Sắn hay rừng?

TP - Khi một đợt mưa lớn nữa 200-400mm suốt dọc miền Trung dự kiến kéo dài đến hết tuần này, 26/11, lại băn khoăn câu hỏi chưa có giải đáp: diện tích sắn tăng sùng sục mấy năm nay có thực không ảnh hưởng bao nhiêu đến rừng và đất rừng?

Chục năm lại đây, sắn - loại cây lấy củ vào Việt Nam từ thế kỷ 19 và vốn là cây cứu đói - vụt thành cây hàng hoá, cho xuất khẩu đạt ngưỡng 2 tỷ USD, thu hút không dưới 1,2 triệu gia đình. Năm nay, diện tích sắn đã vượt trên 560.000 ha, gấp bốn lần năm 2000.

Ai cũng biết các quy hoạch sử dụng đất mấy năm qua đã ổn định, đất tốt, địa hình bằng phẳng đều ưu tiên cho lúa; rồi dân số tăng cùng nhu cầu cải thiện sinh kế từ các cây hàng hóa khác trở nên khan hiếm. Vậy mà đất cho sắn vẫn phi mã, thậm chí vượt quá 110.000 ha so với quy hoạch. Gần như bao nhiêu rừng và đất rừng, những quỹ đất tiềm năng liền kề khu dân cư đều thành đối tượng bị xâm canh, xâm lấn và chuyển đổi dễ dàng.

Thị trường là động lực khiến phát triển sắn gần như vô tội vạ. Giá sắn tăng cùng thu nhập khá từ sắn, khắp nơi ồ ạt trồng sắn. Sớm thu hoạch, vốn ít, canh tác đơn giản, mỗi ha sắn thu chí ít 3-4 triệu đồng/năm thì tội gì không lao vào. Thương lái địa phương được thể thúc đẩy khai hoang đất thông qua hỗ trợ thu mua tại nguồn hoặc qua các mô hình cho vay - đổi sắn.

Khi Luật Bảo vệ & Phát triển Rừng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 15/11 chưa vào cuộc sống, thu nhập từ nghề rừng vẫn quá hẻo. Mòn mỏi nhận tiền từ chi trả dịch vụ môi trường rừng vỏn vẹn 150.000-265.000 đồng/ha/năm, làm sao mặn mà với trồng rừng và quản lý bảo vệ 14 triệu ha rừng còn lại ít ỏi? Thực ra không ít nơi như Lào Cai chẳng hạn, trồng rừng về lâu dài cho thu nhập cao hơn so với sắn. Song tâm lý ăn xổi ở thì không cho phép kiên nhẫn chờ  7-10 năm để khai thác gỗ.

Chưa có thống kê chính thức nào về tổng diện tích rừng và đất rừng bị xâm lấn bởi sắn. Song quan sát thực tế lại đáng quan ngại. Chẳng hạn, tỉnh Kon Tum báo quy hoạch 28.000 ha cho sắn năm 2013 nhưng thực tế là 34.000 ha. Huyện Tánh Linh của tỉnh Bình Thuận ba năm qua liên tục vượt quy hoạch 134-140%. Đi trên đường Hồ Chí Minh hay các tuyến đường xương cá đều dễ thấy các nương sắn bạt ngàn. Đường mở đến đâu sắn đi tới đó. Hết đất trồng sắn thì đến rẫy cũ tận dụng. Hết rẫy cũ thì lại bài ca cũ – khai hoang, xâm lấn đất rừng.

Lấy đất trồng sắn theo kiểu “tằm ăn dâu” càng làm mất rừng và suy thoái rừng trầm trọng hơn. Vài khoảnh xâm lấn trong vài năm thì khó có thể thấy thiệt hại. Song nếu xem số liệu nhiều năm, mất rừng lên cả nhiều nghìn ha. Nhiều vùng rừng tự nhiên liền khu liền khoảnh biến thành dạng “da báo”; giữ cũng khó, cắt bỏ cũng không xong. Lũ lụt ngày càng khủng khiếp, cứ mãi đổ lỗi cho thời tiết và khí hậu mà không nhình thẳng xuống chân mình, xem mình đối xử với đất với rừng thế nào, khóc than chẳng ăn nhằm gì. Đương nhiên sắn cũng cần nhưng không thể vì thế mà triệt rừng miết kiểu này.   

MỚI - NÓNG