Sắp thông thoáng những bít bùng phố Gầm Cầu

Những ô, vòm dọc Phùng Hưng và phố Gầm Cầu. Ảnh: Xuân Ba.
Những ô, vòm dọc Phùng Hưng và phố Gầm Cầu. Ảnh: Xuân Ba.
TP - Tạo thêm không gian sinh hoạt văn hóa cho người dân Thủ đô bằng phương án đục thông 131 vòm cầu. Đó là thông tin Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra mới đây tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm.

Đó là phương án đục thông 131 vòm cầu đoạn từ phố Phùng Hưng đến ga Đầu cầu Long Biên.

Tôi đang tà tà chầm chậm nhịp xe máy suốt dọc 131 cái ô gầm cầu gần 1 km của phố Phùng Hưng. Nhịp xe ấy cứ như là động thái để tiễn biệt một quá vãng Hà Thành mặc dầu kế hoạch đục thông ấy chắc còn lâu mới triển khai?

Đồng thời với việc xây cầu Long Biên và mở tuyến đường sắt lên mạn Bắc theo vết tường thành và con hào phía đông thành trì Hà Nội cũ bị lấp năm 1896 – 1897, các kiến trúc sư thời thực dân ấy đã nghĩ rất thoáng và có chút lãng mạn nhưng mang hơi hướng  sinh thái lẫn kinh tế cho những nhịp từ tốn của con tàu trước khi rời thành phố bằng cách cho nó lướt chầm chậm trên 131 ô vòm của đại lộ Henri de Orleans dài 1.250 mét.

Đại lộ ấy  về sau được đổi thành phố Phùng Hưng như tên gọi bây giờ. Những năm đầu bảy mươi thế kỷ trước hẵng còn thông thoáng những ô vòm rỗng ấy để từ Phùng Hưng thông sang phố Lý Nam Đế và Quán Thánh, Phan Đình Phùng… Và sau 1975, với lý do  để đảm bảo an toàn cho tàu hỏa vận hành trên đoạn phố Gầm Cầu phải bít đặc những ô vòm rỗng ấy (?!)  Nghĩ mà phục cho ý tưởng thực dụng nhưng thâm sâu tác giả kiến trúc thực dân.

Bởi đoạn đường sắt từ ga Long Biên dẫn vào nội đô cao hơn rất nhiều so với nền đường bộ nên người ta đã xây dựng cầu dẫn gồm 131 ô vòm. Vừa thông thoáng giãn bớt tiếng ồn. Vừa tạo một cảnh quan bắt mắt của một khu dân cư giữa bờ sông Cái với khu nhà binh thành Hà Nội.

Các ô vòm có độ rộng gần bằng nhau chỉ khác về chiều cao tròm trèm gần 16 mét vuông. Ô đầu tiên cao chưa tới 2 m, nằm trên phố Phùng Hưng; ô cuối cùng nằm cuối phố Gầm Cầu, cao khoảng 6 m. Hiện chỉ có 4 ô để thông làm lối đi như cái ô số 3 ngõ Hàng Hương.

Ngõ Hàng Hương. Đã lâu rồi tôi không có dịp ghé.

Hàng Hương? Phải đích con phố chỉ hơn trăm mét này thông với Phùng Hưng và Lý Nam Đế ngày xửa ngày xưa bán hương? Nhưng thuở tôi biết thì con phố ngắn tủn này  đã bặt thứ hương nhang nào đó.  Giữa phố lại òa ra một cái ngách nữa kết cấu theo lối chữ T lèn hơn một trăm hộ, giăng mấy hàng ăn với gần chục hàng thịt  chó. Nổi danh nhất là quán thịt chó có tên đến là nhã, thịt chó Mai Tình.

Mai Tình hút khách ngoài khoản chó chặt còn là món chả nướng.  Đã thành thương hiệu nhưng thịt chó Hàng Hương khác thịt chó chợ Âm Phủ. Chó chợ Âm phủ đa phần đưa từ Vân Đình ra. Thứ chó ta thui bằng rơm nếp thơm đậm chứ không sực lên thứ thơm khét thui bằng rơm thóc tẻ lẫn giấy vụn. Chó Hàng hương đưa từ Gia Lâm và chợ Tó bên Đông Anh sang. Hai thứ cẩu nhục ở hai địa danh ấy đều hút khách theo cái cách, kiểu của nó.

