Sẽ sửa đổi chính sách viện phí

Sẽ sửa đổi chính sách viện phí
Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết: Sẽ sửa đổi chính sách viện phí, đảm bảo mọi người dân được khám chữa bệnh.

Sáng 19/11, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ hai, QH khoá XII, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã trả lời chất vấn của các đại biểu QH, trong đó tập trung vào các vấn đề:

Giá viện phí và giá các dịch vụ y tế; giải pháp, cơ chế nâng cấp cơ sở y tế tuyến cơ sở; vệ sinh, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh.

Đặc biệt là việc sửa đổi, bãi bỏ một số quy định chưa phù hợp của Thông tư liên tịch số 06 liên quan đến bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện.

Trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã thông báo với các đại biểu QH và cử tri cả nước về kết quả đợt chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, có một số trường hợp do phẩy khuẩn tả. 93% người bệnh dương tính với phẩy khuẩn tả có liên quan đến sử dụng mắm tôm sống.

Bộ trưởng cho biết đợt dập dịch đạt được 2 kết quả lớn là không có người tử vong và thời gian dập dịch sớm nhất, chỉ trên 3 tuần.

Bộ trưởng khẳng định: Dịch đã được khống chế và thành công bước đầu. Theo quy định, 15 ngày sau nếu xét nghiệm ở những ổ dịch có lây nhiễm mà 3 lần âm tính thì có thể công bố hết dịch.

Bộ trưởng cho biết tới đây sẽ sửa đổi chính sách viện phí theo hướng thực hiện Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị về công tác y tế và Chương trình 243 của Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng X là xây dựng và thực hiện chính sách viện phí khoa học, trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp phục vụ bệnh nhân.

Nhà nước có chính sách trợ giúp đối với những người thuộc diện chính sách xã hội như người nghèo, hưu trí, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng có hoàn cảnh thực sự khó khăn.

Nhà nước không bao cấp tràn lan mà hỗ trợ tốt và đầy đủ hơn các đối tượng chính sách; đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế.

Sẽ không cổ phần hoá các bệnh viện công

Trả lời chất vấn của đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) đề nghị giải thích về hiện tượng nhiều bác sỹ giỏi bỏ bệnh viện công sang bệnh viện tư và giải pháp khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng cho rằng, việc bác sĩ ra làm ở các bệnh viện tư không mâu thuẫn với chủ trương xã hội hoá y tế, phát triển các dịch vụ y tế tư.

Nếu ngăn cản thì cũng không hợp lý. Các bệnh viện công cũng phải có chính sách để giữ được các bác sĩ giỏi, có năng lực; đồng thời tăng cường đào tạo bác sỹ cho cả khu vực nhà nước và cả mục đích xã hội hoá.

Bộ trưởng trả lời thêm khi đại biểu Võ Thị Hồng Thoại đặt câu hỏi lần 2: Các bác sỹ bỏ viện công ra viện tư chủ yếu do vấn đề tài chính. Nhà nước ta hiện đang đi sau tư nhân về các phương tiện kỹ thuật tiên tiến hiện đại.

Do đó, nếu các bệnh viện công nâng cấp được cơ sở vật chất kỹ thuật và có chính sách phù hợp sẽ thu hút và giữ chân được bác sĩ giỏi. Bộ trưởng cũng khẳng định với các đại biểu: Sẽ không cổ phần hoá các bệnh viện công.

Sẽ sửa đổi Thông tư 06 về BHYT tự nguyện

Trả lời chất vấn của các đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long), Phan Thị Thu Hà (Đồng Tháp), Đặng Văn Xướng (Long An) về những bất cập, không hợp lý trong Thông tư 06 về BHYT tự nguyện, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khẳng định: Sẽ thảo luận với Bộ Tài chính để sửa đổi.

