Săn đá trắng và những cuộc hỗn chiến

Săn đá trắng và những cuộc hỗn chiến
Mấy ngày gần đây, xóm Ngành “nóng bỏng” bởi những cuộc tìm kiếm đất đá tự phát do người dân nơi này săn tìm. Những viên đá lăn lóc bên lối mòn trước đây, giờ bỗng chốc được giá và khan hiếm đến khó tin.

Săn đá trắng và những cuộc hỗn chiến

> 'Vàng tặc' đại náo sông Quàng
> Phá rừng tìm vàng

Mấy ngày gần đây, xóm Ngành “nóng bỏng” bởi những cuộc tìm kiếm đất đá tự phát do người dân nơi này săn tìm. Những viên đá lăn lóc bên lối mòn trước đây, giờ bỗng chốc được giá và khan hiếm đến khó tin.

Người dân đào bới tìm đá trong khu vườn nhà anh Tường, xóm Ngành
Người dân đào bới tìm đá trong khu vườn nhà anh Tường, xóm Ngành.

Giấc mơ vàng và cuộc “hỗn chiến”

“Đỉnh điểm là ngày 21/6, khi một nhóm thanh niên xăm trổ vác dao, kiếm đến uy hiếp bà con dân bản, ngoài công trường một người đàn ông bặm trợn đứng trên đầu máy múc chỉ đạo thợ múc đất đá lên thùng xe tải thật nhanh để chở đi”- anh Nguyễn Mạnh Thỏa, Trưởng xóm Ngành, xã Tiến Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình, cho biết.

Sở dĩ xảy ra chuyện như vậy là vì trong quá trình thi công công trình đập tràn thủy lợi xóm Ngành, đã phát hiện một vỉa đá được nghi có vàng. Từ đó, đơn vị thi công đã múc đất đá ở nơi này chở đi đâu không ai rõ, trong khi quy định và cam kết giữa bên thi công với bà con xã Tiến Sơn, bán kính đổ đất đá chỉ khoanh vùng 2km trong địa bàn xã.

Dấu hiệu khó hiểu của bên thi công đã làm người dân phản ứng, và mâu thuẫn ngày càng căng thẳng khi người dân xóm Ngành đi mót đất đá cũng bị cấm đoán.

Tại sao biết được trong đá có vàng mà người dân lại đổ xô đi đào bới, mua bán? “Biết chứ, dân chúng tôi là dân làm vàng từ những năm 1980, với lại đất này từ xưa đã sẵn vàng nhưng việc khai thác chỉ mang tính chất thô sơ, nhỏ lẻ. Cách đây vài ngày tôi biết người dân trong xóm Ngành nhặt được hòn đá to bằng nồi cơm điện. Họ mang về bán giá 7 triệu đồng. Người mua mới chỉ nghiền vụn một nửa viên đá thôi đã đãi được 4 chỉ vàng rồi…”- ông Nguyễn Văn Thịnh, Bí thư chi bộ thôn Ngành, xã Tiến Sơn, khẳng định.

Lý do đá có vàng và những giấc mơ làm giàu đã làm “nóng” bản làng xứ Mường. Nó nóng đến mức ban công an xã Tiến Sơn đã không thể đảm bảo được tình hình trật tự địa phương phải gọi điện thoại đề nghị công an huyện Lương Sơn tăng cường lực lượng, giải quyết.

Dụng cụ nghiền và máng đãi vàng của người dân xóm Ngành
Dụng cụ nghiền và máng đãi vàng của người dân xóm Ngành.

“Sự tranh chấp không phải do người dân, mà do nhóm thanh niên vác dao kiếm chặn đường những chiếc xe tải chở đất đá khống chế bắt mang đá “có vàng” trở lại vị trí máy múc để người khác chở đi. Thực hiện hành vi này không được bọn chúng đã dùng dao kiếm đuổi chém người dân mót đá, khiến họ hoảng chạy tán loạn”- anh Nguyễn Mạnh Thỏa bức xúc.

Lực lượng công an huyện Lương Sơn tăng cường đảm bảo cho tiến độ công trình đập tràn xóm Ngành, đồng thời đã ngăn chặn được kịp thời những đáng tiếc xảy ra. 11 đối tượng đã bị bắt giữ và thu được nhiều dao, kiếm.

Đây là những đối tượng ngoài địa bàn xã, chúng tôi không hề biết ai thuê chúng. Ngày 21/6, bọn chúng đi xe taxi đến khu vực công trường với mục đích uy hiếp bà con để cướp đất đá về đãi vàng, nhưng không thành”- ông Nguyễn Văn Ăm, Trưởng Công an xã Tiến Sơn, quả quyết.

