Sẽ tăng tuổi nghỉ hưu

Việt Nam đang đối mặt với tình trạng dân số già. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Việt Nam đang đối mặt với tình trạng dân số già. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Để đảm bảo an toàn Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), sự phát triển ổn định của nền kinh tế trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, phải tính tới chuyện tăng tuổi nghỉ hưu từ hôm nay.

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị về mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho Việt Nam” do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 29/3.

Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH là bắt buộc, để đảm bảo an sinh xã hội cho tất cả mọi người. Đặc biệt với Việt Nam, khi đang phải chịu thách thức về sự già hóa dân số dù chưa thành nước phát triển, độ tuổi trung bình đã tăng lên 76 tuổi, bằng mức trung bình của các nước phát triển. “Trong bối cảnh đó, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là bình thường trong bất kể hệ thống an sinh xã hội nào”, ông Chang-Hee Lee nói.

Trả lời Tiền Phong, Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ đảm bảo ổn định Quỹ BHXH, còn đảm bảo phát triển kinh tế đất nước. Nếu không bắt đầu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ rất khó cho tương lai.

Theo ông Diệp, với mức đóng hiện nay, số tiền đóng và lợi nhuận thu được từ đầu tư sinh lời chỉ đủ chi trả trong khoảng 10 năm tính từ lúc nghỉ hưu, trong khi đa phần người nghỉ hưu sống tới 81 tuổi (21 năm trả lương hưu). Như vậy, 11 năm còn lại ngân sách nhà nước sẽ phải gánh, nếu ngân sách không gánh được sẽ phải lấy từ Quỹ BHXH để chi trả, nên ảnh hưởng tới độ an toàn của Quỹ BHXH.

Ngoài ra, theo ông Diệp, Việt Nam đang thuộc diện có tỷ lệ dân số già hóa nhanh nhất thế giới. Những năm 80 tỷ lệ sinh hàng năm của Việt Nam là 1,7 triệu trẻ em. Nhưng những năm gần đây Việt Nam chỉ còn khoảng 1 triệu trẻ em được sinh ra. “Nếu không tính trước, không bắt đầu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ rất khó cho tương lai”, ông Diệp nói.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, các tổ chức quốc tế tính toán, nếu theo mức đóng và hưởng hiện nay, Quỹ BHXH (của Việt Nam) sẽ mất cân đối vào năm 2034 (tỷ lệ hưởng cao hơn tỷ lệ đóng). Vì vậy, trong Dự thảo Sửa đổi Bộ luật Lao động đã tính tới phương án tăng tuổi nghỉ hưu, dù còn nhiều ý kiến khác nhau.

Tổng kết hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, chắc chắn thời gian tới sẽ có những thay đổi quan trọng để mở rộng đối tượng tham gia BHXH, sẽ có đề án trình Trung ương Đảng vào tháng 5 tới. “Theo kinh nghiệm các nước, có rất nhiều phương án, nhưng Việt Nam không thể theo phương án cụ thể nào, mà phải kết hợp các phương án. Giống như bốc thuốc Bắc, mỗi loại một ít đảm bảo liều lượng, thỏa mãn tất cả các yêu cầu, dù rất khó”, Phó Thủ tướng nói.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện Việt Nam mới có khoảng 13 triệu người tham gia BHXH, chiếm 24% lực lượng lao động. Số người hưởng lương hưu từ Quỹ BHXH là khoảng 3 triệu. Ngoài ra có thêm 3 triệu người hưởng trợ cấp trên 80 tuổi do ngân sách nhà nước đảm bảo. Hơn 5 triệu người cao tuổi chưa được hưởng chính sách hưu trí gì, phải sống dựa gia đình, con cái. 

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.