Sang Trung Quốc bằng giấy thông hành

Sang Trung Quốc bằng giấy thông hành
Ngày nay, thật quá dễ dàng cho người Việt Nam muốn sang Trung Quốc. Nhiều người chỉ cần lên vùng biên, làm giấy thông hành, rồi đàng hoàng xuất quan.
Sang Trung Quốc bằng giấy thông hành ảnh 1
Xe lôi rất phổ biến ở Trung Quốc

Ở Móng Cái, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật vẫn có thể làm giấy thông hành nên rất tiện lợi, nếu bạn muốn du lịch Trung Quốc “vòng ngoài”. Du lịch bằng giấy thông hành, dù chỉ được đi sâu vào nội địa có 30 km, vẫn có rất nhiều điều đáng giật mình về xã hội và kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc.

“Đừng để mất, rắc rối to đấy!”

Mặc dù là Chủ nhật, nhưng khu vực trước cửa khẩu quốc tế Móng Cái vẫn tấp nập.

Phía bên Việt Nam, chắn giữa khu vực trung tâm, trước quầy bán vé sang Trung Quốc là đám xe ôm luôn miệng mời mọc dẫn khách “sang chui” cho đỡ tốn tiền và thời gian. Đồng ý, khách sẽ được dẫn luồn rừng, hoặc hòa cùng đám nhân công bốc xếp chèo thuyền vượt biên. Rất nhiều thanh niên đã chọn cách đi này và không ít người đã bị cảnh sát Trung Quốc tóm gọn, khi được thả về thì mặt xanh nanh vàng, mãi mới hết sợ.

Sau khi thoát khỏi đám xe ôm, vào quầy bán vé, tôi được chỉ sang một Cty chuyên làm giấy thông hành cho khách du lịch Việt Nam.

Thủ tục rất nhanh gọn: Chỉ cần đứng im trước một tấm vải, nhân viên lấy máy ảnh chụp, nộp tiền, mỗi người hết hơn 60.000 đồng là xong. Nhìn tấm ảnh đen trắng của loại máy chụp lấy ảnh ngay đời cũ, tôi cũng khó nhận ra chính mình. “Công an Trung Quốc chỉ nhìn bìa thôi, không xem ảnh đâu mà lo!” - Anh chàng làm giấy thông hành nhanh nhảu an ủi. Ngồi uống nước đợi để nhân viên Cty đi làm thủ tục, cỡ 30 phút sau “Tất cả đã OK”.

Anh chàng làm giấy thông hành xồng xộc bước tới cửa thông quan. Không cần mua vé như những người khác, anh đẩy hai người chúng tôi lên, vọt qua cả đám người xếp hàng, ba người chúng tôi đứng chặn ngang bàn làm thủ tục của Biên phòng Việt Nam.

Nhìn rõ ánh mắt khó chịu, chắc tại đã quen nên có phần cam chịu của mấy người Trung Quốc, tôi cũng không thể làm gì vì được gọi hỏi ngay: Đi đến mấy giờ? Đóng cộp dấu hai nhát, mỗi người được trả lại sổ thông hành kèm hai tờ giấy khai báo. “Đừng để mất, rắc rối to đấy!” - Đó là lời nhắc cuối cùng của nhà chức trách Việt Nam trước khi tôi sang Trung Quốc.

Còn anh chàng hướng dẫn viên vừa làm sổ thông hành thì dặn kỹ: “Sang Trung Quốc cái gì cũng phải mặc cả trước! Có gì thì gọi di động cho tôi, số 0912.346...”.

“Vặt bỏ mẹ chúng nó đi”

Trước khi sang cái cầu bắc ngang sông, có vạch đỏ ở giữa phân chia ranh giới; rất nhiều du khách Việt đã ghé thăm cột mốc số 2 nằm ngay cạnh chân cầu (phía bên Việt Nam). Phần nhô lên của cái mốc giống như bao biển chỉ số kilômét dọc các quốc lộ của Việt Nam nhưng người ta bảo, cả phần móng của nó nặng đến hơn... 10 tấn - và nó đáng được gọi là “mỏ neo” của Tổ quốc.

Thật dễ chịu khi từng bước vượt qua làn sơn chỉ ranh giới quốc gia. Nhưng bắt đầu sang đến khu vực kiểm soát của Trung Quốc thì không khí có phần nghiêm ngặt.

