Sân bay Phú Bài đóng cửa, doanh nghiệp lữ hành lúng túng

Sân bay Phú Bài đóng cửa, doanh nghiệp lữ hành lúng túng
TPO - Sân bay Phú Bài, tỉnh TT- Huế, đóng cửa một tháng để sửa chữa cứ tưởng đơn giản chỉ là chuyện tạm ngưng một điểm hoạt động dịch vụ giao thông hàng không. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề nảy sinh nhiều hệ lụy cho các cơ quan chức năng và doanh nghiệp lữ hành tại một địa phương nổi tiếng về du lịch.

Quá thời hạn 5 năm duy tu bảo dưỡng

Hơn 2 tháng sau khi thông tin sân bay Phú Bài tạm đóng cửa được loan đi trên nhiều phương tiện truyền thông cả nước, chiều 29-4, UBND tỉnh TT- Huế, Tổng Cty Cảng Hàng không miền Trung, Đại diện Vietnam Airlines (VNA) miền Trung, các đơn vị lữ hành và nhiều cơ quan chức năng địa phương mới chính thức ngồi họp để thông báo thời gian sửa chữa sân bay và bàn giải pháp bảo đảm phương tiện lưu thông cho người dân và khách du lịch qua Huế trong thời gian sân bay đóng cửa.

Ông Lê Xuân Tùng, Giám đốc Tổng Cty Cảng Hàng không miền Trung, cho biết: “Việc duy tu, bảo dưỡng sân bay Phú Bài không thể trì hoãn thêm nữa, mà bắt buộc phải tiến hành trong mùa hè này. Thời hạn duy tu, nâng cấp đã vượt quá 5 năm so với quy định. Sân bay chỉ có 1 đường băng, nên không còn cách nào khác là phải tạm đóng cửa”.

Cũng theo ông Tùng, thời gian đóng cửa 1 tháng đối với sân bay Phú Bài là một cố gắng lớn. Trước đây, các cơ quan chức năng từng đưa ra phương án đóng cửa 6 tháng, thậm chí là một năm đối với sân bay này. Ông Tùng cho rằng, thời gian đóng cửa sân bay đã được nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

“Sân bay Phú Bài sở dĩ đóng cửa vào tháng 5 vì đây là thời điểm không có nhiều khách du lịch đến Huế. Điều kiện thời tiết mùa hè cũng thuận lợi cho thi công, nâng cấp”, ông Tùng nói.

Cảng Hàng không Phú Bài đã ngưng bán vé máy bay đến Huế trong khoảng thời gian sửa chữa sân bay, từ 13-5 đến 13-6. Hành khách được hướng dẫn bay đến Đà Nẵng, sau đó trung chuyển ra Huế vào khoảng thời gian nêu trên theo phương tiện đường bộ. Các hãng hàng không có khách đi Huế nhưng đỗ xuống sân bay Đà Nẵng sẽ thực hiện tăng hệ số cung ứng ghế, tăng chuyến để bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu hành khách.

Ông Tùng đưa ra nhận định: “Đối với tour lữ hành Huế đón khách từ Đà Nẵng, theo tôi nghĩ, đây là việc đơn giản. Hơn nữa, khách cũng có nhiều sự lựa chọn khác khi đến Huế”.

Lúng túng

Không như đánh giá của ông Tùng, đại diện nhiều đơn vị lữ hành, hiệp hội du lịch địa phương, các hãng hàng không tỏ ra lúng túng và bất ngờ trước việc sân bay Phú Bài đóng cửa.

Sân bay Phú Bài đóng cửa, doanh nghiệp lữ hành lúng túng ảnh 1

Việc đóng cửa sân bay Phú Bài khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành lúng tùng

Một đại diện của VNA cho biết: “Sân bay Phú Bài đóng cửa sẽ gây khó khăn cho các hãng khai thác bay và ảnh hưởng rất nhiều đến khách hàng”.

Phía Hiệp hội Du lịch TT- Huế khẳng định, việc cơ quan chức năng chậm đưa ra thông báo chính thức về đóng cửa sân bay Phú Bài đã gây khó khăn, bị động cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị lữ hành.

