Hà Nội tuyên chiến với xả rác ra đường:

Sáu bộ 'hụt hơi' với rác

Sáu bộ 'hụt hơi' với rác
TP - Cuộc chạy đua với rác đến nay xem ra vẫn hụt hơi mặc dù có tới 6 bộ ngành cùng tham gia quản lý, xử lý rác.

Ba trong năm bãi chôn lấp rác của Hà Nội sắp đầy. Nam Sơn, bãi chôn lấp rác lớn nhất, đang báo động đỏ đầy ứ trước thời hạn. Được thiết kế với công suất 12.000 tấn/ngày đêm nhưng Nam Sơn luôn phải gồng 16.000 - 16.500 tấn/ngày đêm.

Lượng rác ngày càng gia tăng khiến Nam Sơn dự kiến phải đóng cửa sớm gần chục năm trước thời hạn (năm 2011 thay vì 2020). Để giải quyết, hiện nay thành phố đang xem xét mở dự án Nam Sơn II. Đây chỉ là một trong những ví dụ của việc thiếu những quy hoạch có tầm nhìn khiến vấn đề thu gom, xử lý rác vẫn là một hành trình rượt đuổi.

Trong khi các bãi chôn lấp sắp hết chỗ chứa thì rác vẫn gia tăng chóng mặt theo tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa. Thực tế có tới 6.200 tấn rác mỗi ngày được thải ra trên toàn thành phố, nhưng chỉ phân nửa số đó được thu gom xử lý. Năm 2008 mới có 2.800 tấn rác/ngày thì năm 2009 đã lên tới 3.500 tấn/ngày được thu gom xử lý, tức trên 100.000 tấn rác/năm.

Rác phát sinh nhiều khiến lượng thùng rác cũng phải tăng lên để đáp ứng nhu cầu. Mới đây, hơn 4.000 thùng rác đã được lắp đặt trên toàn thành phố, bổ sung cho lực lượng gần 2.900 thùng rác sẵn có.

Việc chạy theo số lượng mà ít chú trọng sự hợp lý của kích cỡ và thiết kế khiến nhiều nơi có thùng nhưng rác vẫn bị vứt ra ngoài. Chẳng hạn, có loại thùng nhỏ đến nỗi chỉ nhét hai, ba túi rác là đầy.

Chúng tôi từng chứng kiến hàng loạt thùng rác bị úp ngược còn rác chất xung quanh thùng tại khu tập thể Trung Tự (Hà Nội). Hỏi ra thì được biết rác nhiều, thùng bé nên thà úp xuống cho đỡ bẩn còn hơn! Có loại thùng to nhưng lại đóng chặt nắp, muốn vứt rác người ta phải dừng xe, cạy nắp thùng. Bất tiện nên nhiều người chọn cách để túi rác lên nắp thùng hoặc để ngay dưới chân thùng rác!

Trước gom rác ban đêm là xong, nay phải thêm gom rác ngày. Cty Môi trường Đô thị (Urenco) ngoài lực lượng thu gom chính vào 18 giờ 00 đã lập thêm đội thu gom rác cơ động từ 9 giờ 00 - 15 giờ 00, rồi lại thêm đội chị em nhặt rác thủ công tại mọi tuyến phố.

Mới đây, có thêm một số công ty, doanh nghiệp tư nhân nhập cuộc thu gom, xử lý rác tại các huyện của Hà Nội mới.

Thêm người, thêm xe, thêm thùng, v.v, cuộc rượt đuổi với rác đến nay chưa có hồi kết.

Sáu bộ 'hụt hơi' với rác ảnh 1
Thùng rác không dùng để chứa rác. Ảnh: M.H

Bộ dọn, bộ bày

Một trong những nguyên nhân chính, theo các nhà môi trường, do chức năng, nhiệm vụ trong quản lý vấn đề rác thải còn chồng chéo, không rõ ràng.

Có tới sáu bộ ngành cùng tham gia quản lý rác là Bộ NN&PTNT, Y tế, KHCN, Xây dựng (XD), TN&MT, Công Thương, nhưng có những lĩnh vực lại không biết của bộ nào là chính. Chẳng hạn, việc quản lý chất thải y tế do Bộ Y tế đảm trách nhưng Bộ TN&MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với chất thải nói chung nên dĩ nhiên, Bộ TN&MT cũng bao sân luôn rác thải y tế.

Chức năng quản lý nhà nước về phát triển làng nghề hiện nay được Chính phủ giao cho Bộ NN&PTNT nhưng việc quản lý, xử lý chất thải rắn làng nghề lại giao cho Bộ XD. Bên “bày”, bên “dọn” khiến việc xử lý chất thải rắn làng nghề đến nay vẫn vướng mắc. Quản lý chất thải công nghiệp thì chưa rõ trách nhiệm cụ thể của Bộ Xây dựng hay Bộ Công Thương.

Việc thẩm định công nghệ xử lý chất thải rắn mới được nghiên cứu và triển khai lần đầu ở Việt Nam cũng đang lâm vào thế rối như tơ vò.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 16 của Nghị định số 59/2007/NĐ-CP, Bộ KHCN chủ trì phối hợp với Bộ XD tổ chức thẩm định. Để cấp giấy chứng nhận công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp, Bộ XD thành lập Hội đồng khoa học để đánh giá.

Tuy nhiên, các đánh giá chưa dựa trên các tiêu chí về kinh tế, công nghệ và bảo vệ môi trường nên một số công nghệ xử lý chất thải rắn khi được triển khai trong thực tế còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, đến nay cũng chưa có quy định thẩm định công nghệ đối với các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt do nước ngoài đầu tư.  

Hà Nội hiện có rất nhiều đơn vị thu gom rác thải, trong đó Cty Môi trường Đô thị (Urenco) thu gom tại bốn quận chính là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Các quận nội thành khác do ba đơn vị xã hội hóa là Cty Dịch vụ Cổ phần Môi trường Thăng Long, Hợp tác xã Thành Công và Cty Môi trường Xanh cùng với UBND các quận thực hiện.

Trên địa bàn Hà Nội mở rộng còn có 4 đơn vị trực tiếp thu gom, vận chuyển gồm Cty Môi trường Đô thị Hà Đông, Cty Môi trường&Công trình Đô thị Sơn Tây và hai doanh nghiệp tư nhân ở huyện Chương Mỹ.

MỚI - NÓNG