Không giống bên Việt Nam, trước khi vào buồng hải quan, nhân viên công lực đầu tiên của Trung Quốc mà người nhập cảnh phải gặp là một anh lính đứng gác nghiêm trang, nhìn chằm chằm về phía trước. Có lẽ anh không bỏ qua bất cứ du khách Việt nào nếu chưa quét ánh mắt đi một lượt từ đầu xuống chân.

Sang Trung Quốc đã là tháng 6/2005 nhưng bàn đầu tiên mà khách nhập cảnh phải qua vẫn là... bàn kiểm dịch. Hai cô kiểm dịch viên đang nói chuyện ríu rít, thấy có người đến, liếc một cái, phát cho mỗi người một tờ giấy nhỏ: “Ra cái bàn kia khai!". Tiếng Việt ọ ẹ nhưng nghe được, vừa nói xong, cô lại liến thoắng tiếng Trung.

Anh bạn đi cùng tôi nói nhỏ: “Người Trung Quốc nói nhiều thật”. Một cô nghe thấy, sa sầm nét mặt nhưng không phản ứng. Khai vào tờ giấy, thì ra đó là tờ kiểm dịch bệnh SARS. Vì đã quá xa đợt dịch nên mấy cô kiểm dịch rất thoáng. Tôi đi tới nộp tờ khai, cô ngó qua loa. Anh bạn tôi tiếp bước theo sau, đến bàn hải quan mới thò tờ khai ra: “Tao chưa nộp mà nó chẳng nói gì”!

Làm thủ tục ở Trung Quốc thì phải xếp hàng thực sự, không ai được vượt lên nếu chưa đến lượt. Được cái thủ tục đơn giản, họ chỉ cộp dấu, vào dữ liệu máy tính là xong. Đang chuẩn bị ra khỏi khu nhà cửa khẩu chúng tôi đã thấy nhấp nhô ở cổng ra những cánh tay vẫy vẫy, những cái mũ bảo hiểm màu vàng lấp ló. Đến gần thì ra đó là đám xe kéo và xe ôm Trung Quốc.

Còn nhiệt tình hơn ở các bến xe Việt Nam: “Đi đâu em”, “Để anh này anh biết tiếng lai đi”... Tôi cứ ngỡ người Việt qua đây vì tiếng Việt sõi quá. Và càng ngỡ ngàng hơn khi lắc đầu chen qua những lời mời xứ lạ, khi ngồi lên xe kéo của một người đàn ông luống tuổi có vẻ hiền lành, chúng tôi bị với theo một câu: “Vặt bỏ mẹ chúng nó đi, mời mà chẳng nói cái đ... gì”...

Trung Quốc “xa” và “gần”

Nếu ở thị xã Móng Cái, dễ nhìn thấy nhất là những chiếc xe Minsk phụt khói xanh chở hàng, len lỏi trong bầu không khí nhộn nhạo mua bán thì ở Đông Hưng (Trung Quốc) rất yên bình, phương tiện nổi bật nhất trên đường phố là những chiếc xe kéo. Đó là một loại xe chở người cải biên từ xe đạp.

Xích lô Việt Nam chỗ ngồi của khách đặt phía trước thì chỗ ngồi xe kéo đặt ở sau. Nó được thiết kế to hơn để 2 người ngồi thoải mái. Đạp loại xe này chắc chắn mệt hơn nhiều so với đạp xích lô. Và hình ảnh một Trung Quốc còn lam lũ, một tầng lớp dân còn nghèo hiện lên rõ nhất ở hình ảnh chiếc xe kéo.

Thật ngỡ ngàng khi tôi gặp một phụ nữ Trung Quốc kham khổ còng lưng kéo hai người đàn ông béo tốt ngồi ở đằng sau. Nhìn thì biết ngay, một từ nông thôn ra, còn hai là tư thương thành thị. “Mỗi ngày được 5 - 7 chục là tốt rồi” - Bác xe kéo đang lai chúng tôi thổ lộ.

Ở Đông Hưng, tiền Việt tiêu dễ chẳng khác nào ở Hà Nội nên người ta tính tiền cũng nhanh. Chở chúng tôi từ cửa khẩu qua chợ trung tâm Đông Hưng, mặc cả trước, cỡ gần 2 km, ông xế đồng ý “5 đồng”. Đến nơi, không có tiền lẻ, chúng tôi đưa luôn cho ông tờ 20.000 đồng. Cảm ơn rối rít, ông tần ngần đứng đợi chúng tôi gần tiếng đồng hồ bên dưới.

