Săn 'thần dược' cà gai leo

Săn 'thần dược' cà gai leo
TP - Vốn là một loại cây hoang dại mọc khắp vườn nhà, núi đồi, cây cà gai leo (còn gọi là cà quánh) theo tin đồn là “thần dược” bỗng chốc lên giá theo tiếng hô của thương lái. Cả xã bỏ ruộng vườn nhà cửa đi săn lùng, tận diệt cà gai leo.

> Thương lái Trung Quốc ‘núp’... thu mua cà gai?
> Thương lái Trung Quốc tàn sát cây quý đường biên

Làng vắng

Thời điểm này cả thôn Tú Mỹ (xã Bình Tú, Thăng Bình, Quảng Nam) đóng cửa lên núi đi tìm “thần dược” cà gai leo. Chị Nguyễn Thị Nhàn, vợ trưởng thôn Nguyễn Văn Thân, hồ hởi gọi chúng tôi vào nhà, lôi bao tải rễ cà gai leo, khoe: Chị còn chừng này, trong kho còn chừng hai tạ thân và rễ nữa. Đang chờ anh đi chuyến này về rồi bán luôn thể.

Anh Thân trưởng thôn đang cùng một nhóm người lên tận Quế Sơn để kiếm cây cà gai leo, chiều tối mới về. Phải lên Quế Sơn bởi cả huyện Thăng Bình hầu như đã bị vét hết cách đây mấy tháng. Một ngôi nhà hiếm hoi nữa còn mở cửa, đó là nhà chị Nguyễn Thị Sen.

Chị Sen đang phơi cà gai leo khô ở sân, nói: Bữa nay đau tay không đi được, chồng và hai con lên núi từ sớm rồi. Kiếm thêm vài chục cân nữa, gộp vào chỗ này bán luôn. Mấy ngày trước, chị Sen bị gai của loại cây này đâm xước tay, bị nhiễm trùng.

Chị Nhàn cho biết, phong trào tìm cây cà gai leo rộ lên khoảng 2 tháng trở lại đây, lúc đầu thương lái mua 8 ngàn đồng/kg, sau đó lên 15 ngàn, rồi 17, cao điểm có khi 30 ngàn đồng/kg thân khô. Còn rễ cây luôn ở mức 50 ngàn đồng/kg. Nếu gặp mối, làm chăm chỉ mỗi ngày cũng kiếm được 4 – 5 trăm ngàn đồng. Bây giờ cả làng Tú Mỹ đua nhau đi kiếm cây. Ai thiết tha đến lúa má, nuôi heo nữa.

Một nhánh cây cà gai leo sót lại sau vườn nhà chị Nguyễn Thị Nhàn
Một nhánh cây cà gai leo sót lại sau vườn nhà chị Nguyễn Thị Nhàn.

Hiện các vùng ở Thăng Bình, Tam Kỳ, Duy Xuyên… loại cây “thần dược” này đã hết nên nhiều người phải lên tận các vùng đồi núi của huyện Quế Sơn, Tiên Phước, thậm chí vào tận Quảng Ngãi hay ra vùng núi Đà Nẵng để săn lùng.

Lúc đầu, dân Thăng Bình lên các xã miền núi kiếm cây, nhiều chủ rẫy hồ hởi dẫn vào chỉ rừng cà gai leo vì có người đi dọn dẹp không công. Sau này, tìm hiểu ra, những người này cũng bỏ luôn rẫy keo tràm đi tìm cây cà gai leo.

Ông Nguyễn Văn Tuyến – Phó thôn Tú Mỹ cũng vừa đi lùng cà gai leo về, nói: “Thôn có 70 hộ thì hết 60 hộ đi tìm cây rồi. Người ta bắt đầu tìm từ đầu năm, nhưng hai tháng nay cao điểm. Có người thu được mấy chục triệu, như ông Ba Cư, hộ ông Nguyễn Thể, Trương Văn, Phạm Văn Ngân…”.

Theo lời ông Tuyến, ông Ba Cư được mệnh danh là “trùm cà gai leo” vì từ 4 tháng trở lại đây ông Cư đã chặt về bán được khoảng hơn 3 tấn cây khô, bán được gần 50 triệu!

Ai mua “thần dược”?

Cách đây 2 tháng, giá cà gai leo lên gần 30 ngàn đồng/kg. Một số người dân bản địa thấy dễ kiếm tiền nên tìm cách không cho thương lái nơi khác đến gom hàng mà trực tiếp đến từng nhà dân thu mua, sau đó thuê xe chở vào Tam Kỳ bán lại cho các đầu mối để kiếm lời từ 2-3 nghìn đồng/kg.

Thôn Tú Mỹ có hai hộ đứng ra thu mua là anh Trương Văn và chị Thúy. Nhà anh Văn còn chứa khoảng 5 tấn khô đang chờ thương lái về nhập. Nhưng vợ chồng anh như đang ngồi trên đống lửa, tiền vốn đi vay mượn gom hàng, mấy chuyến trung gian thương lái chưa trả, nay hàng lại dồn ứ.

Theo ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam: Cà gai leo có tên trong danh mục cây thuốc cổ truyền. Nhưng về dược liệu thì không có tên trong danh mục được quản lý của Bộ Y tế nên Sở không quản lý loại cây này.

Còn theo GS - TS Nguyễn Văn Mùi, nguyên PGĐ Bệnh viện 103, người từng nghiên cứu về cây cà gai leo, thì cây thuốc này từng được một số nhà khoa học dược Việt Nam nghiên cứu.

Những tác dụng trên bệnh viêm gan vi-rút B, xơ gan, men gan cao, giải rượu đã được khẳng định qua kinh nghiệm dân gian cũng như qua một số công trình nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, chữa được ung thư gan thì chưa nghe nói đến.

Thương lái mua cây gì, cả làng xã ùn ùn tận diệt cây đó, câu chuyện về con đỉa, móng trâu, lá điều… vẫn còn nóng hổi. Riêng người Quảng Nam, bài học cây mật nhân vẫn nhãn tiền. Khi thương lái lặn mất tăm, có những người tồn hàng tấn rễ cây mật nhân, đốt làm củi.

Chị Ngọc Ý, vợ anh Trương Văn méo xệch vì mấy chuyến giao hàng chưa thu được tiền. “Lúc đầu thấy ngon ăn, mua 17 ngàn/kg, sấy khô, đóng bì bán cho một người tên Bình ở Tam Kỳ, giá 19–20 ngàn/kg. Người này là trung gian gom hàng cho mấy thương lái người Bắc, giá 22 ngàn/kg. Họ nói với nhau, đại loại hàng này xuất qua Trung Quốc hay gì đó, tôi cũng không rõ” .

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG