Sân bay Tân Sơn Nhất: Cháy nhỏ... chữa cháy quy mô lớn

Sân bay Tân Sơn Nhất: Cháy nhỏ... chữa cháy quy mô lớn
TP- Khoảng 3 giờ sáng 27/10, lửa đã bùng cháy ở khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM). Theo xác định, vùng ảnh hưởng cháy được khoanh vùng trong diện tích chừng 200 m2 nhưng phải cần đến lực lượng ứng cứu hơn 400 con người.

Và từ vụ cháy này, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở một khu vực phục vụ hàng không buộc phải theo tiêu chuẩn quốc tế cần phải được xem xét!

Cháy nhỏ nhưng chữa cháy quy mô lớn

Theo Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, thông tin báo cháy từ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất được cơ quan này nhận lúc 3 giờ 17 phút. Khu vực cháy xảy ra ở nhà ga dành phục vụ hành khách đi các tuyến bay quốc nội. Vị trí xảy ra vụ cháy là khu phòng chờ của nhà ga đến.

Khi nhận được tin cấp báo, lãnh đạo Sở CSPCCC đã nhanh chóng điều động các đơn vị như: Phòng hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; Phòng CS PCCC các quận 11, Gò Vấp, 3, 12, 6, 8, Bình Thạnh, Bình Tân, 1 với tổng số  40 xe chữa cháy và xe chuyên dùng các loại, cùng 397 cán bộ chiến sĩ thuộc các đơn vị chuyên nghiệp đến ngay hiện trường.

Ngoài ra còn có các lực lượng chữa cháy tại chỗ của  sân bay Tân Sơn Nhất, quân đội  (17 người) và những thành phần thuộc bảo vệ, an ninh sân bay và công an phường 2 quận Tân Bình.

Theo Thượng tá Lê Tấn Bửu, Phó Giám đốc Sở CS PCCC TPHCM, nhằm phòng trường hợp nguy hiểm ngọn lửa có thể bùng phát cháy lan sang các khu vực khác trong nhà ga quốc nội, lãnh đạo Sở PCCC đã chia các cán bộ chiến sĩ thành 2 mũi đồng loạt giáp công. Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ, đám cháy đã được không chế.

Lỗ hổng

Mặc dù vụ cháy không gây ra nguy hiểm gì về con người và chỉ làm thiệt hại diện tích chừng 200 m2 với những tài sản bị thiêu rụi như: quầy bán quà lưu niệm với quần áo may sẵn, đồ thủ công mỹ nghệ, bàn ghế…nhưng từ vụ cháy này buộc cơ quan quản lý ngành hàng không phải xem xét lại công tác PCCC của các sân bay.

Theo ông Trần Doãn Mậu, Phó Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, nguyên nhân của đám cháy có khả năng do chập điện. Bởi trong khu vực xảy ra đám cháy này có quầy bán hàng lưu niệm của Sasco.

Theo lệ thường, sau khi xong việc các nhân viên bán hàng sẽ tắt điện, cúp cầu dao và khóa cửa trước khi ra về. "Nhưng có thể tối xảy ra vụ hỏa hoạn các nhân viên này quên không tắt điện" - Ông Mậu nêu nghi vấn.

Điều cần lưu ý nữa, mặc dù là thành viên của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) nhưng công tác PCCC của sân bay Tân Sơn Nhất đã không tuân thủ các quy định do tổ chức này đặt ra.

Thượng tá Bửu nhận xét, từ công tác thực tiễn chữa cháy vừa kết thúc, mặc dù có sự phối hợp tích cực của lực lượng PCCC tại chỗ của sân bay Tân Sơn Nhất (được đào tạo bài bản) nhưng về khả năng phát hiện, đưa ra những biện pháp kịp thời để xử lý những tình huống ngay từ đầu thì lực lượng này tỏ ra không đạt yêu cầu.

Một vấn đề khác, đó là nguồn nước phục vụ cho công tác chữa cháy ngay tại khu vực của sân bay đã không hoạt động buộc các xe chữa cháy phải chạy ra khu vực đường Trường Sơn với chiều dài hơn 1 km để lấy nước. Công việc này mất nhiều thời gian. 

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.