Sẽ nâng mức ưu đãi cho người có công

Sẽ có nhiều thay đổi trong chính sách chăm lo người có công với Cách mạng​. Ảnh: Phạm Thanh.
Sẽ có nhiều thay đổi trong chính sách chăm lo người có công với Cách mạng​. Ảnh: Phạm Thanh.
TP - Sau 70 năm, người có công với Cách mạng đã được chăm lo chu đáo, đầy đủ, nhưng vẫn còn nhiều người chưa được thụ hưởng. Tới đây các chính sách người có công sẽ thay đổi căn bản, như: Mở rộng đối tượng, nâng cao mức ưu đãi…

Vẫn còn “trống” chính sách

Ngày 17/7, Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH cùng báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức Hội thảo Hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công.

Các đại biểu cho rằng, những năm qua chính sách ưu đãi, chăm lo cho người có công đã cơ bản hoàn thiện: 95% người có công với Cách mạng đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân cùng địa phương; ngoài trợ cấp, người có công và thân nhân được hưởng các ưu đãi về y tế, giáo dục, hỗ trợ nhà ở…

Đại tá Ngô Quang Phúc, Phó Cục trưởng Chính sách (Bộ Quốc phòng) cho rằng, còn không ít người có công chưa được hưởng chính sách. Theo thống kê của Bộ Quốc phòng, còn hơn 600 người làm nhiệm vụ quốc tế bị đối phương bắt giam, chưa có chính sách ưu đãi gì. Vẫn còn “trống” chính sách với nhóm đối tượng đã được công nhận có công, nhưng định cư ở nước ngoài. Ngoài ra, những người có công đang hưởng chính sách trong nước, giờ có ý định đi nước ngoài định cư sẽ giải quyết chế độ thế nào cũng chưa có hướng dẫn. “Với người hưởng lương hưu của bảo hiểm xã hội, nếu đi nước ngoài định cư sẽ được giải quyết nhận bảo hiểm một lần. Chúng ta có thể nghiên cứu chính sách này cho nhóm đối tượng người có công đã hoặc sắp định cư ở nước ngoài”, Đại tá Phúc đề xuất.

Đại tá Phúc cũng dẫn thêm những “khoảng trống” chính sách khác, như chế độ trợ cấp một lần với người có công vẫn áp dụng mức 120.000 đồng/năm công tác. Mức này được áp dụng từ năm 1995 tới nay, trong khi lương liên tục tăng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, có ý kiến cho rằng nên mở rộng đối tượng người có công, cả trong kháng chiến, và xây dựng đất nước, như: Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ thời kỳ kháng chiến bị ốm đau, bệnh tật; người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày trước ngày 30/4/1975…

Còn ông Hoàng Văn Chương, Phó ban Phong trào (Ủy ban MTTQ Việt Nam) trăn trở với người có công chưa được công nhận. Theo ông, hiện còn hơn 30.000 hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng ở các địa phương. Nhiều trường hợp tuổi cao, sức yếu nếu không giải quyết nhanh họ sẽ không có cơ hội được nhận đền ơn, đáp nghĩa. Trong khi đó, tình trạng hưởng sai chính sách vẫn còn, thực tế này không chỉ gây thất thoát ngân sách nhà nước, còn làm giảm niềm tin của nhân dân vào luật pháp.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất bổ sung các chính sách như: Chế độ bảo hiểm y tế cho thân nhân cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống; hỗ trợ nhà ở với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác; quy tập hài cốt liệt sĩ; chế độ cho thanh niên xung phong, người nhiễm chất độc hóa học…

Nâng trợ cấp và thu hồi chế độ người hưởng sai

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, vẫn còn hơn 4% người có công cả nước chưa hưởng đầy đủ chính sách và gần 0,1% đối tượng hưởng sai chính sách…

Theo ông Diệp, ngày 11/7 vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Ban Bí thư về Dự thảo Đề án Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công. Theo đó, sẽ sửa toàn diện Pháp lệnh Người có công theo hướng hoàn thiện chính sách để người có công được tôn vinh, thụ hưởng chính sách đầy đủ. Sắp tới sẽ khắc phục bất hợp lý của chính sách, như thân nhân Lão thành Cách mạng tiền khởi nghĩa (trước tháng 8/1945), có đóng góp lớn lao cho giải phóng dân tộc nhưng chưa được hưởng bảo hiểm y tế…

Với hồ sơ đề nghị công nhận người có công với Cách mạng còn tồn đọng, ông Diệp cho rằng, không phải trường hợp nào cũng là người có công thật sự. Bộ LĐ-TB&XH đã và sẽ có giải pháp để người có công thật sự được công nhận. Năm 2017 tập trung giải quyết nhóm hồ sơ công nhận liệt sĩ, thương binh, và người hưởng chính sách như thương binh. Năm 2018-2019, sẽ giải quyết với các trường hợp còn lại.

Với hơn 1.800 đối tượng đang hưởng sai chế độ người có công, ông Diệp cho biết, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có giải pháp trình Thủ tướng thu hồi các khoản trợ cấp, ưu đãi mà những người này đã hưởng sai. Đại tá Ngô Quang Phúc cho biết thêm, đầu tháng 6 vừa qua, Bộ Quốc phòng đã trình Ban Bí thư Đề án về chính sách với người có công định cư ở nước ngoài. Hiện cả nước có khoảng 40.000 người có công định cư ở ngoài nước. Dự kiến, ngân sách cho nhóm người có công này khoảng 500 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.