Hà Nội:

Sau phạt tè bậy, sẽ xử phạt chửi bậy nơi công cộng

TPO - Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội thông tin, cơ quan này tiếp tục ghi hình để xử lý hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định tại 2 bến xe lớn trên địa bàn, đồng thời, có thể tiến hành xử phạt cả hành vi nói tục, chửi bậy nơi công cộng.

Ngày 13/2, Đội Cảnh sát môi trường Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính với mức phạt tiền 2 triệu đồng/người đối với 3 tài xế taxi có hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định. Mức phạt tiền này căn cứ vào quy định tại Nghị định 155 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 1/2/2017.

Đây có lẽ là lần đầu tiên sau Nghị định 155 có hiệu lực, lực lượng chức năng Hà Nội xử lý người có hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định.

Trao đổi với Tiền Phong, Trung tá Phạm Văn Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát Môi trường, Công an quận Hoàng Mai cho biết, Tổ công tác gồm 5 chiến sĩ, trong đó có 2 người mặc thường phục bí mật ghi hình cả buổi sáng. Do có hình ảnh cụ thể, nên 3 tài xế taxi đã nhận thấy cái sai và chấp nhận bị xử phạt.

Có nên xử phạt khi nhà vệ sinh công cộng (VSCC) trên địa bàn quận còn rất thiếu? Trả lời câu hỏi này, trung tá Minh khẳng định: "Chúng tôi chỉ xử lý tập trung khu vực công cộng như bến xe Nước Ngầm, bến xe Phía Nam - những nơi đã có nhà VSCC. Cán bộ chiến sĩ vẫn đang tiến hành kiểm tra, xử lý nhưng sau khi 3 tài xế bị xử phạt thì ngày hôm qua (13/2) và sáng nay đã không thấy hiện tượng tiểu tiện bừa bãi”, ông Minh cho hay.

Do đơn vị còn nhiều kế hoạch cần thực hiện, nên trước mắt Công an quận vẫn duy trì 1 tổ công tác gồm 5 đồng chí di chuyển giữa 2 bến xe.

Trung tá Minh cho biết thêm, do đã có quy định cụ thể nên thời gian tới cơ quan chức năng có thể xử phạt cả hành vi nói tục, chửi bậy.

Nói về những khó khăn khi xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đại tá Nguyễn Hồng Thái, Trưởng công an quận Hoàng Mai cho biết:  "Việc xử lý vi phạm còn gặp nhiều bất cập như đối với trẻ nhỏ phải yêu cầu bố mẹ nộp phạt thay hay những người nghèo không đủ khả năng nộp phạt, không có tài sản bảo lãnh,… làm kéo dài thời gian nộp phạt”.

Ngoài ra, theo đại tá Hồng Thái, lực lượng chức năng còn gặp một số khó khăn về mặt kỹ thuật như chưa được trang bị thiết bị chuyên dụng để ghi hình làm tài liệu, căn cứ xử phạt.

MỚI - NÓNG