Sẽ sửa Luật Tổ chức Chính phủ

Sẽ sửa Luật Tổ chức Chính phủ
TP - Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội (QH) khóa XI, trong phần giải pháp lớn phát triển KT-XH  năm 2007, ghi rõ: “Thực hiện Bộ quản lý đa ngành, giảm đầu mối, giảm cấp phó, bỏ cấp trung gian”. 
Sẽ sửa Luật Tổ chức Chính phủ ảnh 1
Ông Trần Quốc Thuận

Tiền phong đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Quốc Thuận về những vấn đề nêu trên.

Ông Thuận nói:

Hiện Chính phủ đang nghiên cứu trình Quốc hội đề án về đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của bộ máy hành chính từ Trung ương tới địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng.

Tôi được biết, tới đây, Hội nghị lần thứ 4 của BCH T.Ư Đảng cũng sẽ tập trung bàn về  đề án đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, và sẽ có những quyết sách cho vấn đề này.

Về cải cách hành chính, chúng ta đã nói nhiều, đã làm nhiều nhưng chuyển biến chưa được bao nhiêu, vậy việc “thực hiện Bộ quản lý đa ngành, giảm đầu mối, giảm cấp phó, bỏ cấp trung gian” hẳn là không dễ?

Đúng vậy. Vấn đề này đã nhiều lần được đề cập, gần đây được ghi vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X. Vấn đề này cũng phù hợp với xu thế tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới.

Tuy nhiên, ở nước mình khi chưa tách bạch được quản lý Nhà nước ra khỏi những hoạt động sản xuất kinh doanh, và nhất là các quyết định áp dụng pháp luật thường ngày mang tính sự vụ, thì vai trò của Chính phủ và các bộ, ngành còn phải vất vả, nặng nề.

Điều kiện để thực thi vấn đề đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ, theo ông là gì?

Tôi nhớ trong phát biểu từ nhiệm của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có đoạn: “Tổng kết năm 2005, tính bình quân mỗi tuần làm việc, Thủ tướng và 3 Phó Thủ tướng đã xem xét việc ký trình và ký ban hành 12 văn bản quy phạm pháp luật, ban hành 76 quyết định xử lý công việc và điều hành, chủ trì 8 cuộc họp, không kể việc đi họp ở Quốc hội, họp ở các cơ quan Đảng, không kể đi trong nước, ngoài nước, tiếp khách…, vụ việc cụ thể nó tràn ngập”.

Rõ ràng, phải làm cho bộ máy Chính phủ vận hành được thông suốt, phân cấp, phân quyền cụ thể hơn, thì mới nghĩ đến chuyện cấp phó nhiều hay ít, bộ quản lý đa ngành ra sao... Tiến tới bộ quản lý đa ngành trong bối cảnh “dưới” mỗi bộ có hàng nghìn doanh nghiệp, riêng chuyện các DN “ôm” hồ sơ lên bộ mà không có các thứ trưởng giải quyết thì sẽ như thế nào?

Nếu với cách làm việc của bộ máy hành chính như hiện nay, mà giảm cấp phó rồi tập trung nhiều lĩnh vực vào một bộ không khéo sẽ không có người giải quyết công việc, có bao nhiêu việc lại “trút” hết cho người đứng đầu. Trong khi lẽ ra người đứng đầu chỉ phải tập trung trí tuệ ở tầm vĩ mô, tầm chiến lược, đề ra và quyết định những vấn đề quan trọng tầm quốc gia.

Như vậy, cần sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ (TCCP), để tạo ra hành lang pháp lý mới cho Chính phủ nhiệm kỳ này hoạt động hiệu quả hơn?

Chủ trương thì đã có và được công bố rộng rãi. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, việc sửa đổi Luật TCCP đang bàn ở phạm vi rất hẹp, chưa được trình tại kỳ họp QH lần này, chắc là phải chờ sau khi có những quyết sách tại Hội nghị T.Ư 4 của Đảng vào khoảng tháng 12 tới mới triển khai cụ thể...

Qua những lần được tham dự các cuộc họp bàn có liên quan, tôi được biết tinh thần ban đầu là sẽ sửa đổi một cách toàn diện Luật TCCP, sao cho bộ máy hành chính được thông suốt, quyền hạn và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức được quy định rạch ròi... theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng X.

“Sửa đổi một cách toàn diện” nghĩa là sao, thưa ông?

Theo như dự thảo Luật TCCP mà tôi có trong tay, nguyên tắc của nó là sửa đổi toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực, điều chỉnh từ Thủ tướng tới các thành viên Chính phủ... Kể cả những quy định cụ thể như trong Chính phủ sẽ có bao nhiêu bộ.

Hiện nay, đọc Luật Tổ chức QH thấy ngay QH có 8 cơ quan (gồm Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban), còn đọc sang Luật TCCP thì không rõ có bao nhiêu bộ... Chúng ta biết rằng lớn như nước Mỹ cũng quy định chỉ có 7-8 bộ, hay Thụy Điển chỉ có 14-15 bộ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi mới nhậm chức, đã đặt vấn đề “tính toán bộ máy Chính phủ sắp tới”, rằng “về mặt tổ chức có phải tiếp tục duy trì 26 bộ và cơ quan ngang bộ như hiện nay hay không? Có 3 Phó Thủ tướng như hiện nay hay bao nhiêu Phó Thủ tướng là phù hợp?”.

Muốn giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, thì phải tiến tới việc hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, ví như phải có những quy định phân cấp giữa địa phương và T.Ư thật cụ thể, không thể chung chung theo kiểu “cái gì địa phương làm tốt thì để địa phương làm”.

MỚI - NÓNG