụ tráng rửa phim, buôn bán máy ảnh. 

Vào mỗi sáng sớm, dân Sài Gòn có thói quen đi chợ sớm thường ghé qua đây mua hoa tươi để tặng, để cắm trong nhà. Vào mỗi độ Xuân về, nơi đây được trang trí làm chợ hoa Tết, khoe muôn ngàn hoa, sắc, hương để dân Sài Gòn du Xuân, thưởng lãm, chụp ảnh kỷ niệm và mua hoa về chưng Tết. Nối truyền đến ngày hôm nay, phố đi bộ Nguyễn Huệ được TPHCM chọn làm nơi trưng bày hoa để cư dân tham quan du xuân.

Sài Gòn, vỉa hè ký ảnh 2

“Chợ trời” ở trung tâm Sài Gòn năm 1966.

“Nền kinh tế vỉa hè” của Sài Gòn nói riêng và các thị xã, đô thị ở miền Nam nói riêng vào thời điểm trước năm 1975, có thể nói là chỗ dựa mưu sinh cho chục triệu dân miền Nam, khi chiến tranh ngày càng ác liệt, các nền sản xuất nông nghiệp hầu như bị tê liệt. Nhưng cũng phải nói, “nền kinh tế vỉa hè” ở Sài Gòn là một nền kinh tế mở. 

Mở cho bất cứ ai siêng năng, chịu thương chịu khó. Người không có vốn thì một mẹt hành tỏi, chanh ớt… sáng sớm mang ra một cái chợ “chồm hổm” nào đó, ngồi “ké” vào một hiên nhà nào đó là có thể buôn bán, có khách “mối”, đủ nuôi sống bản thân và con cái trong gia đình ăn học. Hoặc chỉ là một cái lò than, quạt vài chục trái bắp nướng mỡ hành cũng đủ kiếm miếng ăn độ nhật qua ngày”, bà Đào Thị Lan, ngụ quận Tân Phú nhớ lại.

Điển hình là gia đình bà Ngộ (82 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận), khi đến đây hỏi “bà Ngộ Bánh đúc”…là người dân nhiệt tình chỉ vào con hẻm số 116, trên đường Phan Đăng Lưu. Năm 1954, vợ chồng bà dắt bầy con vào nam lập nghiệp, thời gian đầu vợ chồng bà làm đủ thứ nghề… 

Khi đất nước vừa giải phóng, hòa chung làm một, vợ chồng bà chuyển sang mưu sinh bằng gánh bánh đúc ở vỉa hè trên tuyến đường trên, cái nghề này đã giúp bà nuôi cả chục đứa con. Nhoẻn miệng cười, bà Ngộ nói: “Ngày trước tôi bán ngoài vỉa hè, sau này thành phố cấm thì tôi dời vào trong hẻm. Chú thấy đó, hẻm không rộng lắm, chỉ đủ để đặt một cái bàn, cái nồi. Dù vậy, tôi muốn giữ cái nghề gia truyền này không bị mai một”.

Được biết, hàng bánh đúc của bà Ngộ tồn tại từ năm 1975 đến nay, tuy không trưng bày một biển hiệu nào để giới thiệu, nhưng khách đến đây rất đông vào khoảng thời gian từ 4 đến 5 giờ chiều hàng ngày. Hàng bánh đúc của bà Ngộ hẳn là chứng nhân sống động của nhịp sống vỉa hè Sài Gòn ngày ấy và bây giờ!               

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.