Sẽ lập đội đặc nhiệm quản lý thị trường

Sẽ lập đội đặc nhiệm quản lý thị trường
TP - “Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra mọi nơi mọi lúc. Sự nguy hại về lâu dài cho nền kinh tế, đời sống xã hội là thực sự khôn lường”.

> Tổng cục Cảnh sát nói về việc độc quyền của SJC
> Truy tìm nguồn gốc vàng nhái SJC?

Ông Trương Quang Hoài Nam, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương cho biết như vậy tại cuộc họp triển khai phương hướng nhiệm vụ của đơn vị năm 2013, tổ chức chiều 30/3 tại Hà Nội.

Ông Nam cho rằng, trong năm nay, với vai trò đặc biệt là “bộ lọc” của nội địa, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phải chủ động tập trung kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng (chất lượng xăng dầu, an toàn vệ sinh thực phẩm) đảm bảo đến cuối năm 2013 có chuyển biến rõ nét theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII.

 Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra mọi nơi mọi lúc. Sự nguy hại về lâu dài cho nền kinh tế, đời sống xã hội là thực sự khôn lường. 

Ông Trương Quang Hoài Nam, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường

Cục QLTT sẽ hoàn tất các thủ tục liên quan để thành lập đội đặc nhiệm trực thuộc. Đây sẽ là một trong những lực lượng xung kích trên mặt trận chống buôn lậu trong thời gian tới.

Theo báo cáo của các Chi cục QLTT địa phương, ở các tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia, đã và đang nổi cộm, nhức nhối nạn nhập lậu pháo, hàng hóa kinh doanh tạm nhập-tái xuất, hải sản đông lạnh, gia cầm, rượu, bia, mỹ phẩm, dầu DO, phế thải các loại…
Các mặt hàng xuất lậu cũng không ngừng nghỉ, khi khoáng sản, nông sản, động vật hoang dã, kim loại quý hiếm, lần lượt “chạy” sang nước thứ hai, thứ ba cũng “nhờ” cửa khẩu biên giới.

Tuyến biên giới biển cũng được đối tượng buôn lậu tận dụng triệt để, đặc biệt là các vùng biển Đông Bắc, Bắc miền Trung và biên giới Tây Nam. Hàng xuất lậu chủ yếu gồm than, quặng các loại, xăng dầu, thuốc lá, mỹ phẩm.

Hàng nhập lậu là pháo các loại, gia cầm, thực phẩm đông lạnh, động vật hoang dã, quặng titan, quặng sắt. Phương thức và thủ đoạn hoạt động mỗi ngày một tinh vi, với sự thay đổi liên tục địa điểm nhập, xuất hàng. Nguy hại hơn, tình trạng quay vòng hồ sơ xuất khẩu, nhập khẩu, tạo hồ sơ mua bán nội địa, thay đổi hải trình đã trở thành “lập trình”.

Tại tuyến hàng không, các sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, những mặt hàng hóa gọn như mỹ phẩm, đồng hồ, tân dược, ma túy, ngoại tệ, hàng “nóng,” văn hóa phẩm… là chủ yếu.

Tổng cục Cảnh sát lên tiếng về vàng SJC

Việc quy định SJC là thương hiệu vàng quốc gia đã làm phương hại lợi ích của các thương hiệu vàng miếng khác. Đó là phát biểu của Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an.

Sẽ lập đội đặc nhiệm quản lý thị trường ảnh 1
Công an Hà Nội bắt giữ hàng lậu. Ảnh: ANTĐ.

Phát biểu tham luận tại cuộc họp giao ban Công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của Ban chỉ đạo 127/TW diễn ra sáng 30/3, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực đánh giá, thời gian vừa rồi, nhờ có các quy định chặt chẽ hơn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên tình trạng đầu cơ, buôn bán trái phép đô la, vàng miếng cơ bản đã được kiểm soát.

Tuy nhiên, Thiếu tướng Lực cũng cho biết, do cơ chế Nhà nước giao Cty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được dập và kinh doanh vàng miếng là thương hiệu vàng quốc gia nên từ năm 2012 đến nay xuất hiện độ chênh lệch giá lớn giữa giá vàng trong nước và nước ngoài, đã xuất hiện vàng giả SJC, vàng kém chất lượng đưa vào các doanh nghiệp kinh doanh bán cho dân.

Từ tháng 7/2012 đến nay, Cty SJC phát hiện 300 lượng vàng nhái SJC. Tổng cục Cảnh sát cho rằng, việc quy định SJC là thương hiệu vàng quốc gia đã đem lại lợi ích cho Cty SJC, làm phương hại đến lợi ích của các thương hiệu vàng miếng khác.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG