Sẽ hạn chế cấp phép cho các mỏ vừa và nhỏ

Sẽ hạn chế cấp phép cho các mỏ vừa và nhỏ
TP - Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp trong bản dự thảo “Chỉ thị về việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động khai thác các mỏ đá” vừa hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Theo Bộ Xây dựng hiện nay các mỏ đá được tập trung nhiều tại các tỉnh như: Sơn La, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bịnh Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Kiên Giang...

Tuy nhiên, phần lớn các mỏ đá có quy mô khai thác vừa và nhỏ (công suất dưới 100.000 m3/năm và thời gian khai thác không quá 5 năm).

Chẳng hạn, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có số trên 116 điểm mỏ đang được khai thác thì chỉ có 5 điểm mỏ đá vôi được khai thác làm nguyên liệu sản xuất xi măng có công suất khai thác trên 100.000 m3/năm, còn lại là các mỏ có công suất khai thác dưới 100.000 m3/năm. Tại Hà Tĩnh, gần như toàn bộ 64 điểm mỏ đang được khai thác hiện nay có công suất khai thác dưới 30.000 m3/năm.

Điều đáng nói, tại các mỏ có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động khai thác đá bộc lộ nhiều vấn đề bất cập như : Không có thiết kế mỏ hoặc nếu có thì hồ sơ thiết kế còn sơ sài, chưa gắn với điều kiện thực tế của mỏ; Thiếu số liệu khảo sát địa chất để phục vụ việc thiết kế mỏ do không phải tiến hành thăm dò khoáng sản theo quy định;

 Tổ chức, cá nhân khai thác mỏ chưa đáp ứng được điều kiện năng lực theo quy định. Nhiều trường hợp giám đốc điều hành mỏ chỉ là công nhân khai thác lâu năm chứ không phải là trung cấp hay kỹ sư địa chất như yêu cầu...

Bên cạnh đó, việc khai thác không đúng quy phạm kỹ thuật an toàn trong khai thác đá lộ thiên rất phổ biến. Việc tuyển dụng công nhân khai thác đá không đúng theo quy định, nhiều công nhân khai thác là lao động nông nghiệp, hợp đồng theo thời vụ, thiếu hiểu biết về kỹ thuật an toàn trong khai thác đá, không được huấn luyện về an toàn lao động...;

Kiên quyết xử lý các mỏ không phép

Theo bản dự thảo này, một loạt giải pháp được đưa ra nhằm tăng cường quản lý đối với hoạt động khai thác đá và chấn chỉnh hoạt động này. Cụ thể về việc tăng cường quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đề nghị giao cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tổng kiểm tra các mỏ đá đang được khai thác tại địa phương mình.

Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện thấy hiện tượng mỏ đá bị mất an toàn, khai thác trái phép, không phép hoặc có dấu hiệu vi phạm các quy định đảm bảo an toàn trong thiết kế và thi công khai thác, phải có biện pháp chấn chỉnh.

Đợt tổng kiểm tra này dự kiến được thực hiện trong vòng 6 tháng. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có trách nhiệm báo cáo về Bộ Xây dựng trước ngày 30/9/2008 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.

Kiên quyết không cấp phép khai thác khi thiết kế cơ sở chưa được cơ quan quản lý có thẩm quyền thẩm định.

Hạn chế việc cấp phép khai thác cho các mỏ có công suất khai thác vừa và nhỏ (công suất khai thác dưới 100.000m3/năm, thời gian khai thác dưới 5 năm) vì với quy mô khai thác như vậy không khuyến khích việc áp dụng các công nghệ khai thác tiên tiến. Đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác đá phải thực hiện đầy đủ việc thăm dò khoáng sản và khảo sát địa chất;

Phải tuân thủ đầy đủ các quy định về lập, thẩm tra, thẩm định thiết kế mỏ theo pháp luật hiện hành; Không được tiến hành khai thác khi không có thiết kế mỏ được duyệt đồng thời phải nộp thiết kế mỏ cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền trước khi tiến hành khai thác...

Trong quá trình tổ chức khai thác yêu cầu phải chấp hành nghiêm các quy định về quản lý và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, quy định về an toàn vệ sinh lao động, quy định về tuyển dụng và hợp đồng lao động, chế độ bảo hiểm cho người lao động... 

MỚI - NÓNG