Sao dân hiến đất làm đường, quan lại vụ lợi nhà cửa?

Sau 8 năm lùm xùm, ngôi nhà công vụ 12 Nguyễn Chế Nghĩa, Hà Nội vẫn chưa được trả lại nhà nước. Ảnh: Ngọc Châu.
Sau 8 năm lùm xùm, ngôi nhà công vụ 12 Nguyễn Chế Nghĩa, Hà Nội vẫn chưa được trả lại nhà nước. Ảnh: Ngọc Châu.
TP - “Thời gian qua người dân nhiều nơi đã tự nguyện hiến nhà, hiến đất làm đường, làm trường, ủng hộ các cuộc vận động chung của xã hội... Trong tình hình đó, lẽ ra cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp phải gương mẫu, thậm chí phải hy sinh thì một số người lại có những hành vi vụ lợi về đất đai, nhà cửa, gây bức xúc xã hội. Cái đó cần phải chấn chỉnh và xử lý nghiêm”.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo - Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư nói như vậy khi trao đổi với báo Tiền Phong về những câu chuyện liên quan nhà cửa, đất đai, nhà công vụ của các ông Trần Văn Truyền và một số cán bộ khác…

Nhà nước chưa đòi cũng phải tự giác trả

Vậy ông nhìn nhận đánh giá thế nào về sự trung thực, gương mẫu về tài sản, đất đai, biệt thự của một số cựu lãnh đạo mà báo chí đã phản ánh trong thời gian qua?

Đây là những chuyện đáng buồn vì nó xảy ra và liên quan đến  những người từng có cương vị, chức vụ như: Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, rồi gần đây nhất là câu chuyện nhà công vụ 12 Nguyễn Chế Nghĩa (Hà Nội) của nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên tồn đọng bao nhiêu năm chưa giải quyết được…

Đứng ở góc độ thể chế thì thấy rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do luật pháp của chúng ta không nghiêm, quản lý nhà nước của chúng ta về nhà công vụ, nhà đất của cán bộ cấp cao còn những kẽ hở. Để rồi một số người có cương vị, có chức có quyền đã tận dụng kẽ hở đó để mưu lợi cá nhân, đặc quyền, đặc lợi, dẫn đến tham nhũng.

Tuy nhiên, chúng ta biết những cá nhân trên đều là lãnh đạo, là đảng viên. Trong một câu nói giản dị Bác thường nói là: “Đảng viên đi trước làng nước theo sau”. Thời gian qua, nhân dân nhiều nơi đã tự nguyện hy sinh hiến nhà, hiến đất để làm đường, làm trường, ủng hộ các cuộc vận động chung của xã hội. Nghĩa cử đó đáng trân trọng lắm, và trong tình hình đó lẽ ra các cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ cao cấp phải gương mẫu hơn nữa, thậm chí phải hy sinh thì trái lại, lại có những hành vi vụ lợi. Đó là lòng tham, tính tham. Điều đó cũng cho thấy, các cán bộ trên đã chưa học và làm được theo Bác. Đây là điều phải rút kinh nghiệm sâu sắc, phải chú trọng giáo dục đạo đức cho những người có chức, có quyền. Đức là gốc, anh có năng lực chuyên môn, trình độ nhưng không có đức thì cán bộ đó cũng không xứng đáng thi hành nhiệm vụ.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu thực sự gương mẫu, trung thực thì khi nghỉ hưu, các cán bộ đó sẽ phải tự giác trả nhà công vụ, chứ không nhất thiết cứ phải đợi đến khi nhà nước đòi rồi mới trả?

Khi đang làm việc thì Đảng và Nhà nước bố trí nhà công vụ để tạo thuận lợi cho cán bộ đó làm việc tốt hơn. Nhưng khi không làm nữa, nghỉ hưu, anh có nhà rồi thì phải tự nguyện trả lại nhà chứ sao cứ phải đợi có người đòi. Đây là công sản chứ có phải là tài sản riêng tư của anh đâu, tại sao lại chiếm đoạt tài sản của nhà nước, của nhân dân thành tài sản cá nhân. Đấy là tham nhũng chứ còn gì nữa. Nó cũng cho thấy, cán bộ đó chưa đủ dũng khí để vượt qua lợi ích cá nhân, lợi ích không chính đáng.

Sao dân hiến đất làm đường, quan lại vụ lợi nhà cửa? ảnh 1 Giáo sư Hoàng Chí Bảo - Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư.

Chống căn bệnh nể nang

Ngoài lý do trên thì phải chăng còn có nguyên nhân từ sự nể nang không thưa ông?

Đúng là như thế và nó có nguyên nhân từ hai phía. Về phía cá nhân người sử dụng ngôi nhà đó khi rời chức vụ rồi thì phải trả lại chứ. Anh không thực hiện tức là vi phạm pháp luật. Về đạo đức cán bộ như thế là làm mất tín nhiệm trong Đảng, mất tín nhiệm với dân.