Những cuộc mua bán đá trắng

Cơn mưa núi đã không ngăn cản được dòng người đang đào bới cần mẫn ở góc khu vườn trên lối vào đập Ngành. Tất cả những viên đá, họ đều nhặt cho vào bao tải. “Đây là vườn nhà anh Tường. Cách đây ít ngày, lái xe tải chở đất đá thải từ công trình xuống đổ vào vườn này. Vừa rồi khi nghe tin có vàng trong đất đá, một người đã “nhanh tay” mua lại số đất mới đổ với giá 23 triệu đồng, anh Tường đồng ý ngay”- anh Thỏa chỉ vào khu vườn đang có đông người đào bới, nói.

Đáng lẽ, khu vườn nhà anh Tường không bị đào tung xới lộn, nhưng giấc mơ vàng không thể cưỡng lại được. Vì thế, mấy ngày nay khu vườn, trên con đường vào công trình đập tràn xóm Ngành tấp nập cảnh người tìm kiếm, đào bới. Tại sao anh bán “đất có vàng” một cách đơn giản vậy?

“Tôi không ham hố, vì tôi từng là dân làm vàng, gọi là vàng nhưng rất bạc, tôi cũng từng “lên voi” vì đào đãi vàng nhưng cũng “xuống chó” từ đãi vàng, nên giờ thấy cảnh này ngán lắm rồi”, anh Nguyễn Văn Tường, người dân xóm Ngành, chủ khu vườn bộc bạch.

Giờ đây, mỗi viên đá người dân nhặt được ở chân đập xóm Ngành đều có giá, viên rẻ tiền thì vài chục nghìn đồng, viên đắt thì cả triệu bạc tùy theo kích cỡ to nhỏ khác nhau. Hầu như trong gia đình người dân ai nấy đều có đống đất đá đổ góc sân.

Ông Thỏa cho biết, đó là đất đá người ta thu gom trên đường do xe tải làm rơi vãi. Số “tài sản” này có rất nhiều người nhòm ngó, hỏi mua nhưng chưa được giá nên ông không bán. Tôi cầm viên đá trắng bị vỡ đôi nhìn thấy vỉa vàng óng ánh rất rõ.

Viên đá có vảy vàng non óng ánh
Viên đá có vảy vàng non óng ánh.

Thấy tôi ngạc nhiên, ông Thỏa giải thích: “Đó là vàng thật, nhưng là vàng chưa đủ tuổi. Những loại vàng như thế này thì rất nhiều ở đây, tuy nhiên không có giá trị gì cả”.

Cuộc mua bán đá vẫn âm thầm diễn ra, những cuộc đào bới vẫn ầm ào ngoài bãi đất đá, bởi họ vẫn đang nuôi giấc mơ, đuổi cái nghèo đi đón cái may mắn như một gia đình có tên Nguyễn Văn Niệm, ở dưới chân đập xóm Ngành từng gặp.

Ông Niệm đã may mắn khi nhặt đá sỏi trong vườn đập vỡ vụn thấy có vảy vàng, và cuộc nghiền đãi đã làm thay đổi đời gia đình ông từ đó.

“Tôi nghe ông Niệm kể, ông nghiền đá đãi được 1/4 chai bia toàn là vàng vụn. Sau đó ông mua đất ngoài mặt đường Lương Sơn, mới đây giải phóng mặt bằng nhà ông chuyển ra ngoài đó rồi”- ông Nguyễn Văn Thịnh, Bí thư chi bộ xóm Ngành kể.

Cuộc săn tìm đá trắng vẫn đang “nóng” ở xã Tiến Sơn. Nhất là đối với bà con xóm Ngành, họ bỏ công việc đồng áng đi nhặt đá.

“Thật ra, họ nghĩ thế chứ vàng bạc hay giàu có là số trời định rồi. Cứ nhặt đá là có vàng thì lấy đâu ra, may mắn chỉ là hiếm hoi, chứ được mấy người, chủ yếu lụi vì vàng là chính. Trong xóm này có nhiều người làm vàng thì chỉ đủ tiền mua dầu chạy máy mà thôi, còn lại nhiều người nghiền đá không đủ bù tiền dầu. Nhiều người hám giàu bất thình lình nên đã mua đá nghi có vàng chẳng khác gì đánh bạc, chết như “trong phim”, có mấy người được đâu”- ông Thỏa khẳng định.

Theo Ánh Nguyệt
An Ninh Thủ Đô

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.