Vừa bước xuống cầu thang tầng 3 tòa nhà được gọi là Trung tâm Thương mại Đông Hưng nhưng mặt hàng chủ yếu là vải vóc, quần áo, ông xế đã chạy lên tầng 2 mời: “Đi tiếp nhé. Một tiếng 70.000”. “30”. “Ừ”. Là một công nhân bị thải hồi khi công cuộc đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước diễn ra long trời lở đất ở Trung Quốc, ông đạp xe kéo vừa đi vừa kể cho chúng tôi rất nhiều chuyện trên trời dưới đất.

Không khó khăn gì nhận ra sự phồn vinh của thị xã Đông Hưng chủ yếu nhờ buôn bán với thị xã Móng Cái của Việt Nam. Các cửa hiệu dọc các con phố chính ngoài tiếng Trung thường có luôn tiếng Việt. Quảng trường trung tâm nơi có trụ sở chính quyền thị xã Đông Hưng là nơi khách Việt Nam thường lui tới. Chẳng có gì ngoài một tòa nhà cao tầng, “dám” dành... rất nhiều đất để tạo một không gian thoáng. Nhưng xung quanh là những nhà chung cư được quy hoạch rất ngăn nắp.

Khi nghe chúng tôi kể ở Việt Nam, Nhà nước thường phải hỗ trợ đất rồi nhiều thứ khác để xây chung cư mà vẫn cứ thiếu, ông đạp xe kéo – một người trình độ không cao của Trung Quốc - ngạc nhiên: “Ô, thế á?”. Ông bảo chẳng tội gì phải vậy. Đã cho thì làm xong người ta lại đợi để xin, tạo sức ép. Với lại chính quyền đã cho thì thế nào quan chức cũng xin được nhà trước. “Nhưng được cái nhà ở Việt Nam thế thì rẻ lắm?”. “Không rẻ, rất đắt”. “Thế thì tham nhũng rồi”, bản tính bộc trực của người lao động khiến ông xế buột miệng.

“Ở Trung Quốc cũng tham nhũng ghê lắm, nhưng phạt nghiêm, không có chuyện quan chức mới đi tù chưa bao lâu đã được đặc xá. Càng quan to xử càng nghiêm!”. Tôi hỏi tại sao ông biết chuyện Việt Nam rõ thế, ông bảo: “Tôi đọc báo khách Việt để lại trên xe”.

Trưa ngồi ăn cơm tại quán “cơm bụi” ven đường, mấy người Trung Quốc đang luyện tiếng Việt hỏi han, thì câu chuyện tựu trung lại chủ yếu là so sánh trình độ phát triển của hai quốc gia. Thì ra dân hai nước nói chuyện với nhau hay quay ra thứ chuyện này.

Trung Quốc có chủ trương đường đi đến đâu nhà cửa, khu công nghiệp mọc theo đến đó. Nếu khu phố có trước, không phải người nào có tiền thì cứ xây mà tất cả phải đợi. Khi nào nhà nước quy hoạch xong, tất cả cùng xây. Tức nhà nước luôn đi trước. Hoặc quy hoạch trước, hoặc là hạ tầng đẹp rồi mới bán đất cho dân để thu lãi đi làm công trình khác. Có lẽ tại Việt Nam làm ngược nên đường mở rộng chẳng những khó vì đền bù mà bộ mặt đô thị cứ chắp vá mãi...

Hai nước có xuất phát điểm rất giống nhau nhưng với nhiều người Việt Nam, Trung Quốc rất gần nhưng cũng đã rất xa. Hình như cứ có dịp đi ra nước ngoài, người ta lại hay chạnh lòng khi nghĩ về nước mình. Nhiều du khách Việt Nam chúng tôi gặp dọc đường cứ hỏi nhau, các quan chức Việt Nam sang Trung Quốc nhiều, không biết họ nghĩ và học được gì nhỉ? “Mà thực ra nghĩ được và có chút tâm huyết là làm được thôi” - Một quan chức của Bộ Thương mại đã nghỉ hưu vừa mặc cả mua hai cái kính Trung Quốc vừa bảo vậy.

MỚI - NÓNG