Còn về phía cơ quan quản lý thì rõ ràng đã có sự cả nể, giải quyết không triệt để. Điều này cũng xuất phát từ những riêng tư chứ không phải trách nhiệm chung với xã hội. Có thể họ có sự nể nang, lợi ích, hàm ơn nên cho qua những điều vô nguyên tắc. Phải chấn chỉnh ngay từ hai phía đó. Để những hiện tượng như thế không xảy ra, tái diễn nữa. Nếu nó còn tồn tại sẽ tiếp tục làm suy giảm lòng tin trong nhân dân. Do đó phải nhanh chóng có quyết định giải quyết cuối cùng về những vụ việc trên.

Cần có biện pháp để chống lại căn bệnh nể nang đó không, thưa ông?

“Nhưng khi không làm nữa, nghỉ hưu, anh có nhà rồi thì phải tự nguyện trả lại nhà chứ sao cứ phải đợi có người đòi. Đây là công sản chứ có phải là tài sản riêng tư của anh đâu, tại sao lại chiếm đoạt tài sản của nhà nước, của nhân dân thành tài sản cá nhân. Đấy là tham nhũng chứ còn gì nữa. Nó cũng cho thấy, cán bộ đó chưa đủ dũng khí để vượt qua lợi ích cá nhân, lợi ích không chính đáng”. 

GS Hoàng Chí Bảo

Đúng vậy! Qua những vụ việc trên thì tới đây chúng ta cần phải tăng cường kiểm soát, chống căn bệnh nể nang. Sự việc của ông Trần Văn Truyền, Trung ương yêu cầu các cơ quan có liên quan phải kiểm điểm, vì chính địa phương mới là người ra quyết định đó, là người chậm trễ trong việc ra các quyết định xử lý, chứ không chỉ bản thân đương sự.

Ngoài ra, qua những vụ việc trên thì những đồng chí lãnh đạo đang làm công tác quản lý cũng cần phải chú trọng đến giáo dục con cái trong gia đình. Đừng vì cái lợi trước mắt, đừng vì động cơ cá nhân làm phương hại đến chính mình và uy tín thanh danh của Đảng. Và hậu quả nó làm suy giảm niềm tin trong nhân dân, đó là cái mà chúng ta đáng lo nhất hiện nay.

Công khai tài sản để nhân dân giám sát

Năm 2015 - 2016 chúng ta sẽ tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc. Vậy theo ông, trong việc bố trí nhân sự lãnh đạo cấp cao tới đây cần phải chú ý những tiêu chuẩn gì?

Chúng ta phải trở lại nguyên lý muôn đời: Cán bộ là tất cả. Cán bộ nào phong trào đó. Nên, tại sao Bác lại nói công tác cán bộ là công tác gốc của Đảng. Vì thế, từ những thực tiễn không vui như vừa qua thì thấy rằng phẩm chất hàng đầu để lựa chọn những người vào vị trí lãnh đạo phải là đạo đức, là đức tính trung thực với Đảng, với nhân dân và với chính bản thân. Tất cả những chuyện phanh phui ra trong thời gian vừa qua đều là do không trung thực cả. Sự trung thực đó cũng phải chứng minh bằng hành động chứ không phải bằng lời nói.

Thứ hai phải có đức tính hy sinh, người cán bộ phải làm mọi việc vì việc công, chứ không phải vì bản thân. Thêm vào đó anh cũng phải là người có tài, có năng lực, sáng tạo, bản lĩnh dám chịu trách nhiệm. Ở đời nhân vô thập toàn nhưng là lãnh đạo quản lý anh phải dám chịu trách nhiệm về khuyết điểm của mình. Đấy mới là nhân cách đáng trọng.

Theo ông, những người được lựa chọn, được đưa ra bầu vào những vị trí lãnh đạo quan trọng có nên công khai tài sản để nhân dân biết và giám sát?

Chủ trương này là đúng và cần thiết. Thời gian qua chúng ta đã thực hiện nhưng kết quả chưa như mong muốn. Lý do là trình độ quản lý của chúng ta còn thấp nên chưa cụ thể hóa và thực hiện tốt được.

Thứ hai nữa là trách nhiệm và đạo đức của cán bộ. Năm nào chúng ta chẳng bổ sung lý lịch, tài sản. Càng ở cương vị cao càng phải gương mẫu. Tại sao các nước họ kiểm soát chặt chẽ và tốt như vậy. Ngay trong bầu cử, tranh cử họ cũng làm rất minh bạch trong việc kê khai tài sản. Trong quá trình đó nếu họ phát hiện thiếu minh bạch tài sản, trái với tự khai thì họ xử lý ngay, rút khỏi danh sách ứng cử ngay. Cái này ta còn yếu thì phải học để cho kỷ cương phép nước được nghiêm.

Bởi thực tế nếu cán bộ đó trong sạch thì chẳng việc gì phải giấu tài sản. Anh sáng tạo, tài năng để rồi có cuộc sống tốt thì hoàn toàn ủng hộ và tôn vinh. Chúng ta chỉ chống làm giàu bất minh, bất chính. Vì thế khai báo kê khai tài sản cũng chính là minh bạch hóa nó. Đây cũng là giải pháp để chống sự bất minh trong nội bộ Đảng, trong nội bộ các tổ chức công quyền. Và hiệu quả chỉ có được nếu đặt dưới sự giám sát của nhân dân và dư luận.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG