Săn lùng chúa sơn lâm

Săn lùng chúa sơn lâm
Trong một chuyến điền dã vào mấy tỉnh khu bốn cũ thời gian gần đây, chúng tôi không khó khăn gì khi muốn tìm “hàng độc”, các sản phẩm của hổ.
Săn lùng chúa sơn lâm ảnh 1
Những cuộc hạ sát thế này diễn ra trong rừng thẳm và rất ít khi kiểm lâm ngăn chặn được

Mười năm kể từ mốc đổi mới 1986, khi diện tích rừng nước ta giảm kỷ lục chỉ còn chiếm 28% so với 43% mấy chục năm trước đó, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị (số 359-TTg ngày 29/5/1996) quy định các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã (ĐVHD).

Và lần đầu tiên, Bộ luật Hình sự năm 1999 đưa ra một điều khoản (Điều 190) xử lý các vi phạm trong quản lý, bảo vệ ĐVHD. Từ bấy đến nay, năm nào cũng có văn bản pháp lý mới siết chặt hơn hoạt động liên quan. Nhưng có giảm được sức ép?

Gần 70 triệu USD tiền buôn bán ĐVHD bất hợp pháp/năm

Theo thống kê của Cục Kiểm lâm, năm 2000, kiểm lâm cả nước tịch thu 10.700 ĐVHD buôn bán trái phép. Năm 2001, thu 14.220 con. Năm 2002, tăng thu lên 29.991 con. Năm 2003, lên đến 35.654 con. Và năm 2004, số tịch thu vượt ngưỡng 40.000 con. Trong bốn năm, từ 1997- 2001, kiểm lâm cả nước bắt được 250 tấn ĐVHD. Nhưng chỉ hai năm, từ 2002- 2003, kiểm lâm tịch thu trên 311 tấn, nhiều hơn bốn năm trước cộng lại.

Ai cũng thừa nhận số thu tăng lên ấy chủ yếu do hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm ngày càng cao. Nhưng không ít ý kiến cho rằng nguyên nhân quan trọng không kém là do hoạt động khai thác buôn bán ĐVHD không giảm.

Ông Trần Quốc Bảo ở Cục Kiểm lâm còn nhận định số tịch thu chỉ chiếm 20-25% số vụ buôn bán bất hợp pháp. TS Nguyễn Văn Song ở ĐH Nông nghiệp I, Hà Nội, ước tính, tổng doanh thu hàng năm do buôn bán bất hợp pháp ĐVHD ở Việt Nam lên đến 66,5 triệu USD trong đó 21 triệu USD là tiền lãi.

Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học, nếu tính cả khối lượng và chủng loại ĐVHD được Văn phòng CITES Việt Nam (Công ước về Buôn bán Quốc tế các Loài động- Thực vật Hoang dã Nguy cấp) cấp phép xuất khẩu hợp pháp mấy năm gần đây, chủng loại ĐVHD còn lớn hơn nhiều.

Săn lùng chúa sơn lâm

Xin minh họa bức tranh qua câu chuyện về một loài ĐVHD cụ thể là hổ. Trong một chuyến điền dã vào mấy tỉnh khu bốn cũ thời gian gần đây, chúng tôi không khó khăn gì khi muốn tìm “hàng độc”, các sản phẩm của hổ. “Nguyên con, bán theo trọng lượng, 2,5 - 3 triệu đồng/kg.

Cần bao nhiêu cũng có, đặt cọc tiền, cho địa chỉ sẽ giao hàng tận nơi. Chậm nhất cũng không quá một tuần lễ. Còn cao hổ 6 triệu đồng/lạng”,  một tay buôn hổ ở Vinh, Nghệ An ra giá.

Trong vai những người đang săn lùng hổ nấu cao, chúng tôi được giới thiệu tiếp cận với người này. Ông ta buôn đủ loại ĐVHD nhưng có vẻ khoái nhất là buôn hổ nấu cao. Tiếp xúc, chúng tôi biết ông chưa phải là trùm. Phía sau ông có những bàn tay đầy thế lực che chở, bảo kê.

Trước đó, đầu tháng 9/2004, khi chúng tôi có mặt tại Phôn Xa Vẳn, Lào, một bộ xương hổ nặng 11 kg được rao bán giá 5.000 USD. Một bộ xương hổ 13 kg ở Xay Nha Bu Ly về tay một người Việt sau khi trả giá 4.000 USD.

Cuối tháng 9/2004, chúng tôi được thông báo có một con hổ hơn 100 kg từ Lào “vượt” qua biên giới, sau đó được bảo quản và chuyên chở bằng xe đông lạnh theo quốc lộ 7 A về Vinh.

Đầu tháng 10/2004, cứ tưởng chúng tôi là đầu mối sộp, người ta lại rao bán một con hổ khoảng 180 kg tại Vinh với giá 500 triệu đồng. Con hổ này mua ở Lào chỉ khoảng 4.000 USD. Sau đó có kẻ chào hàng một con hổ đông lạnh 150 kg đang ém ở Lạc Xao, tỉnh Bô Ly Khăm Xay, cách cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh khoảng 40 km. Nếu chịu giá 3 triệu/kg sẽ giao hàng tại nhà sau khi đặt cọc 1.000 USD trước một tuần.

Theo gã buôn hổ, ướp lạnh có thể bảo quản xác hổ an toàn hàng năm nếu thợ săn hạ được hổ và đưa ngay ra khỏi rừng. Vận chuyển qua biên giới, ít khi chở bằng xe đông lạnh. Song nếu có bảo kê, “Chẳng thấy điều gì bất tiện cả” - Ông ta thản nhiên!

Vơn Văng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Trung ương Lào, xác nhận: “Hổ ở Lào còn nhiều đấy, Sầm Nưa nhiều hổ đấy”. Phòng làm việc của ông ở Viêng Chăn toàn hổ nhồi trấu và da hổ. Không biết ở đâu ra mà nhiều thế! Nhân tiện ông đưa rượu quý ra mời. Chúng tôi hỏi có rượu cao hổ cốt không. Vơn Văng nhìn xoáy vào một trong hai chúng tôi: “Lào cấm buôn bán và săn bắt hổ rồi”.

Đúng là Lào có nhiều hổ. Chúng tôi từng ăn thịt hổ ở Mường Hiềm trên đường từ Sầm Nưa đi Luông Pha Băng và U Đôm Xay. Lần đó dân bản săn được hổ, xẻ thịt bán bên đường cạnh tấm da vàng nâu vằn vện của chúa sơn lâm.

Trong nhà bà Hồi, chủ trang trại 70 con gấu ngựa ở huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây, chúng tôi cũng thấy có một bộ da hổ rất đẹp. Con hổ này khoảng 170 kg và bà Hồi nói mua ở cửa khẩu Nậm Cắn, Nghệ An, 10 triệu đồng. Tiền thuộc da mất 10 triệu đồng nữa.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.