Sẽ tăng viện phí với người có thu nhập trên trung bình

Sẽ tăng viện phí với người có thu nhập trên trung bình
TP - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: Bộ Y tế vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về viện phí và đề nghị Chính phủ sớm ban hành.
Sẽ tăng viện phí với người có thu nhập trên trung bình ảnh 1

Bệnh nhân sẽ phải trả viện phí cao hơn nhiều so với hiện nay. Ảnh:  Phạm Yên

Tiền phong đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Bà Kim Tiến nói: Với thời gian “ra đời” từ năm 1994, chính sách thu một phần viện phí theo Nghị định cũ đến nay đã có nhiều bất cập.

Tại thời điểm đó, quy định mức thu của chúng ta rất thấp, chỉ có 2.000 đồng/lượt khám bệnh và 10.000 đồng/giường bệnh/ngày...

Nhưng, quy định đó vẫn có hiệu lực đến nay, trong khi mức lương cơ bản năm 1999 chỉ có 120.000 đồng, còn bây giờ là 450.000 đồng, và sắp tới là 540.000 đồng, có nghĩa đã gấp 4 - 5 lần.

Một bất cập khác, mức thu viện phí đã thấp mà Nhà nước lại bao cấp tràn lan, hoàn toàn không phân biệt người giàu - người nghèo. Hơn nữa, mức thu không khác nhau nhiều giữa các tuyến, tạo cho người dân có điều kiện kinh tế và thuận tiện đường, đi lên tuyến trên rất nhiều gây quá tải.

Tôi ví dụ, một ca đẻ thường nhưng nhiều khi bà con ở các tỉnh cũng lên tận Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TPHCM) hoặc là Viện Phụ sản T.Ư (Hà Nội), trong khi y tế tuyến xã có đủ khả năng...

Bất cập nữa là chính sách thu một phần viện phí đã tạo nên sự không công khai minh bạch, vì thu một phần là thu như thế nào, Nhà nước bao cấp cái gì, nhân dân trả cái gì, nó không rõ ràng.

Vậy theo đề xuất của Bộ Y tế, viện phí sẽ có gì mới, thưa bà?

Nếu được Chính phủ thông qua, viện phí mới sẽ được tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp phục vụ cho bệnh nhân. Theo đó, công khai, minh bạch việc thu viện phí cho người dân biết.

Cùng với cách thu viện phí mới này, Nhà nước sẽ có chính sách trợ giúp đối với người có thu nhập thấp và người có hoàn cảnh khó khăn. Còn lại, các đối tượng có thu nhập trung bình trở lên sẽ phải chi trả đầy đủ viện phí.

Dự tính, trừ đi những đối tượng được Nhà nước trợ giúp, sẽ chỉ còn khoảng chưa đến 30% dân số phải chi trả đúng và đủ viện phí.

Cụ thể những đối tượng nào sẽ được trợ giúp viện phí theo cách tính mới và hình thức trợ giúp ra sao, thưa bà?

Nhà nước sẽ chi trả toàn bộ viện phí, đã được tính đúng và tính đủ, thông qua bảo hiểm y tế cho những đối tượng diện chính sách, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số và hỗ trợ người cận nghèo.

Lần này, ngành y tế đề nghị những người cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 50% thẻ bảo hiểm, địa phương bỏ ra 50% nữa, để cho người cận nghèo cũng được hưởng chính sách viện phí như người nghèo.

Chúng tôi cho rằng, người cận nghèo thì mới thoát nghèo, mà ốm một trận nặng, phải bỏ tiền ra đi viện cũng sẽ thành người nghèo. Nên cần được Nhà nước và địa phương mua bảo hiểm 100%.

Ngoài ra, ngành y tế cũng đề nghị hỗ trợ một số đối tượng đặc biệt. Ví dụ bệnh nhân tâm thần, lao, phong, trẻ em mồ côi, người cơ nhỡ, người già không nơi nương tựa, bệnh nhân trong các thảm họa, thiên tai và các đại dịch, các bệnh hiểm nghèo.

Thưa bà, việc tính đúng, tính đủ viện phí sẽ dựa trên cơ sở nào?

Lấy ví dụ, tổng chi phí ca mổ ruột thừa giá 1 triệu đồng thì viện phí là 1 triệu đồng. Đối tượng chính sách được Nhà nước trả thông qua bảo hiểm y tế, đối tượng khác phải tự bỏ tiền hoặc muốn có quyền lợi thì mua bảo hiểm để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

Sẽ tăng viện phí với người có thu nhập trên trung bình ảnh 2
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến

Tôi lưu ý: Đề xuất của Bộ Y tế không phải là tăng viện phí, mà là tính viện phí theo thực chi. Giai đoạn đầu, viện phí sẽ được tính bao gồm tất cả những chi phí cần thiết cho một bệnh nhân, từ thuốc, bông băng, rồi xét nghiệm...

