TRUNG TƯỚNG NGUYỄN NGỌC BẰNG - TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC VIII:

Sẽ có nhiều hơn bữa cơm giữa phạm nhân với gia đình

Những phạm nhân có quá trình phấn đấu, chấp hành tốt các nội quy được đặc xá. Ảnh: Phương Thảo.
Những phạm nhân có quá trình phấn đấu, chấp hành tốt các nội quy được đặc xá. Ảnh: Phương Thảo.
TP - Ngay sau khi đi chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại một số đơn vị trại giam tại  Thanh Hoá trở về, Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng (Tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an) đã dành cho PV Tiền Phong cuộc trao đổi về những đổi mới trong công tác giáo dục phạm nhân.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng cho biết, giáo dục phạm nhân là quá trình hết sức công phu, đòi hỏi trí tuệ, nhiều sáng tạo và tình cảm của người quản giáo.

 Đảm bảo sức khoẻ cho phạm nhân khi mưa lũ

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và trên địa bàn các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế đã gây thiệt hại lớn về tài sản, cơ sở vật chất, hoa màu, gia xúc, gia cầm, vật nuôi… Nhiều đơn vị của chúng tôi bị ngập úng thiệt hại ước tính lên tới vài chục tỷ đồng. Nhiều phân trại, nơi tạm giữ phạm nhân bị ngập nước; để đảm bảo an ninh, an toàn chúng tôi phải di chuyển các phạm nhân ở những buồng giam bị ngập nước đến nơi an toàn; hằng ngày huy động tối đa các phương tiện như thuyền, ca nô để đưa cơm, nước sạch phục vụ sinh hoạt đến tận nơi cho phạm nhân và cán bộ, chiến sỹ. Trong những ngày mưa lũ xảy ra 100% cán bộ chiến sỹ tại các đơn vị này được huy động thường trực, tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối không để phạm nhân lợi dụng mưa lũ trốn khỏi nơi tạm giam giữ.

Hiện chúng tôi đang chỉ đạo các đơn vị bị thiệt hại do mưa lũ khẩn trương bắt tay vào khắc phục hậu quả, trước mắt cần tập trung làm tốt công tác vệ sinh môi trường, kiên quyết không để xảy ra dịch bệnh; đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước sạch sinh hoạt, lương thực, thực phẩm, rau xanh cho phạm nhân.

Bên cạnh yêu cầu về vật chất, đời sống văn hoá tinh thần trong trại giam với phạm nhân có vai trò hết sức quan trọng để giáo dục, cảm hoá con người. Ông có thể cho biết những nét mới trong hoạt động này?

Đúng vậy, công tác quản lý , giáo dục và cải tạo phạm nhân ở môi trường trại giam đã và đang có nhiều sự thay đổi đáng kể. Trong đó có sự thay đổi về môi trường giáo dục là rõ ràng nhất. Đây chính là kết quả sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của lãng đạo Bộ Công an, Tổng cục VIII, và sự chủ động sáng tạo của các đơn vị. Điều này thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của chế độ, chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với phạm nhân.

Mục đích của công tác thi hành án phạt tù là giáo dục phạm nhân thành công dân lương thiện, có ích cho xã hội. Để đạt được mục đích này trong thời gian qua, ngoài việc thực hiện tốt các quy định về giáo dục, cải tạo phạm nhân, Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (THAHS và HTTP) đã tích cực đổi mới về nội dung, hình thức giáo dục mang tính nhân văn, thu phục nhân tâm người phạm tội, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong phạm nhân, giúp họ nhẹ lòng, giải tỏa đi sự mặc cảm, tự ti, yên tâm phấn đấu lao động, học tập, cải tạo tiến bộ.

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức xã hội cùng chung tay góp sức vào hoạt động giáo dục phạm nhân như: Quy chế phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam về tư vấn, giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, hỗ trợ cho nạn nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng theo thỏa thuận hợp tác giữa hai bên.

