Sẽ sớm giải mã bệnh lạ ở người đào vàng

Sẽ sớm giải mã bệnh lạ ở người đào vàng
TP - Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết năm bệnh nhân mắc bệnh lạ có thể mắc bệnh bụi phổi cấp tính, song kết luận cuối cùng sẽ được đưa ra sau khi làm các xét nghiệm cần thiết khác cũng như tham khảo ý kiến đồng nghiệp.
Sẽ sớm giải mã bệnh lạ ở người đào vàng ảnh 1

Bệnh nhân Hà Văn Tiến đang được thăm khám sau khi chuyển từ Quảng Nam vào bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM điều trị - Ảnh: Lê Nguyễn

Ngày 2/3, năm trong số 50 bệnh nhân mắc bệnh lạ được đưa vào Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM điều trị, làm các xét nghiệm sau khi bệnh viện  Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam và bệnh viện Huế bó tay.

Sáng qua (4/3), thông tin với PV Tiền Phong, PGS - TS Lê Thị Tuyết Lan- Trưởng Khoa Thăm dò Chức năng Hô hấp, BV ĐH Y Dược TPHCM cho biết bước đầu đã giải mã được bệnh lạ này.

Khiếp hãi từ bãi vàng động giá

Thân hình tiều tụy, đôi mắt vàng sâu, vừa nói chuyện vừa chịu những trận ho kéo dài, bệnh nhân Hà Văn Tiến, 38 tuổi ở đội 21, thôn Châu Lâm, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) - một trong năm người mắc bệnh lạ đang điều trị tại bệnh viện ĐH Y dược TPHCM kể với Tiền Phong.

Sáng 4/3, anh vào làm thuê tại bãi vàng Động Giá thôn Đông Tiễn, xã Bình Trị cách đây một năm. Công việc của Tiến là mỗi ngày phải khoan 16 lỗ từ các bãi đá để đặt mìn nổ đá, với tiền công 50 nghìn/ngày. “Mỗi lần khoan là bụi đá bay mù mịt, hai người ngồi sát nhau cũng không thấy mặt nhau”- Tiến kể.

Ở bãi vàng này có khoảng 250 người từ hai xã Bình Định và Bình Trị  đi làm thuê cho một ông chủ ở thôn Châu Lâm, xã Bình Trị. Hầm vàng có chiều sâu 20m, rộng 200m, bên dưới thông nhau bởi có nhiều đường hầm khác.

Hàng ngày, sau khi nổ đá số người này xuống hầm để đào, đãi vàng trong bụi đá mù mịt và thường xuyên tiếp xúc chất cyanua- một hóa chất độc hại thường dùng trong khai thác vàng cùng bụi dầu nhớt máy khoan thải ra. Sau một năm sống chung với bụi đá và chui lủi trong lòng đất, Tiến và gần 60 người khác cảm thấy sức lực yếu đi, mệt mỏi.

Bệnh nhân Nguyễn Hoàng, người đào vàng thuê ở cùng thôn với anh Tiến - kể: “Ai cũng khó thở, tức ngực, ho kéo dài, ra máu nhiều và không ăn được. Tám người chết và gần 40 người đang nằm chờ chết ở nhà”.

Bụi phổi cấp tính?

“Khoan đá, nổ mìn, đào và vận chuyển đất đá trong các đường hầm, các công trình ngầm như công trình xây dựng thủy điện, giao thông, công trình công nghiệp mà không bảo hộ lao động cẩn thận,  người lao động có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi silic rất cao”- TS Lê Thị Tuyết Lan.

Trao đổi với PV Tiền Phong vào sáng 4/3, PGS - TS Lê Thị Tuyết Lan cho biết: “Ngay khi năm bệnh nhân này nhập viện, chúng tôi đã tiến hành chụp X-quang phổi, làm chức năng hô hấp toàn diện.

Bước đầu cho thấy các bệnh nhân có hội chứng phổi hạn chế, tức phổi không nở ra được do bụi phổi”. Theo bác sĩ Lan, phổi dùng để trao đổi khí nhưng phế nang phổi của các bệnh nhân này bị viêm nên trao đổi khí giảm. Vì vậy, bước đầu chúng tôi ghi nhận họ bị bụi phổi cấp tính chứ không phải là bệnh lạ.

Trong số năm bệnh nhân, một người bị suy hô hấp nhẹ, chụp CT nghi ngờ bụi phổi; một bệnh nhân khác tràn khí màng phổi và hai bệnh nhân giãn phế quản, ho ra máu.

“Chẩn đoán ban đầu cho thấy do bụi silic làm yếu hệ thống bảo vệ phổi nên khả năng mắc lao của họ rất lớn”- TS Lan cảnh báo. Theo TS Lan, sáng 4/3, năm bệnh nhân được nội soi phổi, thử máu và làm test trên da để xem họ bị lao hay do bụi silic để có hướng điều trị.

Tuy nhiên, TS Lan cho rằng, sau khi làm hết các xét nghiệm, kể cả chụp X-quang 30x40cm, bệnh viện mới tổ chức mời các bác sĩ bệnh viện lao phổi Phạm Ngọc Thạch TPHCM, bệnh viện Chợ Rẫy, ĐH Y Dược, Trung tâm Sức khỏe Lao động & Môi trường TPHCM cùng Viện Vệ sinh Y tế Công cộng hội chẩn, đưa ra quyết định cuối cùng.

MỚI - NÓNG