Sáp nhập ba văn phòng cấp tỉnh sẽ giảm hàng trăm lãnh đạo cấp sở

Sau thí điểm hợp nhất sẽ tổng kết báo cáo Quốc hội
Sau thí điểm hợp nhất sẽ tổng kết báo cáo Quốc hội
TPO - Theo tính toán sơ bộ, với 3 cơ quan độc lập như hiện nay, có 189 Chánh Văn phòng, ít nhất 378 Phó Chánh Văn phòng, nếu thành lập văn phòng chung sẽ giảm được 126 Chánh Văn phòng và ít nhất 126 Phó Chánh Văn phòng.  

Văn phòng Quốc hội đang lấy ý kiến về việc thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc thí điểm hợp nhất 3 văn phòng nhằm giảm đầu mối, giảm biên chế và nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan này trong giai đoạn hiện nay.

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến thời điểm 1/3/2018, Văn phòng HĐND cấp tỉnh có 1.552 biên chế, trong đó có 63 Chánh Văn phòng, 118 Phó Chánh Văn phòng, 137 phòng với 128 Trưởng phòng, 182 Phó Trưởng phòng, 605 chuyên viên và 444 hợp đồng lao động.

Đa số các địa phương đều có 2 phòng theo quy định, tuy nhiên vẫn có 14 văn phòng có nhiều hơn từ 1-2 phòng, đặc biệt Văn phòng HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế có tới 6 phòng. Cũng theo quy định, mỗi phòng chỉ có một trưởng và một phó phòng, tuy nhiên thực tế một số nơi có tới 4 - 5 phó, thậm chí nhiều hơn 5 phó phòng, như Văn phòng HĐND TP Hải Phòng, Hà Giang, Yên Bái có 6, Bắc Giang tới 7 phó trưởng phòng.

Còn với Văn phòng UBND cấp tỉnh, đến thời điểm trên có 6.620 biên chế, với 62 Chánh Văn phòng, 199 Phó Chánh Văn phòng. Đa số các Văn phòng UBND có không quá 3 Phó Chánh Văn phòng như quy định, tuy nhiên, một số địa phương còn bố trí nhiều hơn quy định, như TP HCM có 6, Thanh Hóa 5, Đồng Nai, Quảng Ninh, Quảng Nam có 4 Phó Chánh Văn phòng.

Với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, hiện cả nước có tổng số biên chế hành chính là 377 người. Số lượng biên chế và lao động hợp đồng của các văn phòng được quy định theo số lượng Đại biểu Quốc hội của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, các Văn phòng Đoàn chưa được xác định vị trí việc làm để làm cơ sở tuyển dụng, phân công công việc, đánh giá kết quả công tác.

Theo ban soạn thảo đề án, việc hình thành 3 Văn phòng riêng làm cho bộ máy cồng kềnh, nhiều phòng, nhiều cấp phó, khó tập trung nguồn lực và phát sinh tăng trụ sở. Mỗi tỉnh, thành có 3 đơn vị tương đương cấp sở làm nhiệm vụ tham mưu, giúp việc, như vậy, trên toàn quốc sẽ có 189 cơ quan và trên 500 lãnh đạo cơ quan cấp sở (tương đương giám đốc, phó giám đốc sở). Ngoài ra còn hình thành nhiều đơn vị trung gian cấp phòng.

Cơ quan soạn thảo đề án cho rằng, việc hình thành nhiều phòng trong văn phòng như vậy có lúc dẫn đến tình trạng các lĩnh vực công tác bị chia nhỏ, cắt khúc, nhiều tầng nấc trung gian, đơn vị nào cũng phải duy trì bộ phận làm công tác hành chính, văn phòng. Do đó số nhân lực cũng như kinh phí cho công tác quản trị và bộ máy gián tiếp tăng lên, nguồn lực của cơ quan bị phân tán, thiếu tập trung, không thể sử dụng và phát huy hiệu quả tối đa.

Khi thực hiện hợp nhất 3 văn phòng, sẽ giảm được 2 đầu mối cơ quan tương đương cấp sở ở mỗi địa phương. Tương ứng với đó giảm được 2 cấp trưởng và 3 cấp phó ngành, nhiều đầu mối cấp phòng và trưởng, phó trưởng phòng.

Theo tính toán sơ bộ, với 3 cơ quan độc lập như hiện nay, có 189 Chánh Văn phòng, ít nhất 378 Phó Chánh Văn phòng, nếu thành lập văn phòng chung sẽ giảm được 126 Chánh Văn phòng và ít nhất 126 Phó Chánh Văn phòng.

Tuy nhiên vấn đề được đặt ra là việc hợp nhất 3 văn phòng không chỉ là sáp nhập “cơ học” mà cần phải xác định rõ tên gọi, địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cũng như mối quan hệ công tác, cơ chế hoạt động của văn phòng chung cho phù hợp để tránh sự chồng chéo trong công tác tham mưu, phục vụ.

MỚI - NÓNG