Khoản chả của mấy quán chó Hàng Hương không biết tẩm ướp những thứ gì nhưng cứ mỗi độ trưa chiều, nhất là vào cữ cuối thu đầu đông, làn khói quạt chả màu lam nhạt, lam đậm cứ cuồn cuộn bốc lên bên ô vòm số 3 này làm mờ xanh cả một đoạn phố Phùng Hưng. Thứ lam khói ấy tưởng vô hại nhưng cứ thúc vào con tỳ con vị thực khách lẫn kẻ qua đường khiến khó mà cầm lòng cho được.

Thế hệ đàn anh nhà số 4 Lý Nam Đế của Văn Nghệ Quân đội  những Nguyễn Thi, Từ Bích Hoàng, Thanh Tịnh… thuở ấy có ghé ngõ Hàng Hương không, chả biết? Nhưng tôi được đụng lẫn được ké nhiều lần các đấng Nguyễn Khải, Chu Lai, Nguyễn Đức Mậu, Hồng Diệu, Nguyễn Bảo, Trần Đăng Khoa… những bận quây tụ quanh khoản mộc tồn Hàng Hương.  

Cái lối thưởng thịt chó mắm tôm của thi sĩ Nguyễn Đức Mậu hơi bị lạ. Ý muốn nhã không nhuốm tục chăng? Là không tẩm cũng chẳng dúng hẳn miếng dồi chó vào bát mắm tôm mà ông chỉ lướt là là hơi chớm mặt phẳng của bát mắm cho có hơi mắm mà thôi.

Ấy là một dạo, một thời. Nghe nói dạo này các đấng ấy nổi cơn kiêng cữ huyết áp mỡ máu chi đó liệu có ghé?

Lại đủng đỉnh, tà tà như thuở nào. Nhưng lần này khoản huyết áp bỗng vọt nên tôi lánh vào cái hàng vó bò chỗ quen ngay sát mép vòm ô số 3 Hàng Hương. Hóa ra ý tưởng đục thông vòm gầm cầu của ông thị trưởng Nguyễn Đức Chung đã loang khắp và ông chủ quán đã biết từ lâu.

Chuyện lan man thế nào mà lại chuyển dịch lại cái thuở các ô vòm đương còn thông thống. Cứ như đích mục sở thị của ông chủ quán thì lý do chả phải an toàn cho tàu hỏa chạy trên ô, trên vòm mà hình như là an ninh nên người ta đã nhanh chóng tiến hành việc bịt cứng hơn trăm ô, vòm như thế?

Bởi một thời, một thuở, nói thì ngái nhưng cũng gần đây thôi, sau Hiệp định Ba Lê năm 1973 từng xôm tụ kiểu quần cư ở những vòm ô này. Là cứ mỗi ô gần 16 mét vuông thoắt thành nơi cư trú chắc khừ vững chãi cho mỗi gia đình vô gia cư và hầu hết không có hộ khẩu. Họ dạt từ mấy tỉnh mạn ngược và cả miền Trung ra Hà Nội. Các nhà chức việc thành phố đã ra tay…

Hết đả thông kêu gọi và cả cưỡng chế. Vất vả mấy lần mới chuyển dịch những ô hộ khẩu kiểu di dân tự do và bất hợp pháp ấy khỏi những ô với vòm.  Đâu như thành phố bố trí cho họ xuống khu Tân Mai. Để tránh họ lai vãng trở lại, hơn trăm cái ô vòm dưới chân phố Gầm Cầu đã được bịt kín bằng ba lớp đá hộc trám xi măng. Gọi là ba lớp vì ngoài hai mặt tiền mặt hông, khoảng giữa còn có một lớp đá hộc nữa.

Sắp thông thoáng những bít bùng phố Gầm Cầu ảnh 1 Một vòm thông sang ngõ phố Hàng Hương.

Mấy chục năm, người Hà Nội đã quá quen mắt mới những ô đá hộc trám xi măng sừng sững chạy bên song song với phố Phùng Hưng. Bây giờ đục thông đi, phá đi chắc cũng hơi bị lạ mắt? Nhưng lạ chứ không chuế không nghịch? Cứ như ông chủ quán vó bò xuýt xoa rằng tự dưng ông Hà Nội nảy ra một thứ quỹ đất hơi bị độc đáo mà nói như ông là hơi bị có giá. Vấn đề là coi sóc, quản trị cái quỹ đất  ấy như thế nào?

