Sản vật Hoàng Sa ra thế giới

Những chuyến hành tỏi từ Lý Sơn vào đất liền. Ảnh: Nam Cường
Những chuyến hành tỏi từ Lý Sơn vào đất liền. Ảnh: Nam Cường
TP - Với anh Nguyễn Văn Định, không cứ gì hải sâm, cá ngựa mà hành tỏi cũng là sản vật của Hoàng Sa. Anh đang từng bước đưa hành tỏi, hải sâm từ Lý Sơn tới đất liền, từ đất liền ra thế giới.

“Lý Sơn - tiền đồn của Hoàng Sa, là nơi mấy trăm năm trước cha ông trên đảo lên thuyền ra bảo vệ và khai thác sản vật, vậy thì hà cớ gì hành tỏi không phải của Hoàng Sa?” – Anh Định nói.

Ngư dân đại học

Anh Định xòe bàn tay to bè, đen trũi, khoe: Tui là ngư dân thứ thiệt ở Lý Sơn à nghe. Rồi cười sảng khoái: Ngư dân là khoảng thời gian từ cấp hai lên cấp 3. Sau khi đi biển một năm, tui thi vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Đỗ cái rẹc, rồi ra trường, xin việc nhà nước, rồi bỏ việc và giờ thành… giám đốc.

Sản vật Hoàng Sa ra thế giới ảnh 1

Nguyễn Văn Định coi tỏi là sản vật mà cha ông để lại cho Lý Sơn và Hoàng Sa

Nguyễn Văn Định (1981), chàng trai đến từ đảo Lý Sơn, một ngư phủ chính hiệu đã trải qua hành trình 4 năm hiện thực giấc mơ đưa thương hiệu hành tỏi Lý Sơn vào đất liền, vào các siêu thị từ Hà Nội tới Đà Nẵng rồi TPHCM và giờ đây, anh tiếp tục biến giấc mơ đưa sản vật Hoàng Sa ra thế giới.

Như hàng trăm thanh niên Lý Sơn, thủa lên 10, Định đã biết tay lưới tay chèo thuyền thúng ra khơi gần. Lớn thêm một chút, Định được cha, chính là ngư phủ lão luyện Nguyễn Chín (tàu QNg 6399 ở thôn Tây xã An Hải) đưa lên tàu cho đi Hoàng Sa. 

Ông Chín kể, cả dòng tộc họ Nguyễn ở An Hải chỉ có nghề duy nhất là đi biển. Mà phải là biển Hoàng Sa. Vừa học vừa đi biển, đa số thanh niên trai tráng Lý Sơn chọn con đường “xếp bút nghiên”, nhưng với Định thì khác. 

“Mình phải tìm cách nào đó khác hơn, không thể bó hẹp trong suy nghĩ cứ phải lênh đênh trên tàu mới là yêu biển”. Giấc mơ chưa định hình, nhưng nung nấu cậu học trò xứ đảo quyết tâm vào đại học. Định là một trong những học trò tiên phong, xuất sắc ở xứ đảo đậu vào trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng nức tiếng. 

“Hồi em thi, tỷ lệ chọi còn khốc liệt hơn bây giờ rất nhiều. Một thằng ngư dân đen nhẻm, quen sóng gió hơn chữ nghĩa, đậu thẳng vào trường Bách khoa. Một sự kinh ngạc lớn” – Định cười tự hào.

Tôi ra Lý Sơn nhiều lần, không lạ gì lão ngư Nguyễn Chín ở An Hải. Thế hệ ông Chín được xem là những tay biển lão luyện cừ khôi. Ở Hoàng Sa, họ nằm lòng từng con sóng. Tàu QNg 6399 từng nhiều lần chạm mặt lực lượng hải giám Trung Quốc, từng mấy lần bị bắt, đẩy đuổi. Nhưng năm 2010 mới là năm thảm kịch nhất của họ Nguyễn ở An Hải. 

