Sắp tích nước, hàng nghìn dân vẫn ở trong lòng hồ

Sắp tích nước, hàng nghìn dân vẫn ở trong lòng hồ
Theo tiến độ, ngày 31-7 sẽ tích nước hồ Rào Quán. Thế nhưng đến nay vẫn còn hàng nghìn người dân Vân Kiều thuộc xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa Quảng Trị) chưa được đưa ra khỏi vùng lòng hồ.
Sắp tích nước, hàng nghìn dân vẫn ở trong lòng hồ ảnh 1

Nhiều nhà dân, trụ sở UBND xã Hướng Linh còn "chờ" trong vùng lòng hồ sắp tích nước. (Ảnh : Nhân dân)

Lực lượng  quân đội đang cùng địa phương mở chiến dịch khẩn cấp giúp dân đến khu tái định cư, tuy nhiên do sự tắc trách của các đơn vị chức năng, khu tái định cư vẫn chưa đủ điều kiện tối thiểu để đón bà con. Ðây là bài học đắt giá về công tác quản lý của chính quyền các cấp ở Quảng Trị.

Ðến thời điểm này, các hạng mục đầu mối cơ bản hoàn tất, các đơn vị thi công đã sẵn sàng để ngày 31-7 đóng cống, tích nước hồ. Thế nhưng hiện hơn 250 hộ với hàng nghìn nhân khẩu, kể cả trụ sở UBND xã... vẫn chưa được di chuyển.

Ngày 10-7, UBND tỉnh Quảng Trị đã phải gửi công điện đề nghị Quân khu 4 điều động lực lượng vào khu vực lòng hồ để giúp nhân dân tháo dỡ nhà cửa di chuyển đến khu tái định cư. Chúng tôi đã chứng kiến cuộc di dân khẩn cấp chẳng khác gì chạy lũ với những nỗi cực  khổ của người dân.

Công trình thủy lợi- thủy điện Quảng Trị là dự án lớn nhất từ trước tới nay ở tỉnh này với số vốn hơn hai nghìn tỷ đồng, xây dựng nhà máy thủy điện công suất 68MW và bảo đảm nước tưới cho hàng nghìn ha đất canh tác.

Hạng mục chính là hồ Rào Quán có sức chứa 170 triệu m3 nước sẽ làm ngập bốn trong sáu bản của xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa. Công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư và di dân được Chính phủ giao cho UBND tỉnh Quảng Trị  thực hiện từ ngày 11-7-2002.

Ðây là vùng ảnh hưởng khí hậu tây Trường Sơn. Mấy hôm nay, mưa đầu mùa bắt đầu trút nước gây lũ trên những triền suối, xé toạc những con đường rừng vốn dốc cao và trơn trượt. Không ai muốn ra khỏi nhà trong mưa gió, huống chi là phải tháo dỡ nhà mang đi nơi khác (!).

Trên sạp nứa nhà sàn của già bản Pa Công - Ra Lăng Hồ Ðá có năm, sáu dân bản quây quần, vẻ mặt ai nấy buồn thiu. Ông Hồ Sên nói: "Miềng tháo nhà rồi, nhưng mưa to lắm.

Ði thì nước suối to ngang bụng, nguy hiểm. Ở lại thì không có chỗ nữa, đồ đạc ướt hết. Miềng phải đến ở tạm nhà già bản thôi". Ở bản Pa Công - Ra Lăng này chỉ mới có bốn hộ tháo nhà ra, nhưng gặp mưa vẫn chưa thể chuyển đến khu tái định cư được.

Từ bản cũ Pa Công - Ra Lăng đến khu tái định cư Hoong Cooc gần 20 km nhưng chúng tôi phải đánh vật cả tiếng đồng hồ bằng xe hai cầu qua những con dốc dựng đứng, trơn như đổ mỡ và lội mò qua những con ngầm nước xiết, ngầu đục.

Người tay không như chúng tôi đã thế, với người dân lỉnh kỉnh cùng trâu bò, gà lợn, ngô thóc, nhà cửa thì chắc chắn cuộc di cư trong mưa này gian khó phải gấp bội phần.

Nhưng gian nan trên quãng đường ra khỏi lòng hồ đâu thấm gì so với nơi mà họ sẽ đến!

Vào đến tận cùng nơi gọi là khu tái định cư cho dân bản Miệt và Pa Công - Ra Lăng,  đường chưa có,  người ta mới dùng  xe máy ủi một vệt ngoằn ngoèo qua dốc, qua suối để lấy lối đi. Rồi vội vã san mấy nhát "ben" vừa đủ chỗ để dựng nhà. Vì chưa có đường, nên nền nhà cái thì treo trên cao cả chục mét, cái thì thụt xuống sườn núi cheo leo trông thật nguy hiểm. 

