Sau hình ảnh cứu trợ đẹp là nỗi niềm

Bà Trần Thị Rê bên mảng tường còn sót lại với những chân nhang còn nguyên lành ảnh: Tr.T
Bà Trần Thị Rê bên mảng tường còn sót lại với những chân nhang còn nguyên lành ảnh: Tr.T
TP - Hình ảnh những đoàn xe, đoàn người năm nào cũng lũ lượt chở hàng, mang gạo mang tiền chen nhau đi cứu trợ các nơi vừa trải qua thiên tai, đặc biệt là dải đất miền Trung, luôn “đến hẹn lại lên”. Đó có thể là hình ảnh đẹp của nghĩa đồng bào, nhưng lại gợi lên bao nỗi niềm nhức nhối.

Từ thực tiễn một chuyến cứu trợ

Trong hai ngày 1 và 2/11, báo Tin Phong cùng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020, Công ty Sen Vàng đã có chuyến cứu trợ tại Quảng Ngãi và Quảng Nam.

Tại Quảng Ngãi, địa chỉ cứu trợ là 45 hộ gia đình bị sập nhà hoàn toàn sau trận bão số 9 Molave mới đây. Con số và địa chỉ này khớp với con số 46 hộ dân bị sập nhà hoàn toàn mà tỉnh Quảng Ngãi công bố ngay sau bão (nhưng những ngày sau đó, con số nhà sập hoàn toàn trên địa bàn tỉnh này cứ tăng dần lên, đến trên 160 nhà, rồi trên 300 nhà…).

Mấy chục năm tác nghiệp và tham gia cứu trợ bão lũ tại các tỉnh miền Trung, hiếm có chuyến cứu trợ nào tôi thấy “vất vả” như lần này. Bởi chúng tôi quyết định không thể làm theo cách phổ biến trước nay là tập trung bà con tại trụ sở xã, thôn rồi xếp hàng trao một mạch. Mà đến tận từng nhà, để trao tiền hỗ trợ và động viên bà con sớm dựng lại nhà cửa, mỗi suất 20 triệu đồng.

Thực tế, có những nhà cùng xã, chỉ khác thôn, mà cách nhau vòng vèo tới dăm cây số. Đường làng, đường ruộng quanh co, thời gian đi từ nhà này đến nhà kia chỉ trong một xã đã mất tới 45 phút đồng hồ đi ô tô, rồi đi bộ.

Để kịp trao cho 45 nhà đúng lịch trình, đoàn phải tách làm 5 nhóm cùng lúc đi trao, mà kéo dài liên tục từ khoảng 9 giờ sáng đến gần 7 giờ tối vẫn chưa xong. Thời gian ăn trưa của cả đoàn chỉ trong vòng nửa tiếng. Nếu không có đội xe bán tải 9 chiếc của anh chị em Câu lạc bộ PSQ của Quảng Ngãi nhiệt tình hỗ trợ, chắc không thể làm nổi.

Có như vậy, mới tận mắt chứng kiến những ngôi nhà bị bão số 9 đập nát vụn, vặn xoắn, mọi thứ vẫn còn treo đung đưa, lơ lửng. Để thấy nhu cầu, khát khao được xây, sửa lại ngôi nhà cấp thiết đến đâu. Mới chứng kiến ở thôn Đồng Nhơn Nam, xã Tịnh Ấn Đông huyện Sơn Tịnh, hộ bà Võ Thị Sang có chiếc ấm bằng inox còn mới đặt trên bàn thờ. Bà Sang đã 90 tuổi, đau ốm. Con dâu là bà Nguyễn Thị Sen, cho biết cái ấm inox để trên bàn thờ để cho lụt khỏi trôi!

Còn nhà bà cụ Trần Thị Rê (xóm 6 thôn Phong Niên Hạ, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh) khung cảnh ngổn ngang như sau trận bom. Cái lối nhỏ dẫn vào nhà bà đã bị rẫy keo của ai đó gãy đổ chắn hết lối đi. Nhờ cán bộ địa phương dẫn lối, chúng tôi mới vào được nhà bà sau khi băng qua cái nghĩa trang nhỏ, rồi leo trèo qua đống cây cối đổ nát. Để ý thấy cái bàn thờ trong nhà nhưng hoàn toàn lộ thiên, chỉ có cây nến với mấy chân nhang là còn nguyên lành.

Nhà cuối cùng đoàn chúng tôi trao là hộ bà Phạm Thị Lài (thôn Hòa Thuận, xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi), trời đã tối mịt, trời bắt đầu đổ mưa. Xuống xe từ đầu xóm, trong bóng tối, mọi người xắn quần bì bõm lội qua đoạn đường giống như ruộng lầy. Mấy chiếc điện thoại bấm đèn soi đường, mấy cán bộ xã ý ới nhắc nhau coi chừng có rắn… Bà Lành ngồi thu lu tránh mưa dưới tấm vải nhựa che mưa, giữa tối mịt, chỉ khi bật đèn pin điện thoại lên mới nhìn thấy…

Mang tiếng là “thành phố”, nhưng mấy xã này đều vừa tách ra khỏi huyện Sơn Tịnh, hoàn toàn không có bất kỳ dấu vết, hình ảnh gì về cái gọi là “thành phố”!

Sau hình ảnh cứu trợ đẹp là nỗi niềm ảnh 1 Thăm hỏi, trao hỗ trợ dựng lại nhà cho bà Phạm Thị Lài. Ảnh: Trần Tuấn

Tự cứu mình hay ngồi đợi cứu trợ?

Với thiên tai ngày một bất thường, dữ dội và liên tiếp như hiện nay, những thiệt hại về người và tài sản là không thể tránh khỏi. Việc hỗ trợ, chia sẻ của Nhà nước lẫn doanh nghiệp, cá nhân là hoàn toàn chính đáng và cần thiết. Nhưng cứu trợ thế nào?

Những ngày qua, ngày một nhiều dư luận về việc cứu trợ của ca sĩ Thủy Tiên. Về nỗi ngậm ngùi của hầu hết cán bộ thôn, xã trước “mũi dùi” dư luận. Về sự lúng túng không biết đứng ở “vai” nào, ứng xử ra sao của lãnh đạo các tỉnh, huyện thiên tai vừa đi qua, trước các đoàn cứu trợ tự phát. Trong khi số đông dư luận thì bị cảm xúc, và cả những tin giả dắt dẫn. Còn đồng bào không ít nơi được cứu trợ mà như “bố thí”, bị mang điều tiếng thị phi để cả nước bàn tán. Bởi nhiều người đi cứu trợ mà không cần tìm hiểu tập quán, lệ tục, cá tính và cảm xúc của người dân những vùng miền nơi họ đến.

Nhưng cần nhận thức rằng, chủ thể trong câu chuyện này chính là người dân các vùng thiên tai. Đó là trước tiên phải tự cứu mình, trước khi đợi cứu trợ. Phải biết sống chung với thiên tai, chứ không phải cứ “sống chung với cứu trợ”.

Ông Hoàng Hà Việt Phương, Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi, vốn là một kỹ sư xây dựng. Theo ông, ngay tại Quảng Ngãi, vấn đề sinh tồn chung an toàn với bão, lũ thì từ lâu đã đặt ra. Thời nhà dân còn tranh tre, vách đất, họ lại càng đề phòng hơn bây giờ. Nhất là những vùng ven biển như Mộ Đức, Tư Nghĩa, Bình Sơn,…

“Thời tôi còn nhỏ, đã thấy bà con đào hầm tránh bão ngay trong nhà. Sau này có kỹ thuật bê tông, cốt thép, nhiều nhà dù nghèo, cũng vẫn cố xây cái nhà vệ sinh kiên cố bằng bê tông, đổ mái bằng, để làm nơi trú tránh khi bão đến. Tuy nhiên, cũng phải nói nhiều người còn rất chủ quan. Lực lượng chức năng nhiều lúc phải cưỡng chế di dời đến nơi an toàn. Nhưng nhiều khi đông quá, làm sao mà cưỡng chế hết được”, ông Phương cho biết.

Tại Quảng Nam, từ lâu người dân vùng biển quen với việc đào hầm chống bão. Và cũng là địa phương tiên phong trong việc “xây nhà lầu” cho trâu bò, gia súc tránh bão lũ. Nên thiệt hại về người và tài sản ngày càng được giảm thiểu tối đa qua các kỳ thiên tai.

Cũng như thành tựu với chương trình “xóa đói giảm nghèo”, đến lúc cần tính tới việc giảm và xóa cảnh “sống chung với cứu trợ” như hiện nay. Mà chỉ nên cứu giúp nhau trong lúc ngặt nghèo nhất. Và thay vì ban phát, cần chuyển đổi sang các hình thức hỗ trợ bền vững cho người dân, bằng những phương án sinh tồn bền vững.     

“Nếu anh cho tùy tiện thì người ta cũng chi tùy tiện. Nếu anh cho hợp lý thì tiền sẽ được chi hợp lý. Hợp lý là gì? Điều này đòi hỏi nỗ lực, đi lại, kiểm tra, quan tâm. Sự chú tâm đến nó… Chúng ta cho rằng bản thân việc cho tiền đã cao đẹp đến mức có thể miễn trừ mọi nỗ lực khác. Chỉ cần cho tiền và cả thế giới phải lấy làm hạnh phúc?”. Bà Janina Ochojska - nhà hoạt động từ thiện nổi tiếng người Ba Lan, trong bài trả lời phỏng vấn từ 6 năm trước (theo bản dịch của báo Tuổi trẻ)
MỚI - NÓNG