Phát triển “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt Nam-Trung Quốc:

Sẽ hình thành chuỗi đô thị - cửa khẩu?

Sẽ hình thành chuỗi đô thị - cửa khẩu?
TP - Tăng tốc xây dựng các tuyến đường cao tốc và hệ thống đường sắt tiêu chuẩn quốc tế, là nội dung được đề cập nhiều trong Hội thảo quốc tế “Các giải pháp phát triển hai hành lang một vành đai kinh tế Việt Nam-Trung Quốc trong bối cảnh mới”.

Hội thảo diễn ra hôm qua (2/12) tại huyện Sapa (Lào Cai).

Sẽ hình thành chuỗi đô thị - cửa khẩu? ảnh 1
Vị trí Lào Cai trong “hai hành lang một vành đai”

Hai hành lang một vành đai kinh tế Việt Nam-Trung Quốc được hình thành trên cơ sở lấy tuyến trục giao thông và các hoạt động kinh tế làm nòng cốt, phát huy tác động lôi kéo và lan tỏa ra bên ngoài trong quá trình phát triển.

Chủ trương này được xây dựng bởi lãnh đạo hai nước từ tháng 5/2005. Về không gian lãnh thổ, vành đai kinh tế Việt Nam-Trung Quốc bao gồm thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam và tỉnh Hải Nam, Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây) của Trung Quốc.

Hai hành lang kinh tế bao gồm: (I) hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội Hải Phòng - Quảng Ninh; (II) hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Về phía Việt Nam, thông tin tại Hội thảo cho biết, sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến cao tốc như Hà Nội - Lạng Sơn, Hạ Long - Móng Cái, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Nhiều đoạn trong các tuyến đường nêu trên, như Hà Nội - Hải Phòng và Hạ Long, sẽ được khởi công ngay trong năm 2008. Bên cạnh đó, ngành đường sắt hai nước cũng đã gặp gỡ để thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật chung về đường ray nhằm cải tạo toàn tuyến thành đường ray tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện tại tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội và Đồng Đăng - Yên Viên có công suất rất thấp, nhất là tuyến Lào Cai - Hà Nội do độ dốc và bán kính đường cong nhỏ.

Ông Hồ Càn Văn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam:

Bây giờ là lúc phải hành động

Sẽ hình thành chuỗi đô thị - cửa khẩu? ảnh 2

Trả lời phỏng vấn báo Tiền phong tại Hội thảo, về việc phát triển hai hành lang một vành đai kinh tế Việt Nam-Trung Quốc, ông Hồ Càn Văn nói:

“Hai bên hợp tác với nhau, thì tôi tin có thể làm được (phát triển hai hành lang một vành đai-PV), thậm chí làm rất nhanh.

Bây giờ là lúc phải hành động. Về phía Trung Quốc, theo sự thỏa thuận của Chính phủ hai nước, chúng tôi đã làm thực sự, ví dụ như Trung Quốc đã hoàn thành tuyến đường cao tốc Nam Ninh-Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn), còn từ Côn Minh đến Hà Khẩu (Lào Cai) sắp tới đây sẽ hoàn tất đường cao tốc.

Đường sắt hai bên đã thông nhau, phía Trung Quốc đã cải tạo, đường rộng, tốc độ cao. Bây giờ chỉ chờ Việt Nam, theo ý của tôi, là làm hơi chậm...”.

Đáng chú ý, các chuyên gia tham dự Hội thảo đã đề cập đến định hướng phát triển chuỗi đô thị dọc hành lang phát triển, nhất là tại các điểm cửa khẩu đầu nối với Trung Quốc.

“Các tỉnh vùng biên, với các điểm cửa khẩu kinh tế nối với Trung Quốc trên hành lang, có điều kiện và cần đi đầu trong việc thực hiện cách tiếp cận phát triển mới này.

Cần phải hình thành các đô thị - cửa khẩu đối đẳng với Trung Quốc, tạo thành các điểm kết nối mạnh, làm khởi điểm lan tỏa phát triển cho toàn bộ tuyến hành lang và vùng kinh tế phía sau” - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện phó Viện Kinh tế Việt Nam nói.

Phó Giáo sư Nông Lập Phụ (Viện Khoa học xã hội Quảng Tây, Trung Quốc) cho rằng:

“Hai nước nên thực hiện miễn visa qua lại cho cư dân, hoặc quản lý giấy thông hành xuất nhập cảnh. Nghĩa là cư dân hai bên sử dụng hộ chiếu hoặc giấy thông hành có thể tự do đi lại trong khu vực “hành lang kinh tế”.

Hiện tại, hai nước Việt - Trung đã thực hiện miễn thị thực đối với hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông đi việc công, nhưng hộ chiếu phổ thông thông thường vẫn phải có visa.

Điều này bất lợi cho việc hợp tác phát triển kinh tế, thương mại, du lịch song phương. Ông Nông Lập Phụ cũng đề nghị thuận lợi hóa quản lý thông quan 24/24 giờ đối với người và hàng hóa.

Trong việc tìm kiếm các hình thức hợp tác mới để phát triển “hai hành lang một vành đai”, Tiến sĩ Bùi Tất Thắng (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) đã đề cập đến vấn đề “cơ chế chung”.

Ông Thắng nói: “Sự phát triển của tuyến hành lang kinh tế phụ thuộc trước hết vào cơ chế vận hành của nó. Đây là điều không đơn giản, nhất là tuyến hành lang này lại xuyên quốc gia. Trong trường hợp tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, một cơ chế chung giữa hai nước Việt - Trung chắc chắc là vấn đề phải được đặt ra, với mức độ, quy mô và lộ trình thích hợp”.

MỚI - NÓNG