Sẵn sàng đột phá nếu lãnh đạo có tâm, có tầm…

Người dân và du khách dạo chơi Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1).
Người dân và du khách dạo chơi Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1).
TP - Ðó là khẳng định của nhiều cán bộ lão thành, các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo khoa học “Khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để phát triển thành phố giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo” do Thành ủy TPHCM tổ chức vào ngày 26/7.

Phải là “bà đỡ”

Theo nguyên Chủ tịch HÐND TPHCM Phạm Phương Thảo, lãnh đạo phải là “bà đỡ” cho sự sáng tạo, đứng sau những đột phá và can thiệp kịp thời cho cán bộ nếu gặp sự cố.

Bà Thảo nhắc lại câu chuyện cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi còn là Bí thư Thành ủy đã yêu cầu bà Ba Thi, giám đốc công ty Lương thực “xé rào”, xuống các tỉnh ÐBSCL thu mua lương thực khi TPHCM đang ngấp nghé nạn đói do chính sách “ngăn sông cấm chợ”. Ông tuyên bố “Chị cứ làm đi. Nếu chị phải đi tù thì tôi đem cơm cho chị”.

“Hồi xưa chú Kiệt làm kế hoạch là xuống ăn ở với công nhân xem người ta làm cái gì, kế hoạch ra sao để đề xuất lên trung ương. Phải sát cơ sở hơn nữa. Có khó mấy cũng có lối ra. Cuộc sống đã chỉ cho mình lối ra, quan trọng là có sát cơ sở, lắng nghe, cầu thị hay không”, bà Thảo nói.

Nguyên Chủ tịch HÐND TPHCM kể: Tôi nhớ lúc TPHCM làm mô hình “một cửa liên thông”, các ngành đã ngồi lại tìm cơ chế tháo gỡ. Mình cứ nói mãi đổi mới cũng vậy thôi. Nó kẹt từ trong cơ chế chính sách, ràng buộc tất cả mà không ai chịu trách nhiệm cuối cùng. Tôi không nghĩ đội ngũ cán bộ TPHCM trì trệ, không dám đổi mới. Cán bộ sẵn sàng đổi mới, nếu lãnh đạo dám đứng ra "đỡ đòn" cho những đột phá, đổi mới đó.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ðảng Lê Hồng Liêm đồng tình: Ðể TPHCM năng động, sáng tạo, cần cả một quá trình chứ không phải là chuyện "lửa rơm nhất thời" nên rất cần những "bà đỡ". Lãnh đạo thành phố cần có tầm tri thức, lòng bao dung và trách nhiệm đầy đủ để bảo vệ các nhân tố tích cực.

Ông Liêm kể khi còn đương chức, báo chí đã phát hiện ra những khuất tất của sân Chi Lăng (Ðà Nẵng) nhưng mỗi khi phóng viên có bài phản ánh vụ việc này thì bị dồn dập phê phán khiến ông phải đích thân ra tay bảo vệ các nhà báo.

“Lãnh đạo đừng có "cặp kính hồng", người góp ý ngay thẳng thì không nghe mà chỉ thích nghe lời tán dương, nịnh bợ. Muốn TPHCM năng động, sáng tạo thì phải chú ý điều đó. Thành hay bại là do người đứng đầu”, ông Liêm nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Chánh Trực, nguyên phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, với thu nhập bình quân khiêm tốn như hiện nay (6.000 USD/người trong năm 2017), TPHCM cần phân phối nguồn lực và thu nhập sao cho nhân dân cảm thấy “không sợ nghèo, chỉ sợ không công bằng” để có động lực xây dựng thành phố.

Nghị quyết 54 không phải là "đũa thần"

Theo GS TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Hội đồng khoa học TPHCM, trong suốt chiều dài lịch sử hơn 300 năm, TPHCM đã thể hiện sự năng động, sáng tạo, luôn tìm được bước đi thích hợp trong mọi hoàn cảnh cho sự tồn tại và phát triển. Truyền thống đó đã thấm vào máu người dân TPHCM, từ lãnh đạo cao cấp nhất xuống đến người dân bình thường.

Ông Giao đề nghị TPHCM cần có chính sách thông thoáng, phù hợp để thu hút nhân tài khắp nơi tự tìm đến để cùng đóng góp xây dựng và phát triển thành phố.

Từ bài học thành công của Singapore, GS TS Võ Văn Sen, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Quốc gia (trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) đề xuất TPHCM cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ theo hướng gia tăng hàm lượng tri thức, tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“TPHCM cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy các nghiên cứu khoa học công nghệ gắn với cuộc sống, không ngừng nâng cao tính hiệu lực hiệu quả của bộ máy công quyền, xây dựng một nền quản trị năng động, quy hoạch hạ tầng đô thị gắn với liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, ông Sen kiến nghị.

Theo bà Phạm Phương Thảo, TPHCM muốn phát triển nhanh và bền vững thì cần quy hoạch và quản lý quy hoạch thật tốt. Ðơn cử như khu trung tâm hiện hữu ngày càng chật chội, kẹt xe, ngập nước, trong khi Thủ Thiêm sát bên cạnh vẫn còn hoang hóa.

“Người dân cứ bức xúc mãi chuyện kẹt xe chưa xử lý tốt, trong khi đó chúng ta cứ nói vành đai ngoài, vành đai trong nhưng chưa có cái nào xong hết. Chúng ta nói năm 2016 chắc có tuyến metro số 1 nhưng tới năm 2020 không biết có chưa? Chúng ta hội họp quá nhiều, trong khi xử lý những vấn đề mang tầm thành phố và quốc gia còn quá chậm”, bà Thảo nhận xét.

Bà Thảo cho rằng Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM chỉ phát huy ở một số lĩnh vực, không phải là “chiếc đũa thần” giúp thành phố tháo gỡ khó khăn, phát huy tiềm lực bởi vẫn còn nhiều cơ chế ràng buộc. TPHCM vẫn được xem tương đương như các tỉnh thành khác nên khó phát triển khi chiếc áo cơ chế đã quá chật.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần phát huy văn hóa phản biện. Mỗi viên chức, người dân có quyền chất vấn lãnh đạo. Ngoài ra, trong sáng tạo phải biết chấp nhận thất bại, phải coi thất bại để tạo nên thành công. 

“Lãnh đạo các cấp phải làm bà đỡ cho sáng tạo nhưng tuyệt đối không được làm sai, không coi vi phạm pháp luật là con đường sáng tạo. Vấn đề đền bù, giải tỏa tái định cư hiện nay có nhiều vướng mắc, làm chậm thì cần xây dựng quy chế mới, đẩy nhanh hơn, nếu có khác quy định thì xin cơ chế đặc thù thí điểm”.         

          Bí thư thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân

Theo GS TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Hội đồng khoa học TPHCM, trong suốt chiều dài lịch sử hơn 300 năm, TPHCM đã thể hiện sự năng động, sáng tạo, luôn tìm được bước đi thích hợp trong mọi hoàn cảnh cho sự tồn tại và phát triển. Truyền thống đó đã thấm vào máu người dân TPHCM, từ lãnh đạo cao cấp nhất xuống đến người dân bình thường.

Ông Giao đề nghị TPHCM cần có chính sách thông thoáng, phù hợp để thu hút nhân tài khắp nơi tự tìm đến để cùng đóng góp xây dựng và phát triển thành phố.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.