Tháng 2/2010, chuyến biển kinh hoàng của tàu QNg 6399 mà kết quả lê lết về tận Lý Sơn là sự phản ánh chân thực nhất của việc bị tước đoạt trắng trợn trên biển. Ông Chín kể, thành quả của hơn 50 ngày khai thác trên biển trị giá gần 150 triệu bị tước sạch, hải giám Trung Quốc còn đổ hết nước ngọt xuống biển, tịch thu ngư lưới cụ, rút gần cạn dầu, đổ nước mặn vào gạo và bắt buộc tàu quay đầu về Việt Nam. 

“Chưa lần nào ba tui bị nặng như vậy. Năm đó cả nhà tưởng không gượng nổi. Chủ nậu đòi thu tàu, nợ nần chồng chất. Bạn thuyền lo lắng. Nhưng rồi cũng qua. Tui biết, khi còn sức, ông không bao giờ bỏ tàu, bỏ biển”.

Cú sốc thứ hai đến với dòng họ Nguyễn vào cuối năm 2010 khi lão ngư Nguyễn Đảng – anh ruột ông Nguyễn Chín – ra đi. Lão ngư đầu bạc – một trong những người có kinh nghiệm nhất ở Lý Sơn mất tích vào tháng 12/2010 ở biển Hoàng Sa.

Trước đó, ông Đảng, với mái tóc trắng như cước, tuổi hơn 70 vẫn can trường bám biển là hình ảnh nổi bật trên truyền thông trong nước và quốc tế trong lần cảnh sát biển Việt Nam đi đón tàu ngư dân Mai Phụng Lưu mất tích ở Hoàng Sa trở về.

Mai Phụng Lưu kể, 5 ngày đêm vật lộn trong bão tố, nếu không có ông Đảng thì 9 người cùng tàu QNg 66478 đã vĩnh viễn chìm dưới biển sâu. Chỉ mấy tháng sau, số mệnh ông Đảng không thể nào khác khi ông cùng 5 ngư dân khác trên tàu ông Lê Minh Tân đi biển đã không còn trở về. Định chua xót: “Đến tận bây giờ, mỗi lần ra thắp hương, ngồi trước mộ gió bác Đảng, tui vẫn chưa thể tin rằng, bác lại chết một cách bí ẩn như thế”.

Đưa tỏi sang Thái, Sing, Hàn, Dubai

Định tâm sự, dẫu biết đời đi biển sống chết tích tắc trong bão tố phong ba, nhưng họa liên tiếp giáng xuống cùng cái chết đầy mờ ảo của bác ruột Nguyễn Đảng khiến anh thêm nung nấu hiện thực giấc mơ thời trai trẻ: Phải làm gì đó cho quê hương Lý Sơn, nhưng không phải là lênh đênh trên những con tàu. 

Sản vật Hoàng Sa ra thế giới ảnh 2

Hoàng Sa – ngư trường của ngư dân Lý Sơn (trong ảnh: tàu thuyền Lý Sơn đánh bắt ở Hoàng Sa)

“Cả họ nhà tui, thanh niên ai cũng đi biển, đàn bà phụ nữ thì trồng hành tỏi. Tui dẫu thay áo ngư dân, nhưng trong huyết quản vẫn chảy dòng máu ngư phủ. Vẫn quá nặng tình với Hoàng Sa, Lý Sơn”.

Quyết định đưa ra trong chớp mắt, chàng kỹ sư cơ khí Nguyễn Văn Định bỏ một công việc thơm tho ở Cty dầu khí PTSC (Dung Quất) với mức lương hơn 10 triệu/tháng để đi tiếp thị tỏi Lý Sơn. Ban đầu, Định dự kiến chọn quê hương Quảng Ngãi, nhưng tính kỹ, anh nhận thấy không đâu hơn Đà Nẵng. 

