Sáp nhập giảm 30.000 thôn, tổ dân phố, giảm 150.000 người hưởng lương

Thống kê hiện cả nước có khoảng 100.000 thôn, tổ dân phố. Ảnh IT
Thống kê hiện cả nước có khoảng 100.000 thôn, tổ dân phố. Ảnh IT
TPO - Theo thống kê sơ bộ, hiện cả nước có khoảng 100.000 thôn, tổ dân phố và đã giảm trên 30.000 thôn, tổ dân phố, qua đó giảm khoảng 150.000 người hoạt động không chuyên trách.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, trung bình mỗi thôn, tổ dân phố có khoảng 200 - 300 hộ gia đình ở vùng đồng bằng. Riêng khu vực miền núi, ở những nơi có địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, diện tích rộng, dân cư phân tán nên quy mô dân số nhỏ, nhiều thôn dưới 100 hộ gia đình, cá biệt có những nơi quy mô rất nhỏ, thậm chí dưới 10 hộ gia đình.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố rất lớn, trung bình có khoảng 5 người hoạt động không chuyên trách tại mỗi thôn, tổ dân phố. Thực trạng trên đã gây khó khăn lớn cho công tác quản lý, tổ chức của chính quyền cấp xã, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của thôn, tổ dân phố, đồng thời tạo ra gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Thực hiện quy định tại Thông tư 14 của Bộ Nội vụ, nhiều địa phương trên cả nước đã xây dựng đề án sắp xếp thôn, tổ dân phố trình HĐND cấp tỉnh thông qua. Theo thống kê sơ bộ, hiện cả nước có khoảng 100.000 thôn, tổ dân phố và đã giảm trên 30.000 thôn, tổ dân phố, qua đó giảm khoảng 150.000 người hoạt động không chuyên trách.

Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng đều thay đổi mô hình tổ chức, bỏ cấp trung gian, sắp xếp lại quy mô nên số lượng thôn, tổ dân phố giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số địa phương như Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nam... sau sắp xếp lại thôn, tổ dân phố cũng giảm trên 500 thôn, tổ dân phố; các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Điện Biên…giảm từ 200-300 thôn, tổ dân phố sau sắp xếp.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, việc sáp nhập các thôn ở xã miền núi cũng khó khăn hơn đối với các nơi khác, không thể tiến hành sáp nhập cơ học mà phải tính đến các yếu tố địa lý, địa hình; đồng thời, đảm bảo hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã, thuận lợi cho sinh hoạt của người dân.

Đối với thôn, tổ dân phố ở khu vực đồng bằng, việc sáp nhập có nhiều thuận lợi do điều kiện phát triển về hạ tầng cơ sở, dân cư tập trung nên khi quy mô tổ dân phố tăng nhưng vẫn đảm bảo được hiệu quả tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố.

Tuy nhiên, có một số vấn đề phát sinh đối với các đô thị lớn hiện nay như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, do sự xuất hiện của các chung cư, khu đô thị lớn, dân cư tập trung đông trên một địa bàn tổ dân phố, gây khó khăn cho công tác sắp xếp tổ dân phố để bảo đảm hiệu quả hoạt động.

“Việc sáp nhập giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách nhưng khi quy mô tổ dân phố tăng cao thì cần phải có các biện pháp tổ chức và hoạt động tốt mới đảm bảo hiệu quả”, ông Tân cho hay.

MỚI - NÓNG