Trên những nền nhà đó, ban quản lý dự án dựng lên những túp lều lợp tôn theo tiêu chuẩn: mỗi túp 30 tấm tôn, hai cân thép buộc và sườn bằng cây rừng khẳng khiu, trị giá về vật liệu... 1,5 triệu đồng. Nhưng những túp lều mới dựng lên chưa được mấy hôm thì gió đã giật tung. Hàng chục túp lều bị gió xé tốc cả mái. Tôn bị xé như giấy bay tả tơi thật nguy hiểm.

Chúng tôi rúc vội vào một túp lều, gặp vợ chồng Bí thư chi bộ thôn Pa Công - Ra Lăng Hồ Ngà đang ăn cơm. Anh lắc đầu: "Tui là Bí thư chi bộ phải làm gương vô ở trước, nhưng khu tái định cư mà như ri thì mần răng bà con vô ở được".

Anh nói thật đúng. Những túp lều như thế này liệu bà con có qua được mùa mưa này không? Nơi cư trú của dân là thế, nói gì đến trường học, trạm y tế, trụ sở chính quyền? Anh Tẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Linh chỉ một đám đất lởm chởm gốc cây: "Trụ sở xã sẽ đóng ở đây. Còn mấy ngày nữa là phải tháo dỡ trụ sở cũ, không biết làm việc thế nào đây."

Theo quy hoạch, ngoài hệ thống hạ tầng "điện, đường, trường, trạm, nước" mỗi hộ dân đến định cư ở Hoong Cooc được cấp một ngôi nhà kiên cố bằng bê-tông lợp tôn khá tốt, thiết kế kiểu nhà sàn hoặc nhà trệt tùy ý chủ hộ trên diện tích 400 m2.

Chung quanh khu đất ở sẽ có 500 m2 đất làm vườn đã được rà phá bom mìn. Ngoài ra, mỗi nhân khẩu sẽ được cấp thêm 2.000 m2 đất đã khai hoang để sản xuất, v.v. Có nghĩa, nơi tái định cư đủ điều kiện để bà con có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra tại khu tái định cư này thật khó thuyết phục bà con.

Không chỉ là cảnh chạy lũ của các thôn Xa Bai, Miệt và Pa Công - Ra Lăng với những cơ sở vật chất hết sức sơ sài và tạm bợ ở khu tái định cư, với số dân bản Mới đã định cư một năm trước đó cũng đang lâm cảnh khó khăn.

Khu tái định cư Hoong Cooc mặc dù đã được khởi công từ năm 2004 nhưng cho đến nay đường giao thông vẫn chưa hoàn thành. Hơn 50 ngôi nhà người dân bản Mới nằm phơi giữa nắng, bụi và gió. Quanh nhà không một ngọn cây.

Anh Tẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Linh giải thích, ở đây là cửa gió trên đỉnh Trưòng Sơn, cây trồng rất khó sống. Bởi vậy, từ hơn một năm nay người bản Mới sống chủ yếu là  nhờ số lương thực được Nhà nước cấp theo tiêu chuẩn 30 kg/người/tháng trong vòng một năm và số tiền được bồi thường từ nơi ở cũ.

Không ruộng, không vườn, không cây trồng vật nuôi, cái đói đang rình rập quanh họ. Và đây là "tấm gương" khiến những người đi sau không muốn rời bản cũ vào khu tái định cư.

Những gì đã và đang diễn ra tại khu tái định cư Hoong Cooc cho thấy sự tắc trách và yếu kém của những cơ quan trực tiếp thực hiện dự án, sự thiếu quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Riêng công tác di dời, tái định cư cho dân vùng lòng hồ đã được các cơ quan này thực hiện hết sức sơ sài, thiếu trách nhiệm và bất hợp lý.

Ðơn cử, công tác di dân, tái định cư là quan trọng và khó khăn nhất. Nhưng khởi động từ năm 2003,  mãi đến ngày 7-4-2006, (trước ngày tích nước có ba tháng) Ban quản lý dự án mới gửi tờ trình lên UBND tỉnh Quảng Trị "đề nghị phê duyệt phương án di dân, tái định cư phục vụ tích nước lòng hồ..." Trong đó nêu rõ quy mô di dời 260 hộ trong vòng... hai tháng! Ðúng là nước đến chân mới nhảy!

UBND tỉnh Quảng Trị một mặt cần tổ chức tốt hơn việc di dân, giảm bớt khó khăn cho những người phải di chuyển khỏi lòng hồ, bảo đảm tiến độ xây dựng công trình, mặt khác cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan và có hình thức xử lý thích đáng.

Theo Nhân Dân

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.