Chúng tôi đã đổi mới biện pháp giáo dục, cải tạo phạm nhân bằng chính những phong trào và các hoạt động thiết thực cho phạm nhân như, thi “Kể truyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,”, Hội thi “ Tiếng hát tình đời”, cuộc thi vẽ tranh “Khát vọng hoàn lương”, thi viết “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”, phát động phong trào viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi”; thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, phòng chống ma túy, HIV/AIDS… các cuộc thi có sức lan tỏa và ý nghĩa giáo dục vô cùng lớn. Bên cạnh đó một số đơn vị đã phát động sâu rộng “Quỹ tấm lòng vàng” giúp đỡ những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn; phát động xây dựng nếp sống “trật tự, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”; quan tâm đầu tư xây dựng thư viện, phòng đọc sách, tủ sách trong các phân trại, buồng giam để phạm nhân học tập trong các ngày nghỉ, giờ nghỉ; duy trì thường xuyên các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tạo không khí thi đua sôi nổi, từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức  chấp hành nội quy, kỷ luật của phạm nhân.

Những đổi mới trong công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân đã mang lại hiệu quả thiết thực có ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh giúp cho phạm nhân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực thi đua cải tạo tiến bộ, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, và nội quy, quy định của trại giam để được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta trong việc đặc xá, giảm thời giạn chấp hành án phạt tù.

 Công khai chế độ chính sách của nhà nước dành cho phạm nhân

Hiện tại thì vẫn có một số bộ phận gia đình thân nhân những người phạm tội vẫn chưa thực sự yên tâm khi con em, người thân của họ vào vòng lao lý, đang tập trung cải tạo trong các trại giam. Thưa Trung tướng, vậy chúng ta phải làm thế nào để họ thấy thực sự yên tâm?

Chúng ta cần phải có giải pháp mang tính tổng thể: Một hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn, chế độ chính sách, kinh phí đầu tư của nhà nước cho cán bộ, chiến sỹ và phạm nhân được nâng cao hơn; đội ngũ cán bộ vững vàng hơn về chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ và thực sự tâm huyết với nghề. Song song với đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa trại giam và gia đình phạm nhân cũng như các lực lượng xã hội khác chung tay tham gia vào công tác giáo dục phạm nhân. Một điều không thể thiếu nữa đó là cần phải có sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cải tạo của chính các phạm nhân, để trở thành người có ích cho xã hội.

Năm 2017, Tổng cục đã chỉ đạo tất cả các trại giam tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân; đây là một hình thức tạo mối quan hệ giữa trại giam và thân nhân gia đình phạm nhân trong việc chung tay giúp đỡ, giáo dục phạm nhân. Chúng ta đều biết phạm nhân khi chấp hành án phạt tù phải cách ly với xã hội, việc các trại giam mời đại diện thân nhân gia đình phạm nhân dự hội nghị để nghe thông báo kết quả chấp hành án phạt tù của con em họ. Công khai chế độ chính sách của Nhà nước mà phạm nhân được hưởng, tổ chức cho thân nhân tham quan nơi ăn ở, lao động của phạm nhân, tổ chức bữa cơm miễn phí cho phạm nhân và nhân thân gia đình quây quần, sum họp tại bếp ăn của trại giam, việc làm này có ý nghĩa giáo dục rất lớn, tác động trực tiếp vào tình cảm, tâm lý của phạm nhân, tạo sự yên tâm cho thân nhân gia đình phạm nhân  nhằm phối hợp tích cực với cán bộ trại giam trong việc động viên con em họ cải tạo tốt hơn để sớm được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Đây là hoạt động chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hơn trong thời gian tới.

  Cảm ơn ông.

Sẽ có nhiều hơn bữa cơm giữa phạm nhân với gia đình ảnh 1

“Công khai chế độ chính sách của Nhà nước mà phạm nhân được hưởng, tổ chức cho thân nhân tham quan nơi ăn ở, lao động của phạm nhân, tổ chức bữa cơm miễn phí cho phạm nhân và thân nhân gia đình quây quần, sum họp tại bếp ăn của trại giam”.

                Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng

MỚI - NÓNG