Sau ngày 1-7: Ai giám sát các tập đoàn?

Tàu 56.200 tấn đóng tại Tổng Cty Công nghiệp Tàu thủy Nam Triệu (thuộc Tập đoàn Vinashin). Ảnh: CTV
Tàu 56.200 tấn đóng tại Tổng Cty Công nghiệp Tàu thủy Nam Triệu (thuộc Tập đoàn Vinashin). Ảnh: CTV
TP - Lâu nay, Nhà nước trực tiếp quản lý các tập đoàn, nhưng việc giám sát không hiệu quả. Từ 1-7, các tập đoàn kinh tế chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên. Như vậy cơ quan nào sẽ giám sát các tập đoàn?

Tiền Phong trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương.

Từ 1-7, các tập đoàn kinh tế nhà nước phải chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH một thành viên. Vậy mô hình quản trị của các đơn vị này sẽ thay đổi thế nào?

Khi đã chuyển đổi, phải tách biệt được chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước ra khỏi chức năng quản lý hành chính nhà nước và chức năng điều tiết thị trường. Việc thực hiện quyền sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp phải thực hiện một cách tập trung, chuyên trách và độc lập. Đến nay chúng ta chưa làm được.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung.

Với mỗi doanh nghiệp phải có một cơ quan thực hiện, tập trung đầy đủ các quyền chủ sở hữu của mình. Nếu theo phương án đó, giả sử các bộ vẫn thực hiện quyền chủ sở hữu thì trong từng bộ phải lập bộ phận chuyên trách và chỉ có bộ phận này mới được quyền và có thẩm quyền thực hiện đầy đủ quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp.

Các bộ phận khác chỉ thực hiện vai trò quản lý hành chính nhà nước, soạn thảo ra các chính sách điều tiết thị trường. Còn bộ phận thực hiện quyền chủ sở hữu hoạt động tách biệt theo tiêu chí đánh giá riêng như các cổ đông hay chủ sở hữu ở các thành phần kinh tế khác.

Theo ông có nên lập một cơ quan chuyên trách thay mặt chủ sở hữu quản lý, giám sát các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sau khi chuyển đổi, giống như Tổng Cty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý các công ty cổ phần?

SCIC là một cơ quan gần như đã tách biệt được chức năng thực hiện chủ sở hữu tài sản. Nhưng cách làm của SCIC hiện nay không đúng. Việc thực hiện vai trò của chủ sở hữu phải bằng thể chế chứ không phải bằng những con người cụ thể thông qua việc cử ông này, ông kia vào hội đồng quản trị (HĐQT), với tư cách người đại diện vốn nhà nước. Không phải như vậy. Nếu SCIC làm như vậy thì lấy đâu ra người mà làm.

Như mô hình Temasek của Singapore, họ không cử người vào HĐQT. Họ chỉ chọn những thành viên độc lập chứ không phải người của Bộ Tài chính như ta đang làm. Họ kiểm soát mọi việc rất chặt chẽ thông qua các thể chế, công cụ, hệ thống thông tin và luôn kiểm soát được tình hình.

Như ở Việt Nam, các DN trước khi chuyển đổi đều thuộc các bộ, ngành, chính quyền địa phương. Vậy sau 1-7, có cần một cơ quan nào đó đứng ra giám sát toàn bộ hệ thống DNNN?

“Các cụ ngày trước đã dạy tin thì tin nhưng phải kiểm tra. Luật của chúng ta quy định thẩm quyền của hội đồng quản trị quyết định những việc này việc kia, nhưng các bộ, các ngành không kiểm tra, không giám sát.

Có những việc các đồng chí đầu tư rồi, mua tàu rồi, về đến đây các cơ quan nhà nước mới biết, Bộ Giao thông Vận tải không biết, Thủ tướng không biết.

Tới đây, trao thẩm quyền, phân cấp phải đi liền với kiểm tra, giám sát”.  

Ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm VPCP, trả lời báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7-2010.

Có thể có những bộ phận độc lập phân tích, đánh giá, theo dõi tài sản mà Nhà nước đã bỏ vốn đầu tư kinh doanh.

Các nước cũng có doanh nghiệp thuộc bộ này, bộ kia nhưng cái họ có là tách biệt hẳn bộ phận thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước, chứ không nhập nhằng.

Ở Singapore, cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước không chỉ có Temasek, ở các bộ của họ cũng có. Họ hoàn toàn hoạt động theo cơ chế thị trường.

Trước đây Chính phủ trực tiếp quản lý tập đoàn, nhưng Vinashin mua tàu Hoa Sen hơn 1.000 tỷ đồng cũng không biết. Từ sau 1-7, cơ quan nhà nước không trực tiếp quản lý nữa, nếu không có cơ quan giám sát doanh nghiệp sẽ càng tự tung tự tác, thưa ông?

Khi Quốc hội chất vấn chuyện Vinashin mua tàu Hoa Sen, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng trả lời rằng việc đó doanh nghiệp tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Ông Dũng nói như vậy là với tư cách người đứng bên ngoài, với tư cách người quản lý hành chính nhà nước. Nếu đứng vai trò là chủ sở hữu thì ông phải biết, thậm chí phải cho phép thì Vinashin mới được mua.

Nói như thế có nghĩa ông bộ trưởng đang từ bỏ quyền chủ sở hữu. Mua một tài sản lớn như thế, trong nhiều trường hợp phải thông qua dự án và chủ sở hữu phải có tiếng nói về việc đó. Còn việc mua ở đâu, thế nào thì chủ tịch HĐQT phải quyết. Nhưng chủ trương thì chủ sở hữu phải quyết. Còn khi mua về kinh doanh không đạt yêu cầu đề ra thì chủ sở hữu cũng phải biết.

Quyết định kinh doanh là 50:50. Có thắng, có thua. Vấn đề ông phải lý giải được tôi quyết định trong trường hợp này là dựa trên cơ sở nào… Nếu lý giải không được xã hội chấp nhận thì Quốc hội phải có ý kiến. Không có một cơ quan giám sát độc lập làm việc này, nên mới để xảy ra tình trạng như vậy.

Theo ông, từ chuyện của Tập đoàn Vinashin, cho chúng ta bài học gì?

Theo tôi, mấu chốt phải tách bạch chức năng quản lý và chức năng chủ sở hữu. Với doanh nghiệp, dù đó là một tập đoàn hay một doanh nghiệp nhỏ thì mục tiêu lợi nhuận là trên hết. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hãy để cho nó theo đuổi mục tiêu lợi nhuận là hàng đầu, tạo ra giá trị gia tăng. Vì vậy, với vai trò chủ sở hữu, tốt nhất hãy để các doanh nghiệp phấn đấu tạo ra giá trị gia tăng và phấn đấu trở thành doanh nghiệp đứng hàng 5, hàng 10 của khu vực.

Họ phải hoạt động theo cơ chế thị trường, không phải cơ chế cạnh tranh khu vực, nội địa mà lấy thị trường toàn cầu để hoạt động. Như vậy phải lấy tiêu chí toàn cầu để đánh giá sức cạnh tranh cũng như hiệu quả hoạt động kinh doanh, chứ không phải vừa bắt họ kinh doanh, vừa thực hiện những nhiệm vụ chính trị này khác.

Theo tôi phải tách biệt hẳn như vậy, vai trò của doanh nghiệp mới rõ ràng. Bên cạnh đó, cơ chế kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn cũng cần xem xét lại.

Bá Kiên - Phạm Tuyên (thực hiện)

MỚI - NÓNG