Sẽ công khai, minh bạch vấn đề tài chính, tài sản công, đề bạt cán bộ…

Sẽ công khai, minh bạch vấn đề tài chính, tài sản công, đề bạt cán bộ…
TP - Bên lề phiên Quốc hội thảo luận về việc thực thi Luật Phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã trao đổi với giới báo chí về một số vấn đề “nóng” đang được đặt ra trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Sẽ công khai, minh bạch vấn đề tài chính, tài sản công, đề bạt cán bộ… ảnh 1

Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền

Tiền phong: Cá nhân ông thấy việc chống tham nhũng trong  thời gian tới việc gì là  khó khăn nhất?

Luật Phòng, chống tham nhũng mới có hiệu lực từ 1/6/2006 nhưng thực ra chúng ta đã chống tham nhũng từ hàng chục năm qua.

Tồn tại cơ bản nhất là trong nhận thức về trách nhiệm của mình trong phòng, chống tham nhũng ở một số ngành, một số địa phương còn chưa rõ ràng.

Ai cũng kêu ca rằng tham nhũng xảy ra ở tất cả các lĩnh vực nhưng đến  cơ quan, đơn vị và bản thân mình thì lại không thấy tham nhũng.

Thủ tướng yêu cầu báo cáo về chương trình hành động thì một số nơi chỉ nêu ra việc rà soát tham nhũng chứ không nói cụ thể là đã rà soát vụ việc gì. Khi xảy ra vụ việc tham nhũng cũng không quyết liệt xử lý. Thế nên cái yếu nhất là nhận thức về trách nhiệm của mình  ở mỗi ngành, mỗi cấp chưa đúng mức.

Tiền phong: Ông nghĩ gì trước việc  nhiều bộ, ngành không báo cáo về việc triển khai việc thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng theo yêu cầu của Thủ tướng nhưng chưa thấy xử lý trường hợp nào?

Hiện nay còn khoảng 20 bộ và 30 địa phương chưa có báo cáo hoặc báo cáo nói chưa rõ nên chưa thể đánh giá họ làm đến đâu chứ không phải nói họ không có tham nhũng  hoặc có mà không làm. Nhưng Thủ tướng đã yêu cầu mà chưa có báo cáo thì rõ ràng là nhận thức chưa nghiêm.

Việc này Thủ tướng đã phê bình nghiêm khắc nhưng cũng giao cho các thành viên Ban Chỉ đạo sau khi kiểm tra sẽ có chỉ đạo cụ thể như yêu cầu các địa phương, các bộ, ngành đó phải kiểm điểm trách nhiệm của mình.

Còn nếu trong một khoảng thời gian nhất định nữa  mà chưa làm tốt việc đó  thì Thủ tướng sẽ chỉ đạo xử lý trách nhiệm.

Pháp luật TPHCM: Nhiều ý kiến đề cập tới dấu hiệu tham nhũng trong lĩnh vực đề bạt cán bộ, “chạy” chức, “ chạy” quyền. Theo ông, tại sao ít có vụ tham nhũng trong lĩnh vực này bị phát hiện?

Tới đây, tất cả các vấn đề liên quan đến tài chính, tài sản công, chế độ chính sách, trong đó có cả vấn đề chính sách cán bộ, đề bạt cán bộ đều phải được công khai, minh bạch. Tức là công khai cả về tiêu chuẩn, quy trình và trách nhiệm của những cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết vấn đề này.

Từ sự công khai này mà nâng cao vai trò giám sát của tất cả các cơ quan chức năng, trong đó có cả thanh tra, kiểm tra, điều tra, và đặc biệt là có vai trò của nhân dân, báo chí trong việc giám sát.

Công tác cán bộ đều có nguyên tắc, quy trình. Ví như, muốn bổ nhiệm Thứ trưởng, trước hết phải lấy ý kiến từ chính cơ quan đó, lấy ý kiến từ một số ngành, sau đó tham khảo ở một số cơ quan chức năng...

Tiền phongQuy trình bổ nhiệm cán bộ của chúng ta là việc của tập thể, vậy sẽ xử lý ra sao nếu như việc bổ nhiệm đó không chính xác dẫn tới tham nhũng?

Như tôi đã nói, sắp tới, về quy định quản lý cán bộ, sẽ mạnh dạn phân cấp phân quyền để gắn liền với trách nhiệm. Làm rõ lại quy trình để đảm bảo tính chính xác và minh bạch. Nếu người chỉ đạo mà không chỉ đạo làm đầy đủ, xảy ra lỗi  thì người đó phải chịu trách nhiệm.

Thường thì khi vấn đề được đưa ra tập thể bàn sẽ ít xảy ra tiêu cực hoặc gian dối trong đó, nhưng sở dĩ có tiêu cực là do người trình, do động cơ cá nhân hoặc cái này, cái khác....

Hoặc do thẩm định không kỹ hoặc là có động cơ không trong sáng nên có nhiều điều không rõ ràng, không minh bạch. Nếu không làm đúng quy trình thì sai ở đâu sẽ bị xử lý ở đó.

 Hữu Khôi ghi

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.