Sắc lệnh và Huân chương của Hồ Chủ tịch trao tặng Đội Du kích Bắc Sơn:

Sau 60 năm, châu về hợp phố

Sau 60 năm, châu về hợp phố
TP - Khởi nghĩa Bắc Sơn (ngày 27/9/1940) là chiến công chói lọi trong trang sử hào hùng của dân tộc, đặt nền móng cho sự ra đời của lực lượng vũ trang, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay.
Sau 60 năm, châu về hợp phố ảnh 1
Tượng đài du kích Bắc Sơn - Ảnh: Kiên Cường, Phan Cầu


Ngày 14/4/1948, Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh số 163/SL tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Đội Du kích Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn). 60 năm sau huyện Bắc Sơn mới chính thức được tiếp nhận niềm vinh dự này.

Tình cờ nhìn thấy Sắc lệnh

Năm 2003, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn có chuyến đi xuyên Việt, thăm quan, học hỏi kinh nghiệm công tác tại một số tỉnh, thành trong cả nước. Đến thăm Trung tâm Thông tin Tư liệu thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang, một số thành viên trong đoàn Lạng Sơn ngỡ ngàng khi thấy sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Quân công Hạng Nhất của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho ba đơn vị, “Đội quân Giải phóng”, “Đội quân Khởi nghĩa Nam bộ” và “Đội Du kích Bắc Sơn”.

Ông Hoàng Văn Toan, Trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn nhớ lại: “Chúng tôi thấy niềm vinh dự lớn lao này sao đến giờ mới gặp. Mà gặp gần mãi cuối trời Nam. Chúng tôi ngỏ ý xin một bản sao mang về quê hương. Bản thân tôi, có ông nội là Hoàng Văn Hán, nguyên là Chỉ huy trưởng Đội Du kích Bắc Sơn, nên lại càng quan tâm và tự hào”.

Sau 60 năm, châu về hợp phố ảnh 2

Nói rồi, ông Toan kể về những chiến công ngày ấy, chi tiết cụ thể, như nó là một phần máu thịt của đời ông.

Tối 27/9/1940, dưới sự chỉ huy của đồng chí Hoàng Văn Hán, đội du kích Bắc Sơn cùng hơn 600 quần chúng cách mạng với vũ khí thô sơ, chia làm ba mũi tấn công đồn Mỏ Nhài. Trước khí thế của ta, giặc Pháp chống cự yếu ớt rồi rút lui cổng sau về Vạn Linh (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn).

Ban Khởi nghĩa tổ chức mít tinh lớn. Đồng chí Hoàng Văn Hán tuyên bố trước nhân dân về cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi, chính quyền mới được thành lập ở xã Hưng Vũ (huyện Bắc Sơn).

Sau 60 năm, châu về hợp phố ảnh 3

Thanh niên dân tộc Dao Bắc Sơn ôn lại truyền thống - Ảnh: Kiên Cường, Phan Cầu

Sau thất bại, thực dân Pháp chiếm lại đồn Mỏ Nhài, một làn sóng khủng bố gắt gao đã xảy ra. Làng Minh Đán (xã Hưng Vũ) bị đốt sạch, nhân dân phải sơ tán vào rừng sâu. Chỉ huy trưởng đội Du kích Hoàng Văn Hán bị mật thám và tay sai giết hại. Chúng chặt đầu và hai tay đồng chí treo ở chợ Mỏ Nhài. Tuy thế, tinh thần và khí thế cách mạng không nao núng mà vẫn lan tỏa rộng khắp các vùng, miền.

Trong Sắc lệnh số 163/SL ngày 14/4/1948 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký phong tặng ghi rõ: “Đội Du kích Bắc Sơn đã nêu cờ vũ trang đấu tranh từ năm 1940, đã tích cực chiến đấu trong những hoàn cảnh gian khổ ở khắp các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, chống phát xít Nhật, Pháp”.

Đi tìm Huân chương

Sau 60 năm, châu về hợp phố ảnh 4
Sắc lệnh tặng Huân chương

Sau khi có được bản sao sắc lệnh mang về, Ban Tuyên giáo Lạng Sơn có ý kiến với huyện Bắc Sơn về việc cần thiết phải đưa Huân chương Quân công Hạng Nhất về quê hương.

Ông Dương Công Tuất, nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Sơn kể về hành trình đi tìm lại phần thưởng cao quý mà Bác trao tặng: “Nhận được tin vui nhưng tôi không khỏi băn khoăn, tự hỏi: “Như vậy, huân chương cao quý này là có thật. Nhưng nó được trao khi nào, ai nhận?

Sau 60 năm, châu về hợp phố ảnh 5

Tôi làm cán bộ ở địa phương lâu năm, dò hỏi các tiền bối cách mạng, song không ai hay biết về việc này. Có thể do hoàn cảnh lịch sử, nên huân chương cao quý này chưa đến nơi cần đến”.

Nhớ lại, năm 1995, nhân kỷ niệm 50 năm Khởi nghĩa Bắc Sơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về huyện dự lễ và có bài phát biểu cảm động, trong đó nhắc đến chuyện đội du kích Bắc Sơn được tặng thưởng Huân chương Quân công Hạng Nhất, do đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc đó là Tổng Chỉ huy Quân đội Quốc gia, và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu cùng ký vào sắc lệnh.

Thế là, cuối tháng 9/2003, huyện Bắc Sơn báo cáo lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và đi trung ương để xin lại Huân chương song vì nhiều lý do, niềm mong ước ấy vẫn chưa được đáp ứng.

Mãi về sau, khoảng cuối năm 2007,  một đại tá, cựu chiến binh điện thoại cho tôi thông báo, trên Đài Truyền hình Việt Nam vừa phát hình về buổi lễ trao tặng Huân chương Quân công Hạng Nhất (số 23, ngày 14/3/1948) được tổ chức tại thủ đô Hà Nội cho đại diện ba đơn vị nhận rồi đưa thẳng về Bảo tàng Quân đội.

Ông Tuất có hỏi lãnh đạo UBND huyện Bắc Sơn thì được biết không ai được mời về dự. Sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ý kiến với Bộ Quốc phòng nên chuyển huân chương cao quý này về cho huyện Bắc Sơn để cán bộ, chiến sĩ, đồng bào coi đó là niềm tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang.

Mãi đến năm 2008, đồng bào các dân tộc huyện Bắc Sơn mới chính thức được tiếp nhận Sắc lệnh 163/SL cùng Huân chương Quân công hạng Nhất do Hồ Chủ tịch ký tặng. Ròng rã 60 năm trời, một phần thưởng cao quý của Bác Hồ cho Đội Du kích Bắc Sơn mới về được nơi khởi phát cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn lịch sử.

Chúng tôi đến Bảo tàng Bắc Sơn khi chiều chạng vạng. Nơi đây đang nhộn nhịp các công tác chuẩn bị cho Lễ Kỷ niệm 69 năm Khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940- 27/9/2009).

Ông Lương Đình Chính, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bắc Sơn xúc động: “Đúng 60 năm, Sắc lệnh và Huân chương cao quý đã về với mảnh đất Bắc Sơn anh hùng. Kỷ vật thiêng liêng này được lưu giữ và bảo vệ ở vị trí trang trọng trong Bảo tàng Bắc Sơn.

Kỷ vật vô giá đó giúp chúng tôi rất nhiều trong việc giáo dục thế hệ trẻ tinh thần, lý tưởng cách mạng kiên cường của cha ông”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.