Đại biểu Trần Văn Kiệt cho rằng với những quy định bất cập như trong Thông tư 06, "hộ gia đình có điều kiện kinh tế cao cũng không thể mua được vì không đảm bảo quy định 10% số hộ trong gia đình mua thẻ bảo hiểm thì phải chờ, hộ gia đình kinh tế có hạn thì không đủ tiền để mua, các thành viên khác muốn mua thì cũng phải chờ cho đủ điều kiện.

Đề nghị Bộ trưởng xem xét nội dung Thông tư đã hợp lý chưa, có giải pháp nào cụ thể hơn không để tiến tới BHYT toàn dân ? Đến 2005 BHYT thừa trên 2000 tỷ đồng nhưng đến nay quỹ BHYT bội chi trên 1000 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là cơ chế quản lý còn nhiều kẽ hở, dẫn tới một bộ phận chức năng tuỳ tiện lạm dụng, dẫn tới góp phần nâng bội chi".

Theo Bộ trưởng: Nguyên nhân là do những người tham gia mua BHYT tự nguyện đa số đang trong tình trạng ốm đau, bệnh tật, mang bệnh mãn tính…do vậy dẫn đến việc đóng vào thì ít nhưng chi ra cần nhiều.

Điều lệ của Quỹ BHYT tự nguyện là số đông bù số ít, nhưng chúng tôi thấy rằng, về mặt y tế học, xã hội học và xét về số đông người mua BHYT tự nguyện đều là người nghèo và cận nghèo, thì giải pháp này không nên dùng. Muốn chống bội chi phải dùng phương pháp khác".

Bộ trưởng tin chắc qui định này sẽ được sửa trong dịp sửa Nghị định 63 về quản lý kinh tế tới đây. Quyết định cuối cùng phải có sự đồng thuận giữa Bộ Y tế và Bộ Tài Chính, riêng quan điểm của Bộ Y tế là không nên tiếp tục giữ 2 điều kiện này bởi đã là BHYT tự nguyện thì cứ có người mua là phải bán.

Phải dùng biện pháp khác để bảo toàn vốn, kể cả việc dùng ngân sách chi thêm cho đối tượng cận nghèo để giảm khó khăn cho bà con.

Bộ trưởng đồng tình với kiến nghị của đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An) cho rằng có thể bỏ ngay quy định trong Thông tư 06 để áp dụng các biện pháp khả thi hơn. Đại biểu cho rằng hiện nay, tình trạng lạm dụng quỹ BHYT từ một phía làm thâm hụt quỹ; tình trạng lạm dụng xét nghiệm ở các bệnh viện còn phổ biến; các cơ sở khám chữa bệnh không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau; chi phí xét nghiệm chiếm tới 40-50% kinh phí mà Quỹ phải chi trả; một số nơi cán bộ y tế khám chữa bệnh nhiều hơn người dân...

Theo Bộ trưởng, đối tượng tham gia BHYT tự nguyện chủ yếu là những người lao động, nông dân, người nghèo, Nhà nước phải bảo đảm bằng các nguồn khác nhau.

Trả lời đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) về miễn viện phí cho người dân, Bộ trưởng cho rằng việc miễn viện phí toàn dân cần phải có lộ trình, tiến tới BHYT toàn dân, hỗ trợ cho người thụ hưởng dịch vụ chứ không đưa tiền trực tiếp cho người làm dịch vụ; đảm bảo mọi người dân được khám chữa bệnh.

Đại biểu Dao Nhiễu Linh (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: "Căn cứ vào đâu để Bộ trưởng đưa ra nhận định về đối tượng tham gia BHYT tự nguyện ? Thời gian nào Bộ trưởng sẽ hoàn thành lời hứa thảo luận với Bộ Tài chính giải quyết những bất cập trong Thông tư 06 ?"

Bộ trưởng khẳng định chỉ trong "1 vài tuần" sẽ triển khai việc này, còn căn cứ vào đâu sẽ cung cấp số liệu cho đại biểu sau. Quan điểm sửa Thông tư 06 của Bộ Y tế là đảm bảo thuận lợi cho người dân.

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG