Sau lũ, sụt lở, hố tử thần sẽ xuất hiện

Căn nhà ông Đào Văn Thứ (tổ 1, khu 5, phường Hà Tu, thành phố Hạ Long) bị đất đá ụp xuống phá tan bức tường phía sau.
Căn nhà ông Đào Văn Thứ (tổ 1, khu 5, phường Hà Tu, thành phố Hạ Long) bị đất đá ụp xuống phá tan bức tường phía sau.
TP - Các chuyên gia địa chất khuyến cáo, sau lũ, nhiều nơi ở tỉnh Quảng Ninh như Cẩm Phả, Hòn Gai, Bãi Cháy (thành phố Hạ Long) sẽ phải đối mặt sụt lún, hố tử thần ở ngay các khu dân cư do nền đất rất yếu. Thực tế, nhiều nhà dân đã bị sụt lún, nứt vỡ.

Sống trong vùng nguy hiểm

Mấy ngày nay, nhiều căn nhà ở  tổ 1, khu 5 phường Hà Tu, thành phố Hạ Long bị nhấn chìm bởi đất đá. Ông Đào Văn Thứ (42 tuổi, ở tổ 1) cho biết, sáng sớm 27/7, nước xối xả từ trên núi mang theo đất đá ụp xuống, phá vỡ bờ kè đá phía sau, đổ ập vào phía sau nhà ông. Hơn tuần nay, nhà ông Thứ cùng mấy hộ xung quanh vùng nguy hiểm này phải sơ tán. Hôm qua (5/8), hết mưa, trời hửng nắng, ông mới thuê người đến dọn đất đá ra khỏi nhà. Theo quan sát của phóng viên, sáng qua, nhà ông Thứ vẫn  ngổn ngang đất đá, gạch vỡ, đồ đạc hư hỏng trước cửa nhà. Bên trong, bùn đất vương khắp nơi. Bức tường phía sau nhà giáp chân núi vỡ toang hoác.

Ông Đào Đức Thao (anh trai ông Thứ) có nhà nằm kế bên cũng bị đất đá vùi lấp tan hoang. Ông Thao kể: “Lúc đó mới tang tảng sáng, nước mưa to chảy vào nền nhà nhiều, vợ chồng tôi phải dậy hót nước ra. Rồi tôi thấy ùng một cái. Bức tường sau nhà đổ sập, một đống đất đá ùng ùng dồn xuống. Tôi chưa hiểu chuyện gì thì nhà tôi giật tay kéo chạy ra ngoài”.

Cách đó không xa, khu nhà ông Thảo trên triền đồi ở tổ 8, khu 5 tan hoang như vừa bị đánh bom. Cả một mảng bờ kè hình chữ U chắn bờ đất cao trên núi đã vỡ toang, đất đá, cây cối đổ ngổn ngang. Con ngõ dẫn lên nhà ông Thảo nền bê tông vỡ toác ra từng mảng, nền đất núi nứt sâu hoắm. Một nửa căn nhà bị tụt sâu xuống dưới, tường gạch vỡ toang chỉ chờ đổ ụp. Căn bếp, nhà vệ sinh ở đầu hồi đã đổ sập, tường gạch ngổn ngang. Nền sân nứt toác tạo thành các khe cỡ non gang tay, sâu hoắm.

Sau lũ, sụt lở, hố tử thần sẽ xuất hiện ảnh 1

Căn nhà ông Đào Đức Thao bị đá hộc và đất đổ ụp xuống phòng ngủ.

Trận mưa rạng sáng 28/7 đã làm cho khu vực đồi mé nhà ông Thảo sụp xuống. Cả một vệt đồi sạt tụt sâu xuống khiến cho căn nhà cùng công trình phụ mới xây tụt theo, nứt vỡ. Ngay trong đêm tối, cả nhà ông Thảo phải bỏ hết đồ đạc chạy ra khỏi nhà mới thoát. Toàn bộ tài sản gần như không còn gì.

Đến sáng, bờ kè chắn vạt đồi cũng vỡ toang, đất đá trên đồi tụt xuống như một bờ vực. Căn nhà kế bên nhà ông Thảo cũng bị đất tụt sát gần móng, nhìn chênh vênh, chực ụp xuống. Nhà ông Bùi Xuân Tạo (50 tuổi) ở phía dưới bị đất đá phía sau ụp xuống làm nứt hết tường phía sau. Sáng 28/7, cả nhà ông Tạo cũng phải bỏ lại đồ đạc đi sơ tán.

Ông Trịnh Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND phường Hà Tu, cho biết, toàn bộ phường có 3 căn nhà bị đổ hoàn toàn, 12 căn nhà bị nứt vỡ, hư hỏng nặng. Ngay khi sự việc xảy ra, phường đã có mặt yêu cầu người dân sơ tán. Phường đã thống kê những hộ bị thiệt hại báo cáo thành phố Hạ Long để có phương án hỗ trợ người dân.

Tình trạng sạt lở núi diễn ra ở hầu hết các phường ở Hạ Long. Ngày 28/7, tại phường Bãi Cháy, một mảng núi sạt xuống đường Hậu Cần, một căn nhà trọ bị sụp làm 2 người chết. Tại phường Cao Thắng, đất đá từ trên núi đổ xuống làm sập 3 căn nhà, vùi lấp 9 người trong một gia đình làm 8 người thiệt mạng…  Tại Hạ Long, khoảng 20 căn nhà bị đổ sập.