Đây cũng là bức xúc của nhiều doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn. Đến nay, các đơn vị lữ hành đã chào tour đến năm 2012 và có xác nhận từ các hãng lữ hành quốc tế. Sân bay Phú Bài đóng cửa nhưng chậm có thông báo chính thức đã làm kế hoạch tổ chức, sắp xếp tour du lịch của các hãng lữ hành tại Huế bị đảo lộn.

Ông Nguyễn Hàng Quý, Giám đốc Cty TNHH Lữ hành Hương Giang, nói: “Không còn cách nào khác, chúng tôi phải thương lượng với khách đặt tour và bù lỗ”. Theo tính toán của công ty, thời điểm sân bay đóng cửa, đơn vị có 200 khách không thể xuống Phú Bài, nên dự kiến sẽ bù lỗ khoảng 50 triệu đồng chi phí trung chuyển giữa Huế và Đà Nẵng.

Đồng tình với quan điểm của doanh nghiệp lữ hành, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh TT- Huế, nêu ý kiến: “Khi sân bay Phú Bài đóng cửa, chi phí trung chuyển cho mỗi hành khách từ Đà Nẵng đến Huế khoảng 200.000 đồng. Như vậy, tổng chi phí phát sinh về trung chuyển trong một tháng có thể lên tới hàng tỷ đồng”.

Không dừng lại ở vấn đề phát sinh chi phí, một vị lãnh đạo ngành Công an tỉnh TT- Huế bày tỏ lo ngại về đường xá: “Tuyến đường từ Đà Nẵng đến Huế dài hơn 100km, qua 3 ngọn đèo, nhiều đoạn và cầu cống bị xuống cấp đang được sửa chữa, gây ra nạn kẹt xe thường xuyên. Đây là điều đáng lo ngại khi thực hiện phương án trung chuyển khách bằng đường bộ từ sân bay Đà Nẵng về Huế”.

Vị này còn cho rằng, vấn đề tạm đóng cửa Phú Bài chậm có thông tin chính thức cần phải được rút kinh nghiệm nghiêm túc và xác định trách nhiệm cụ thể, vì việc này gây nên thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng uy tín cho TT- Huế.

Gỡ rối

Nhiều ý kiến tham dự cuộc họp do UBND tỉnh TT- Huế chủ trì chiều 29-4 cho rằng, việc tăng cường các dịch vụ trung chuyển khách là giải pháp tối ưu để giải tỏa khách đến Huế khi xuống sân bay Đà Nẵng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp chung. Theo ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh TT- Huế, sắp tới UBND tỉnh TT- Huế cần làm việc với phía Đà Nẵng nhằm tạo điều kiện cho hoạt động trung chuyển hành khách từ sân bay Đà Nẵng về Huế diễn ra thuận lợi. “Việc tổ chức một trung tâm đầu mối để điều hành hành khách đến Huế qua sân bay Đà Nẵng là hết sức cần thiết, nhằm cung cấp thông tin đi lại, đặc biệt là đối tượng khách lẻ không đi theo tour”, ông Dũng lưu ý.

Ông Nguyễn Minh, Giám đốc ga Huế, cho biết: “Ngành đường sắt sẵn sàng phục vụ cho từ 300 - 400 hành khách đi tàu đến Huế mỗi ngày trong thời gian sân bay Phú Bài đóng cửa. Nếu hãng lữ hành đặt vấn đề trung chuyển, ga Huế sẽ báo cáo đến các đơn vị vận tải để có kế hoạch vận chuyển phù hợp”.

Ngoài nỗi lo phương tiện, dịch vụ giải tỏa khách đến Huế qua sân bay Đà Nẵng, một vấn đề khác được nhiều đơn vị chức năng, hãng lữ hành quan tâm đó là thời gian thi công nâng cấp sân bay Phú Bài. “Để những hợp đồng tour du lịch không bị đổ vỡ sau thời gian sân bay dự kiến mở cửa trở lại, chúng tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo đơn vị thi công thực hiện nghiêm ngặt kế hoạch nâng cấp như đã xác định. Nếu thời gian thi công kéo dài, không bảo đảm kế hoạch, thiệt hại mà doanh nghiệp du lịch gánh chịu là vô cùng lớn”, đại diện hãng lữ hành An Phú tại Huế kiến nghị.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.