Sáp nhập các quận, phường ở TPHCM: Lo đời sống người dân bị xáo trộn

TP - Ngày 6/10, tại hội nghị phản biện xã hội dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc TPHCM giai đoạn 2019-2021, Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó giám đốc Công an TPHCM, lưu ý việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính phải quan tâm đến cuộc sống ổn định, tránh làm xáo trộn, gây khó khăn cho người dân.
Sáp nhập các quận, phường ở TPHCM: Lo đời sống người dân bị xáo trộn ảnh 1

Người dân làm thủ tục hành chính công tại UBND phường 7, quận Phú Nhuận, TPHCM

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Thị Hồng Thắm, dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021 sắp xếp lại 19 phường thuộc các quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận và thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sắp xếp 3 quận 2, 9 và Thủ Đức. Dự kiến, sau khi đề án này được triển khai, TPHCM sẽ chỉ còn 22 quận, huyện (16 quận, 1 thành phố và 5 huyện), 312 xã, phường, thị trấn (249 phường, 58 xã và 5 thị trấn). “Ngày 5/10 vừa qua, cử tri tại các quận 2, 9, Thủ Đức đã bỏ phiếu và thống nhất cao về việc thành lập thành phố Thủ Đức cũng như sáp nhập một số phường trên địa bàn sinh sống của cử tri”, bà Thắm cho hay.

Tại hội nghị (do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM tổ chức), ông Minh nói rằng, về việc sáp nhập 19 phường, cần tính toán kỹ để tránh xáo trộn đời sống người dân, bởi thực tế có những tên đường, địa danh bị đổi tên tùy tiện, có nơi đổi tên ba lần mà vẫn có thể bị đổi tiếp. “Mỗi lần đổi không chỉ gây khó khăn cho người dân mà cán bộ quản lý hành chính địa bàn đó cũng khổ, công an đi xác minh cũng vất vả”, ông nói. Theo ông, TPHCM nên chọn một tên cũ để giữ lại làm tên phường mới. Còn nếu buộc phải đổi tên phường thì cần lý giải cho rõ ràng và phải đảm bảo đây là lần đổi cuối cùng.

“3 người mặc, áo càng chật hơn”?

Về đề án thành lập thành phố mới, ông Minh cho rằng, thành phố Thủ Đức được sáp nhập từ ba quận 2, 9 và Thủ Đức, nếu thẩm quyền vẫn chỉ như một đơn vị hành chính cấp huyện thì rất khó thực hiện khi được giao khối lượng quản lý rất lớn, thu ngân sách và dân số thậm chí còn lớn hơn. Bên cạnh đó, thẩm quyền chủ tịch, trưởng công an, trưởng ban ngành của thành phố Thủ Đức đều là thẩm quyền của cấp huyện, nhưng lại phải thực hiện những chuyện lớn hơn. “Chiếc áo một người đang mặc đã quá chật, bây giờ 3 người mặc chung thì càng chật hơn. Nếu chúng ta không tính toán kỹ thì sẽ không giải quyết được công việc”, ông nhận định.

Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, phương án sáp nhập 3 quận thành thành phố mới chưa nêu rõ lý do khoa học, chưa có dự báo cụ thể các hệ lụy của việc sáp nhập. Bên cạnh đó, việc tách nhập các phường, xã trong hệ thống tổ chức chính quyền địa phương là việc làm thường xuyên, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính. “Nên chăng cần có đề án riêng cho việc tách nhập cấp xã với luận chứng đơn giản hơn so với việc thành lập thành phố Thủ Đức”, ông Cương đề xuất. Ông cho rằng, cần có tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả quản lý, lòng dân, hiệu quả về tài chính của các phương án để có số liệu chứng minh rõ ràng hơn.

Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, đề án sáp nhập các đơn vị hành chính cần có thêm các cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học để triển khai thành phố Thủ Đức, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, đang phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện đề án với đầy đủ cơ sở lý luận, pháp lý, thực tiễn, cập nhật các tài liệu bản đồ, hệ thống phụ lục, bản tổng hợp cũng như bổ sung kết quả lấy ý kiến cử tri các địa phương có liên quan. Sở Nội vụ đã xây dựng đề án sắp xếp đội ngũ cán bộ hành chính sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính, trong đó có phương án giải quyết nhân lực dôi dư… Đề án sẽ sớm được hoàn thiện để trình HĐND TPHCM thông qua trước khi trình Bộ Nội vụ.

MỚI - NÓNG