Lẩn thẩn nghĩ thêm cứ suy cái vòm cái ô bắt thông với phố Hàng Hương đây luôn khởi đầu cho những sinh lợi này khác? Và một địa danh ngõ Hàng Hương kinh tế cũng đồng thời cả kỷ niệm này nọ cứ như một thứ di sản phi vật thể với chả ít người Hà thành?

Đục thông 131 vòm cầu, nhỡn tiền là việc lợi cấp thời giải quyết nhu cầu đi lại và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là tại phố Gầm Cầu vốn nhỏ hẹp, mặt đường xuống cấp, không có hệ thống thoát nước, gây khó khăn cho việc đi lại và sinh hoạt của người dân thì đã rõ. Thòi ra được một quỹ đất chả nhiều nhặn gì nhưng là khá đắc địa ấy Hà Nội sẽ bày biện ra thứ gì trên đó? Phập phồng Hà Nội sẽ có cách làm như đã từng bày biện tạo dựng nhiều không gian, khu vực vui chơi, sinh hoạt văn hóa như tuyến phố đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố sách tại phố 19/12.

Rời cái quán vó bò Hàng Hương, tôi trèo hẳn lên đoạn đường sắt bên nóc quán để mò đến khu gia binh sát đường tàu lối sau Nhà xuất bản Quân đội. Đó là nơi ở của Nguyễn Trí Huân của Chu Lai và mấy nhà văn ở Văn Nghệ quân đội.

Bây giờ gần như đoạn chót đời định cư hẳn tại khu gia binh ngay sát đường tàu của mấy nhà văn trong đó Chu Lai là cả một câu chuyện dài.

Chợt thoáng những lần ngồi kéo thuốc lào với Chu Lai ở khu tập thể VNQĐ trong phố Lý Nam Đế và ngôi nhà ngay sát sạt với đường tàu này mỗi lần như có dư vị khác?  Hồi mới từ khu tập thể trong phố ra đây, ngồi chuyện với Chu Lai và vợ là nhà văn Võ Thị Hồng ông bạn cùng đi tỏ ra ái ngại là đang dở giấc hoặc mải viết lách chi đó tàu hỏa rầm rầm sát bên tai thì ớn nhỉ? Chị Hồng cũng ái ngại theo cái nhăn mặt của Chu Lai rằng thôi cũng có cái may nhà mới bề thế yên tĩnh chỉ trừ mỗi lúc tàu Hà Nội Lào Cai đi với về. Mà nó có giờ thôi chứ có chạy cả ngày đâu?

Bẵng đi nhiều năm. Cái sự ồn bên đường tàu dường như không hề hấn đến Chu Lai thì phải? Bởi cứ thấy Chu Lai sinh hạ sòn sòn những tác phẩm dày mỏng kịch, tiểu thuyết này khác… Đêm ấy ở một Trại viết đã khuya khoắt lắm, âm thanh tiếng rít điếu cày của Chu Lai ở phòng bên lại thoảng. Ghé qua thấy màn hình của chiếc laptop trên giường đang ánh lên xanh lẹt ma quái kèm theo chất giọng như một tiếng thở dài rằng tầm này tàu Yên Bái sắp qua nhà. Tự dưng vắng tiếng tàu cứ thấy thiêu thiếu cái gì mày ạ…

Thì ra là lão bị tàu ám? Mà ám lành?  Hóa ra tiếng còi tàu cùng bánh xe xiết trên đường ray ngay bên hông nhà như một thứ âm thanh cầm canh cho Chu Lai để thúc giục lão khi thì nhẩn nha khi hối hả mổ trên bàn phím những con chữ mà như lão thưởng tự thưởng là có hồn!

… Ngôi nhà cũ khu gia binh sát đường tàu bữa nay hình như nhường cho một người cháu. Vợ chồng Chu Lai mới chuyển sang khu nhà mới bên kia sông. Chất giọng trầm rè quen thuộc đang dậy lên trong điện thoại, lão ới sang sông chơi nhà mới.

Chắc nhiều chuyện với một nhân chứng sau hơn 20 năm ăn ngủ viết lách bên những cái ô vòm kín đặc rầm rầm tiếng tàu hỏa. Nay sắp được thông thoáng những bít bùng xưa cũ?

MỚI - NÓNG