Và thế là cứ sáng sáng, lúc xe đạp lúc xe máy, anh một mình đến các siêu thị, cửa hàng ở Đà Nẵng năn nỉ mọi người nhận giùm tỏi, hành Lý Sơn đem bán. “Ngoài sự nhiệt thành, tui chỉ có một chữ để cam kết với chủ hàng: Tín. Tui cam kết không bao giờ dối trá lừa lọc, chỉ lấy hàng Lý Sơn”.

“Tui đưa hàng của các bác, các anh em ngư dân ngày đêm vất vả ở Hoàng Sa đến tay người tiêu thụ, nếu không đảm bảo, tui chính là tội đồ của anh em ngư dân. Thế thì khác nào tui phản lại cha ông, phản lại biển khơi” 

Anh Nguyễn Văn Định

Và đó chính là cái gốc của kết quả hôm nay. 4 năm, ngày nắng cũng như mưa, Định cần mẫn chăm chút cho công ty của mình phát triển. Từ số vốn ít ỏi ban đầu, giờ đây, Cty TNHH MTV Hải đảo Lý Sơn của Định đã lên con số gần 4 tỷ vốn điều lệ. Để tạo dựng uy tín, Định đích thân chạy như con thoi từ Lý Sơn về Đà Nẵng, TPHCM, Hà Nội. 

Chính tay anh lựa chọn những gói hàng hành tỏi được người thân trong gia đình thu mua. Anh kiên quyết loại bỏ những món hàng không đảm bảo chất lượng. Niềm tin được tạo dựng qua năm tháng, đến nay, ngoài hệ thống siêu thị Big C trên toàn quốc thì nhiều siêu thị, cửa hàng khác cũng đã tiêu thụ mặt hàng hành tỏi Lý Sơn.

Không dừng lại, Định tiếp tục thu mua hải sâm, cá khô, ốc, rong biển… và nhiều sản vật từ Hoàng Sa về đem bán. “Lặn hải sâm là một trong những nghề làm giàu cho dân Lý Sơn, nhưng phải có đầu ra, tính toán kỹ và chất lượng đảm bảo. Tui đưa hàng của các bác, các anh em ngư dân ngày đêm vất vả ở Hoàng Sa đến tay người tiêu thụ, nếu không đảm bảo, tui chính là tội đồ của anh em ngư dân. Thế thì khác nào tui phản lại cha ông mình, phản lại biển khơi” – Định nói.

Cuối năm 2013, anh đã tiếp cận và bắt đầu thương thảo hợp đồng xuất khẩu tỏi, hải sâm, rong biển sang Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc và Dubai. “Sẽ gặp vô vàn khó khăn, nhưng mình cứ đi từng bước. Ban đầu, đại diện bên Singapore và Thái Lan đã chấp nhận và rất thích thú với thương hiệu tỏi Lý Sơn”.

Hiện nay, với 50 công nhân, chủ yếu là sinh viên, và đặc biệt ưu tiên cho sinh viên Lý Sơn, kho hàng ở Đà Nẵng liên tục đóng gói nhãn mác từng túi hành tỏi. Hằng năm, cứ dịp thi đại học, Định tập hợp danh sách những thí sinh khó khăn ở đảo Lý Sơn, đặc biệt con em các ngư phủ gặp nạn ở Hoàng Sa, để hỗ trợ chi phí đi lại, ăn ở. “Nếu thi đậu, tui tiếp tục tài trợ phần nhỏ giúp các em học hành” – Định nói.

Tôi tới cửa hàng của anh ở Đà Nẵng. Sáng sớm, thấy Giám đốc Nguyễn Văn Định xắn tay áo dọn dẹp lau chùi như nhân viên, nâng niu từng túi hải sâm, múi tỏi. Cầm trong tay mấy tỷ đồng, giấc mơ làm ăn ra nước ngoài đang thực hiện, nhưng anh vẫn ở nhà thuê, đi xe máy. Trên tất cả, anh vẫn đang trả nợ ân tình với Lý Sơn, với Hoàng Sa.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.