Sao thế, Hào Anh?

Sao thế, Hào Anh?
TP - Cơn cớ gì vợ chồng chủ trại tôm giống ở Đầm Dơi - Cà Mau ra tay hành hạ cháu bé giúp việc Hào Anh suốt thời gian dài, không chỉ bạt tai, đá đít, roi tre mà dùng cả bàn là điện, kìm sắt rồi hóa chất độc nữa - toàn những khí cụ chất liệu man rợ?

>> Bắt tạm giam thêm hai người hành hạ cháu bé
>> Phơi lộ sự thật vụ cháu bé bị hành hạ man rợ

Những tháng ngày tra tấn cháu bé, có lúc nào đó trong lòng ông chủ, bà chủ trại tôm le lói chút tình thương? Có lúc nào họ chợt ngộ ra Hào Anh cũng là CON NGƯỜI, cháu sinh ra có đủ các quyền bình đẳng như bao cháu bé khác?

Những câu hỏi khiến bạn đọc day dứt, kể từ khi thông tin vụ hành hạ cháu Hào Anh được đưa lên mặt báo.

Tôi chợt liên tưởng câu hỏi nhiều bạn đọc từng đặt ra cho ông Phương Linh Hột ở Móng Cái - Quảng Ninh: Nhiều tiền lắm của, công ty phát đạt, con cái khôn lớn, cớ sao không rửa tay gác kiếm, lại tổ chức bắn giết nhau, thân già phải đem gửi vào nhà đá.

Trả lời không khó. Kinh tế phát triển, nhiều người giàu lên nhanh chóng. Nhưng điều đó thường không song hành cùng sự giàu có về văn hóa, về nhân cách, về tình người. Thậm chí ở một số ông chủ bà chủ, sự tôn trọng pháp luật, tôn trọng các quyền cơ bản của CON NGƯỜI, cũng không có nốt.

Nhiều trọc phú mới nổi nhìn thời cuộc, nhìn con người rất méo mó. Họ nhìn qua lăng kính đồng tiền. Ông chủ bà chủ trại tôm hành hạ cháu Hào Anh có lẽ cũng là những người như vậy.

Khi sự việc bị phát giác, họ định dùng tiền để bưng bít, định “mua” từ hàng xóm, ông trưởng thôn, tới mẹ của cháu Hào Anh. “Trong tay sẵn có đồng tiền/ Sự đời đổi trắng thay đen khó gì”, câu thơ của cụ Nguyễn Tiên Điền cho thấy lối tư duy lăng - kính - tiền chẳng mới mẻ gì.

Dự nhiều phiên tòa bạo hành gia đình, tôi có nhận xét: Nhiều vụ chồng đánh vợ, cha đánh con suốt thời gian dài, song chính quyền, đoàn thể, hàng xóm, hầu như đứng ngoài. Khi án mạng xảy ra hoặc chí ít có người nhập viện, công an vào cuộc, bấy giờ mới đổ xô đến xem đổ xô bình luận.

Phiên tòa, cũng có khi là buổi họp tổ dân phố, chật ních người dự. Ai cũng muốn chen vào nhìn mặt bị cáo, muốn nghe tường tận vụ việc, nhưng không ai tự hỏi: Mình đã làm gì để ngăn chặn chuyện này?

Những ngày này, cháu Hào Anh đang sống trong đầy ắp tình thương của mẹ, của bà, của các y bác sỹ, và bao người hảo tâm gần xa. Những vết thương trên cơ thể cháu đang lên da non, liền sẹo.

Nhưng còn đó vết thương trong tâm hồn, một khoảng trống mênh mông trong tuổi thơ của Hào Anh, gắn với bờ rào trại tôm giống, với những tháng ngày làm công cho “cậu” Giang “mợ” Thơm đầy đớn đau tủi nhục.

Nỗi đau của Hào Anh đã và đang lay động, đã và đang đánh thức sự quan tâm của rất nhiều người. Đã có rất nhiều hồi âm của bạn đọc gửi về tòa soạn báo, phẫn nộ và sẻ chia. Điều đó cho phép hy vọng vết thương cả thể xác và tâm hồn của Hào Anh sẽ có điều kiện lành lặn lại, những éo le, khó khăn hiện tại của gia đình cháu sẽ nhận được thật nhiều cảm thông, san sẻ.

Điều còn lại là làm thế nào để những chuyện từng xảy ra với Hào Anh sẽ không bao giờ tái diễn.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.