Phó Chủ nhiệm Lê Như Tiến:

Sân bay Long Thành - cần bản lĩnh của đại biểu

TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (QH) Lê Như Tiến cho rằng: Hiện nay, chúng ta đang có một loại “dịch bệnh” bùng phát chưa được ghi vào từ điển y học - đó là bệnh hoành tráng. Đi kèm với nó là tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.
Sân bay Long Thành - cần bản lĩnh của đại biểu ảnh 1

Bảo tàng Hà Nội đầu tư tới 2.300 tỷ đồng nhưng rất ít khách tham quan. Ảnh: Ngọc Châu

Nói về dự án sân bay Long Thành, ông Tiến cho rằng: Đây là dự án cần thiết nhưng chưa cấp bách. ĐBQH cần cân nhắc, nêu cao trách nhiệm và thể hiện bản lĩnh của mình, thảo luận thật nghiêm túc về dự án này.

Càng hoành tráng phần trăm càng cao

Tại diễn đàn QH, ông nhiều lần phê phán hiện tượng các bộ, các địa phương đua nhau làm dự án thật hoành tráng để thể hiện mình và cũng là hội chứng“con gà tức nhau tiếng gáy”?

Khi kinh tế khó khăn như hiện nay, những công trình hoành tráng càng trở nên rất phản cảm. Bệnh hoành tráng có thể ăn mòn, làm ảnh hưởng rất lớn đến cái túi ngân khố quốc gia. Nhưng đáng buồn hơn, có những dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để hoang hóa, xuống cấp, hư hỏng, thậm chí làm xong đóng cửa không sử dụng, người dân không được hưởng lợi.

Có công trình vừa khai sinh đã khai tử, gây thất thoát, lãng phí, làm tăng gánh nặng nợ công. Nhưng người ta thường lý giải ban đầu rất hay, là phục vụ cho lợi ích dân sinh, nhưng thực chất lại không như thế.

Vì sao người ta lại thích làm những công trình hoành tráng như thế, thưa ông?

“Cái mà nhân dân băn khoăn là vì sao anh phê duyệt công trình hoành tráng mà không tính đến hiệu quả, công năng sử dụng và lại phải quyết làm bằng được trong nhiệm kỳ của anh?!”.

ĐB Lê Như Tiến

Dư luận nhân dân, ĐBQH đều đã thấy hiện tượng công trình dự án càng to, đầu tư càng lớn, thì phần trăm trích lại cho người đầu tư, phê duyệt đầu tư, chủ quản càng lớn. Như vậy, rõ ràng dự án không phải vì dân, mà vì dự án càng to thì số phần trăm chảy vào túi cá nhân càng lớn. Vì thế ĐBQH cần có tiếng nói cảnh báo.

Rất đau lòng, thực tế có công trình sau khi hoàn thành, bị xẻ ra cho thuê với những mục đích phi lợi ích công, phi văn hóa. Tiền thuế của dân phải được sử dụng có mục đích hiệu quả, nếu không sẽ rất có lỗi với dân. Không thể để nhà văn hóa, sân thể thao trở thành chỗ cho thuê để làm dịch vụ, bán bia hơi. Đó cũng là một dạng rút ruột ngân sách. Phải chấm dứt ngay tình trạng này.

Sân bay Long Thành - cần bản lĩnh của đại biểu ảnh 2 ĐB Lê Như Tiến

Tại kỳ họp này, nhiều ĐBQH bức xúc cho rằng kinh tế đang khó khăn mà có địa phương vẫn muốn xây trụ sở to ví dụ như UBND tỉnh Hải Dương vừa xin chủ trương làm khu hành chính tập trung với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, chưa kể nhiều nơi còn tổ chức lễ lạt linh đình, tốn kém?

Chúng tôi cho rằng, những dự án mà không nhằm phục vụ lợi ích công, không vì người dân thì cần phải cân nhắc, thậm chí phải dừng nếu thấy chưa thực sự cần thiết. Vừa rồi Tổ chức minh bạch quốc tế đánh giá minh bạch công của chúng ta rất kém, chỉ đạt 31/100 điểm. Đấy là cái mình phải suy nghĩ.

Chúng ta phải lên án, đấu tranh chống bệnh hoành tráng, vì thực chất nó không phải vì lợi ích công mà chính là tư lợi. Trụ sở cơ quan công quyền phải đàng hoàng, nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước, của địa phương và nhất là phải ý thức rằng anh đang sử dụng tiền thuế của nhân dân. Những dự án đã làm rồi phải kiểm điểm, có vi phạm phải làm rõ trách nhiệm. Những dự án sắp làm, phải kiểm tra rà soát công năng, quy mô, nếu thấy quá lãng phí phải cắt giảm.

Chúng ta có nhiều cơ quan để kiểm tra, giám sát nhưng cơ quan cấp tiền ngân sách là Bộ Tài chính và các bộ liên quan, các địa phương phải chịu trách nhiệm. Lúc này, phải tiết kiệm chi tiêu mới có tiền để đầu tư cho phát triển, an sinh xã hội, y tế giáo dục, kể cả tăng lương theo lộ trình.

Trách nhiệm ĐB rất lớn

Ông nghĩ sao khi Ủy ban Kinh tế và nhiều ĐBQH cho rằng dự án sân bay Long Thành có thể sẽ làm tăng nợ công, tăng gánh nặng cho ngân sách?

Theo tôi, dự án sân bay Long Thành là cần thiết nhưng chưa cấp bách và ở thời điểm này thì chưa nên làm. Chúng ta hoàn toàn có thể nâng cấp, cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất, nâng chất lượng phục vụ tốt hơn. Hiện chúng ta vẫn còn hàng trăm ha đất dự kiến xây nhà dịch vụ, sân golf trong khu vực sân bay này. Nếu chúng ta mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất như Nội Bài, năng lực vận chuyển hoàn toàn có thể đáp ứng được trong những năm tới.

Còn về lâu dài, khi GDP tăng lên, có tích lũy, xử lý nợ công khá hơn, chúng ta có thể làm sân bay Long Thành cũng không muộn. Hơn nữa, với số tiền đầu tư khá lớn, riêng giai đoạn 1 là gần 8 tỷ đô la, rất cần phải tính toán.

Trong khi kinh tế khó khăn, nợ công chồng chất mà đất nước phải bỏ một số tiền bằng 1/5 tổng GDP để làm, dù có thể huy động bên ngoài, thì cũng sẽ gây khó khăn cho ngân sách, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế. Vì vậy ĐBQH cần cân nhắc, nêu cao trách nhiệm và thể hiện bản lĩnh của mình, thảo luận thật nghiêm túc về dự án này.

Vậy câu chuyện về căn bệnh hoành tráng, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng với tư duy nhiệm kỳ có liên quan gì không? Vì sao gần đây có những vị quan sau khi về hưu mới bộc lộ ra khối tài sản lớn- như ông Trần Văn Truyền, khiến dư luận băn khoăn đặt dấu hỏi?

Căn bệnh hoành tráng, lãng phí, tham nhũng chắc chắn có liên quan mật thiết đến nhau. Và tôi cũng nhắc lại rằng, bệnh hoàng tráng, lãng phí và tham nhũng giống như là anh em sinh đôi, sinh ba với nhau. Xây dựng công trình càng to, càng hoành tráng thì phần trăm trích lại càng nhiều.

Và đó cũng là một hình thức tham nhũng. Cái mà nhân dân băn khoăn là vì sao anh phê duyệt công trình hoành tráng mà không tính đến hiệu quả, công năng sử dụng và lại phải quyết làm bằng được trong nhiệm kỳ của anh (!?).

Theo tôi, để chống tham nhũng hiệu quả, để không có những vụ việc lùm xùm về tài sản người này, người kia khi đương chức, khi về hưu, phải minh bạch tài sản của quan chức. Anh phải giải trình về nguồn gốc tài sản, khi có dư luận thắc mắc, kể cả khi anh đã về hưu rồi.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG