Sau TP.HCM đến lượt Hà Nội tính lắp barie ngăn xe máy leo vỉa hè

Sau TP.HCM đến lượt Hà Nội tính lắp barie ngăn xe máy leo vỉa hè
TPO - Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hà Nội sáng 6/12, nhiều đại biểu cho rằng sau đợt ra quân rầm rộ, vỉa hè Hà Nội lại bị tái lấn chiếm. Các đại biểu cũng đồng thời đề nghị lắp barie để ngăn chặn tình trạng xe máy leo vỉa hè.

Chất vấn về vấn đề quản lý đô thị tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội, đại biểu Nguyễn Huy Được cho hay ông nhiều lần “giật mình” khi đi bộ trên vỉa hè, vì xe máy “tràn lên như nước vỡ bờ”. Ông Được ví von lòng đường như con sông, vỉa hè là bờ, vào giờ cao điểm, xe máy tràn lên bờ như "đợt vỡ đê vừa qua". Đại biểu này đề nghị thành phố xem xét việc lắp đặt barie trên vỉa hè để ngăn xe máy, tạo điều kiện cho người đi bộ.

Trước đó vào khoảng tháng 2 vừa qua, vỉa hè một số đường ở quận 1, TP.HCM cũng đã lắp tiến hành lắp barie để ngăn xe máy leo lề bảo vệ an toàn cho người đi bộ. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, cũng có những ý kiến cho rằng lắp barie, dựng chướng ngại vật trên vỉa hè là phản cảm, mất mỹ quan, không những không ngăn chặn được xe máy mà còn không đảm bảo an toàn, gây nguy hiểm cho người đi bộ, làm đường phố còn thân thiện, kém văn minh.

Sau TP.HCM đến lượt Hà Nội tính lắp barie ngăn xe máy leo vỉa hè ảnh 1 Đại biểu Nguyễn Huy Được chất vấn về vấn đề vỉa hè.

Cũng liên quan đến vấn đề quản lý đô thị, đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Thanh Xuân) đặt vấn đề trách nhiệm của các đơn vị liên quan khi để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, sau chiến dịch ra quân rầm rộ hồi đầu năm. Theo ông Đức, sau một thời gian thực hiện, tại địa bàn các quận và kể cả ngoại thành lại xảy ra tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, tiếp tục ảnh hưởng đến mỹ quan các tuyến phố, gây bức xúc dư luận.

“Ai chịu trách nhiệm chính cho việc này và giải pháp xử lý để trả lại vỉa hè cho người đi bộ một cách bền vững, lâu dài?”, đại biểu Đức nêu câu hỏi.

Giám đốc Công an TP Hà Nội, Thiếu Tướng Đoàn Duy Khương, đại diện Ban chỉ đạo 197 TP cho biết, trong gần 9 tháng triển khai Kế hoạch 01 về lập lại trật tự trên hè phố, công tác đảm bảo trật tự đô thị, ATGT đã có những chuyển biến rất tích cực, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của TP.

Ông Khương thông tin, trên địa bàn TP hiện có khoảng 1.200 điểm trông giữ phương tiện. Công an TP đã phối hợp với các lực lượng liên quan, kiểm tra, xử lý, xoá 211 điểm, tháo dỡ trên 16.000 lều lán, giải toả 195 chợ, sắp xếp lại 93 chợ, phối hợp kẻ vẽ lại vạch sơn trên hàng trăm tuyến phố.

Nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, mất trật tự văn minh đô thị còn tồn tại, tái diễn, ông Khương cho rằng, do hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng giao thông; hiện tượng người dân ngoại tỉnh về kinh doanh, bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè còn phổ biến.

Sau TP.HCM đến lượt Hà Nội tính lắp barie ngăn xe máy leo vỉa hè ảnh 2 Giám đốc Công an TP Hà Nội, Thiếu Tướng Đoàn Duy Khương, đại diện Ban chỉ đạo 197 TP.

Bên cạnh đó cũng có dấu hiệu trùng xuống trong công tác của các lực lượng chức năng. “Sau thời gian đầu triển khai tích cực, kết quả lập lại trật tự đô thị chưa duy trì được thường xuyên; vai trò của các ban ngành đoàn thể còn mờ nhạt, một số còn ỷ lại, khoán trắng cho lực lượng chức năng” - ông Khương trao đổi.

Về những giải pháp cho tình trạng tái diễn vi phạm lấn chiếm hè đường, gây mất trật tự, ATGT, văn minh đô thị, lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết, khi tổng kết 1 năm thực hiện Kế hoạch 01, Ban Chỉ đạo 197 sẽ làm rõ hơn, sâu sắc hơn vấn đề trách nhiệm và có thêm những giải pháp tích cực để chỉnh trang đô thị.

Chủ tịch UBND quận Quận Đống Đa Võ Nguyên Phong cho biết, năng lực của giao thông tĩnh trên địa bàn quận mới đáp ứng được 9% nhu cầu thực tế, do đó dẫn đến tình trạng trông giữ, dừng đỗ phương tiện trái phép. "Quận đã tích cực triển khai công tác duy trì, xử lý vi phạm trật tự đô thị. Cụ thể đã giải toả trên 40 điểm trông giữ xe không phép, tạm giữ 300 xe, phạt hành chính 1.254 phương tiện khác”.

Ông Phong cho rằng, vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn Đống Đa đã giảm, được Ban chỉ đạo 197 TP đánh giá tốt. Tuy nhiên còn một số vị trí vẫn phát sinh vi phạm.

Quận đã thành lập 10 Tổ Công tác nhằm kiểm tra, xử lý vi phạm cũng như xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, lãnh đạo các địa bàn còn tồn tại, tái diễn vi phạm. “Thời gian tới, quận Đống Đa sẽ tập trung vào 5 giải pháp: Phối hợp với Sở GTVT Hà Nội cấp phép cho dừng đỗ trên lòng đường (30 điểm); Tăng cường quản lý, kiểm tra việc niem yết giá trông giữ phương tiện, dừng đỗ e trái phép; Ứng dụng iParking; Lắp đặt camera theo dõi, phạt nguội các vi phạm” - ông Phong nói.

MỚI - NÓNG