Hợp nhất sổ đỏ, sổ hồng:

Sẽ lấy mẫu sổ "đỏ” cũ làm chuẩn

Sẽ lấy mẫu sổ "đỏ” cũ làm chuẩn
TP - Trong cuộc họp giữa các bộ, ngành diễn ra hôm qua (18/2), theo đề xuất của Bộ Tài nguyên & Môi trường, việc thống nhất gộp sổ “hồng” và sổ “đỏ” thành một hệ thống đăng ký thống nhất sẽ tiếp tục dùng mẫu sổ “đỏ” cũ, đồng thời bổ sung các chi tiết còn thiếu.

Bộ trưởng TN&MT, Phạm Khôi Nguyên cho rằng, việc sớm hợp nhất đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất ở hiện nay thành một hệ thống đăng ký thống nhất là cần thiết.

Vì vậy, dự kiến Bộ TN&MT thực hiện 2 phương án: Phương án 1, sử dụng nguyên mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Bộ TNMT đã ban hành theo Quyết định số 08/2006. Phương án 2 là ban hành một mẫu giấy mới có tên gọi “GCNQSDĐ và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, việc ban hành mẫu giấy mới phải đạt tiêu chí như: giản tiện, hiệu quả và không gây phiền hà cũng như tâm lý lạ lẫm đối với người dân.

Tuy nhiên, qua phân tích 2 phương án trên thì phương án 1 nhận được nhiều sự đồng tình nhất. Theo phương án này, thông tin về tài sản sẽ được thể hiện tại mục III - tài sản gắn liền với đất (trên trang 2 của GCNQSDĐ); các phôi GCNQSDĐ in mới sẽ in tăng số dòng cho mục “III - Tài sản gắn liền với đất” và in giảm số dòng ở mục “IV - ghi chú” để sử dụng cho trường hợp thửa đất có nhiều tài sản.

Trường hợp đặc biệt thửa đất có quá nhiều tài sản không thể hiện được hết trên trang 2 (ví dụ một khu chung cư) thì lập trang bổ sung cho GCN và đống dấu giáp lai với GCN như đối với trường hợp thửa đất có quá nhiều người sử dụng.

Bộ TN&MT cũng cho rằng, cả 2 phương án trên đều có ưu điểm và hạn chế. Đối với phương án 1 có ưu điểm là triển khai thực hiện nhanh (có thể bắt đầu cấp từ 1/05) do rút ngắn được thời gian xây dựng văn bản hướng dẫn và không phải chuẩn bị phôi.

Hơn nữa việc không ban hành lại mẫu sổ mới sẽ bảo đảm sự ổn định, không gây sự xáo trộn trong hệ thống quản lý đất đai (hệ thống mẫu đơn từ, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai đang thực hiện. Tạo tâm lý cho người sử dụng đất yên tâm, tin tưởng đồng thời sẽ tự giác, chủ động hơn trong việc làm thủ tục cấp giấy.

Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là tên của giấy chứng nhận trên trang 1 của sổ đỏ chưa thật phù hợp với nội dung của giấy (chứng nhận cả quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).

Về phương án 2, ưu điểm là tên của giấy (trên trang 1) phù hợp với nội dung của giấy (chứng nhận cả quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất), hình thức của giấy sẽ thiết kế lại hợp lý hơn.

Tuy nhiên, hạn chế của giấy này là khả năng triển khai sẽ chậm do phải nghiên cứu lấy ý kiến ban hành, in mẫu giấy mới, phải sửa đổi lại hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính mới.

Mặt khác sẽ gây tâm lý thiếu yên tâm tin tưởng vào sự ổn định của hệ thống quản lý đất đai, ảnh hưởng đến tiến độ và khả năng hoàn thành cấp sổ đỏ theo Nghị quyết 07.

Ngoài ra, theo kế hoạch đến năm 2010 sẽ hoàn thành soạn thảo và trình Quốc hội Luật đăng ký bất động sản. Nếu Luật này đặt ra những yêu cầu mới của quản lý nhà nước đối với bất động sản thì sẽ không tránh khỏi việc bổ sung, thậm chí phải sửa đổi mẫu giấy đã ban hành...

Liên quan đến việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính, ông Phùng Văn Nghệ, Vụ trưởng Thống kê đất đai (Bộ TN&MT) cho rằng, mức đóng quá cao và đề nghị giảm mức thu lệ phí trước bạ từ 1% xuống 0,1% đối với các trường hợp cấp GCN lần đầu đang sở hữu nhà, sử dụng đất.

Ngoài ra giảm mức thu tiền sử dụng đất khi cấp GCN lần đầu đối với các hộ ở vùng sâu, vùng xa, các hộ thuộc diện hộ nghèo và các trường hợp sử dụng đất không có giấy tờ nhưng không vi phạm pháp luật đất đai.

Đồng thời đề xuất sửa đổi Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất theo hướng giảm mức thu thuế chuyển quyền sử dụng đất khi cấp sổ “đỏ” lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân từ 4% giá trị đất xuống 1%. 

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.