Sẽ giảm phương tiện cá nhân bằng tăng thuế

Sẽ giảm phương tiện cá nhân bằng tăng thuế
Trao đổi với báo chí sáng 15/10, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết, không đồng tình với việc áp dụng biện pháp hành chính để giảm phương tiện cá nhân. Ông cũng bày tỏ, trong tương lai, nên tăng mức xử phạt, bỏ biện pháp tạm giữ xe vi phạm.
Sẽ giảm phương tiện cá nhân bằng tăng thuế ảnh 1
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng. Ảnh: VnExpress.

Thời gian qua, người dân phản ánh tình trạng các bãi giữ xe vi phạm đang quá tải, xe bị dồn đống, hư hỏng... Bộ trưởng nghĩ gì trước tâm tư của người dân?

Nghị định 146 sửa đổi, trong quy định việc tạm đình chỉ lưu hành phương tiện tham gia giao thông vi phạm, có 2 cách: tạm giữ xe hoặc tạm giữ giấy lưu hành như giấy phép lái xe, đăng ký. Công an sẽ chọn hướng xử lý phù hợp trong từng trường hợp cụ thể.

Theo tôi, nếu như đã quyết định bằng hình thức tạm giữ phương tiện, cũng phải xem xét để rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, thực hiện như thế nào. Trách nhiệm này thuộc bên Bộ Công an, chúng tôi sẽ phối hợp để theo dõi.

Hôm nay, tại phiên thảo luận, một số ý kiến ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nên bãi bỏ biện pháp tạm giữ xe vi phạm. Quan điểm của ông thế nào?

Trước mắt, theo tôi vẫn phải áp dụng biện pháp tạm giữ xe nhưng về lâu dài có thể nghiên cứu tăng mức xử phạt hơn nữa nhưng không giữ phương tiện.

Có những hành vi nếu không tiếp tục giữ phương tiện thì sẽ lại tiếp tục gây ra tai nạn. Những hành vi đua xe, uống rượu điều khiển xe bắt buộc phải giữ phương tiện.

Bộ trưởng nghĩ gì trước ý kiến cho rằng, việc thu tiền phạt vi phạm giao thông hiện nay còn phiền hà, thậm chí làm nảy sinh tình trạng "xin" cảnh sát?

Cũng có lúc chúng ta đã lập biên bản, người vi phạm qua Kho bạc Nhà nước để nộp phạt. Bây giờ có hình thức phạt trực tiếp, cảnh sát giao thông thu tiền. Hình thức nộp phạt nào cũng có mặt được và chưa được.

Ví dụ ra kho bạc, các thủ thục, giấy tờ, đi lại gây phiền hà. Nếu công an thu ngay thì có thể nhanh, nhưng có thể có những tiêu cực. Chúng tôi sẽ tiếp tục quan sát thực tế để nghiên cứu, xem xét.

Vừa qua, Chính phủ đã luật hóa việc xử phạt vi phạm giao thông qua camera. Tuy nhiên, người ta vẫn nghi ngờ về tính khả thi của biện pháp này, ông có ý kiến gì?

Trước đây, việc xử phạt qua camera chỉ là quyết định của địa phương nên tính pháp lý chưa cao. Khi đi vào tổ chức thực hiện, nhiều địa phương cũng còn nhiều lúng túng. Sau khi đã có quy định của Chính phủ, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn.

Theo tôi, có thể từng bước áp dụng, kiểm tra ôtô trước. Kinh nghiệm ở các nước, người ta cũng đều sử dụng biện pháp này. Tất nhiên ở các nước khác tổ chức khoa học, quản lý tốt nên thực hiện hiệu quả. Nếu mình thực hiện không tốt, không khoa học, luộm thuộm có thể sẽ hạn chế. Nhưng theo tôi, sử dụng những phương tiện kỹ thuật để kiểm soát, xử lý hành chính là cần thiết.

Trong báo cáo giám sát, Ủy ban An ninh Quốc phòng đã đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách có tính đột phá để hạn chế phương tiện cá nhân. Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Bộ GTVT có đề xuất gì?

Chúng tôi cũng đồng ý với hướng xem xét để tăng thuế với phương tiện cá nhân. Khi tham gia giao thông, các phương tiện cơ giới ở các nước đều có thuế, phí về giao thông, môi trường để hỗ trợ cho việc duy tu, bảo dưỡng đường, cải thiện môi trường giao thông.

Còn ở nước ta, giá phương tiện giao thông cao, nhưng tất cả những việc đảm bảo cho các phương tiện đó hoạt động lại rất thấp so với nhiều nước. Thuế, các loại phí, bảo hiểm chi phí cho giao thông tĩnh như bãi đỗ xe rất thấp nên không khuyến khích được các dịch vụ đó. Tôi nghĩ việc tăng chi phí thuế ở một số phương tiện giao thông là cần thiết.

Người dân Hà Nội vừa qua xôn xao khi có một số ý kiến cá nhân từ cơ quan công quyền đề xuất tạm dùng đăng ký xe máy. Quan điểm của Bộ trưởng thế nào?

Nếu áp dụng biện pháp hành chính để hạn chế đăng ký xe máy thì không nên. Chúng ta phải nghĩ ra biện pháp khác.

Theo Việt Anh
VnExpress

MỚI - NÓNG