Ông Hồ Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long, cho biết chiều 5/8, UBND thành phố đã họp để triển khai việc hỗ trợ người dân theo chỉ đạo của tỉnh. Theo ông Huy, ngoài số nhà bị đổ hoàn toàn, Hạ Long có khoảng 330 căn nhà bị hư hỏng hoặc bị sạt lở đến gần móng, rất nguy hiểm, cần được hỗ trợ. Ông Huy cho biết, thành phố đã chỉ đạo các phường thống kê cụ thể mức độ thiệt hại để có phương án hỗ trợ cụ thể. Những nhà sập đổ hoàn toàn được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ, nhà bị hư hỏng ở mức nguy hiểm thì được hỗ trợ tiền thuê nhà.

Sau lũ, sụt lở, hố tử thần sẽ xuất hiện ảnh 2

Căn nhà ông Thảo (tổ 8, khu 5) bị tụt xuống, nền đất nứt toác, tường vỡ toang, có thể sụp bất cứ lúc nào.

Sụt lún, hố tử thần, sạt lở đồng thời xảy ra

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiều  khu vực của Quảng Ninh được xây dựng trên nền đất là đất đá thải ra từ quá trình khai thác than của Pháp trước đây, nên nền đất rất yếu. Khi khai thác than, người Pháp đem chất thải than đổ ra, làm thành mặt bằng để xây dựng Cẩm Phả, Hòn Gai bây giờ. Các vùng này nằm hoàn toàn trên bãi thải, lẫn nhiều than và đá phiến. Loại đá này bị ngâm lâu ngày trong nước có thể tan rữa làm cho nền móng không ổn định dẫn đến nứt vỡ nhà cửa. Theo PGS Hòe, sau đợt mưa lũ dài ngày vừa qua, Cẩm Phả và Hòn Gai sẽ có nhiều nhà cửa bị nứt và sụt lún. “ Tôi đã từng đi khảo sát ở phố Hàng Nồi, Hòn Gai. Nhiều nhà bị nứt lắm. Chuyện sụt lún có thể kéo dài suốt năm nay, thậm chí sang năm”, PGS Hòe nói.

TS Nguyễn Quốc Thành, Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), nhận định, sau lũ, tình trạng trượt lở đất đá ở các vùng dốc vẫn tiếp tục diễn ra. Người dân sống ở ven sườn đồi, sườn núi phải rất cảnh giác. TS Thành cho hay,  Quảng Ninh là vùng có nền đất rất yếu. Riêng Hạ Long là thành phố ven biển nhưng sát núi, đại bộ phận thành phố được xây dựng bên sườn dốc, cấu trúc địa chất gồm những trầm tích mùn đỏ rất dễ bị phá hủy, rất nhạy cảm với nước. Vừa rồi nắng nóng kéo dài khiến cho cấu trúc của đất bị phá hủy, yếu đi rất nhiều. Sau nắng nóng lại mưa lũ đột ngột, đất đá bị phá hủy cấu trúc gặp mưa nhanh chóng bị bão hòa khiến nguy cơ trượt lở đất, lũ quét rất lớn. Ngay cả khi mưa đã hết, nhưng những mái dốc vẫn có nguy cơ sạt lở. Ngoài ra, vấn đề sạt lở ở các bãi thải khai than thác cũng tiếp tục. Khu vực phường Bãi Cháy (Hạ Long), khu vực có mỏ than lộ thiên và các bãi thải cần hết sức chú ý.

Về nguy cơ sụt lún, hố tử thần, TS Thành cho biết, đất đá bị bão hòa sau thời gian ngâm nước dài. Nước rút đi sẽ cuốn đất đá đã bão hòa thành dòng trôi vào các hang động karst (hang động đá vôi) ở dưới lòng đất. Trên mặt đất sẽ xuất hiện các hố tử thần, ảnh hưởng nhiều đến đường giao thông, nhà cửa, công trình. “Cách đây khoảng hai năm, Cẩm Phả từng xảy ra hiện tượng hố tử thần. Dịp này sẽ lặp lại”, TS Thành dự báo.

Các hầm lò cũ từ thời Pháp thuộc cũng là điều đáng lo ngại. TS Thành cho biết, từ đầu thế kỷ 19, Pháp đã khai thác than hầm lò. Sau khi tiếp quản, chúng ta không nắm được hồ sơ của các hầm lò này. Về nguyên tắc, sau khi khai thác xong, phải cho nổ sập các hầm lò để không tạo khoảng trống dưới lòng đất. Các hầm lò không được phá hủy tạo ra những khiếm khuyết về mặt cấu trúc. Sau này, Quảng Ninh đổ đất đá lên các vùng như thế để làm mặt bằng. Mặt bằng ấy cần thời gian ổn định lại. Những dịp mưa lũ sẽ làm cho những vùng đất mới sắp xếp trở lại, việc lún sụt, hố tử thần sẽ thường xuyên xảy ra.

Nghiêm túc rút ra bài học ứng phó thiên tai

Chiều 5/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghe lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) báo cáo về các biện pháp ứng phó, tình hình thiệt hại và các nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ nghiêm trọng vừa qua tại Quảng Ninh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn TKV qua đợt thiên tai này cần nghiêm túc đánh giá, rút ra bài học ứng phó và chung sống với thiên tai trong điều kiện khí hậu biến đổi ngày càng cực đoan, với tần suất và cường độ ngày càng lớn. Đồng thời đề nghị các đơn vị có các giải pháp ứng phó căn cơ, cả trước mắt, lâu dài, bảo đảm tính mạng cũng như sản xuất và đời sống nhân dân. Thủ tướng ghi nhận các đề xuất bước đầu của tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn TKV về một số giải pháp chính sách và nguồn lực nhằm ứng phó hiệu quả với thiên tai, đặc biệt là các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và cơ sở vật chất kỹ thuật.

Văn Kiên

MỚI - NÓNG