Còn chi phí về khấu hao máy móc, thực ra phải tính đầy đủ, nhưng giai đoạn đầu sẽ không tính ở bệnh viện tuyến huyện, còn bệnh viện tuyến tỉnh và T.Ư chỉ tính những cái nào trực tiếp phục vụ bệnh nhân.

Như vậy, nói là tính đúng, tính đủ, nhưng giai đoạn đầu sẽ chỉ tính khoảng 70 - 80% tổng viện phí đã thực chi. Đến giai đoạn sau, khi thu nhập người dân đã nâng cao hơn, người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) nhiều hơn, mệnh giá BHYT được nâng lên, thì khấu hao máy móc và xây dựng cơ bản mới tính vào viện phí.

Những năm gần đây BHYT liên tục bội chi, vậy giải pháp nào cho BHYT khi viện phí tính đúng, tính đủ, thưa bà?

Đúng là phải có những giải pháp đối với nguy cơ “phá quỹ” BHYT. Nguyên nhân cơ bản của mọi nguyên nhân là thiếu tiền. Mệnh giá thẻ BHYT hiện quá thấp, lương đã thấp rồi mà bảo hiểm bắt buộc chỉ đóng 3% lương, còn bảo hiểm y tế cho người nghèo cũng rất thấp, trước là mệnh giá 60.000 đồng rồi lên 80.000 đồng và bảo hiểm tự nguyện cũng vậy.

Giải pháp cơ bản nhất vẫn là tăng nguồn thu. Tôi xin nêu 2 vấn đề: Thứ nhất là phải có nhiều người tham gia BHYT, bởi vì nguyên tắc của bảo hiểm y tế đối với xã hội là người khỏe lo cho người ốm, nhưng hiện nay tham gia BHYT chủ yếu là người ốm và đối tượng bắt buộc. Thứ hai, phải nâng mệnh giá mỗi một thẻ BHYT lên.

Một vấn đề khác, theo Thông tư 06, đúng là hiện nay người dân khó tiếp cận bảo hiểm y tế tự nguyện. Trước đây ra Thông tư này vì sợ bội chi, nay theo tinh thần cái gì có lợi cho người dân thì làm, nên Thông tư này sẽ được điều chỉnh.

Xin cảm ơn bà.

Võ Văn Thành
Thực hiện

Điều quan trọng là viện phí mới phải được người dân chấp nhận

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nói: Viện phí đang được tính toán lại, chứ như hiện nay là không hợp lý. Còn tính toán như thế nào, Chính phủ đã đưa ra (do Bộ Y tế trình) phương án, nhưng điều quan trọng là viện phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và thu nhập của người dân.

Xu hướng tính đúng, tính đủ để làm sao đảm bảo chi phí thường xuyên của các cơ sở y tế là phương án tốt, nhưng không thể tách rời 2 điều kiện nêu trên, nghĩa là phải làm sao khi chế độ thu viện phí mới đưa ra thì người dân chấp nhận được...

Thay đổi mức thu viện phí, những người có thu nhập trung bình trở lên sẽ phải chi trả đầy đủ, nhưng thu nhập trung bình của nước ta cũng đang là thấp so với các nước trong khu vực. Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH sẽ có trách nhiệm tham gia trong vấn đề này. 

Thành Vinh ghi

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Nguyễn Đức Cường; Email: cuongbvmh@yahoo.com.vn  Suy nghĩ về viện phí hiện nay

1. Tôi nhất trí việc cần thay đổi chính sách viện phí cho phù hợp vì:

-. Khung giá viện phí ban hành kèm theo Nghị định 95/NĐ-CP từ năm 1994 đến nay đã 13 năm nên không còn phù hợp;

- Các bệnh viện hầu hết là đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo một phần hoặc toàn bộ chi phí (theo Nghị định 43/2005) nên phải cân đối thu chi để đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh. Với khung giá viện phí theo Nghị định 95 (năm 1994), nhiều dịch vụ kỹ thuật thu không đủ chi phí do giá thuốc, hoá chất, vật tư tiêu hao y tế hiện nay đã tăng rất nhiều lần so với năm 1994. 

2. Tiếp theo, đề nghị Bộ Y tế cần trình để Chính phủ ban hành một Nghị định thống nhất về viện phí (hiện nay đang áp dụng cả Thông tư liên Bộ Y tế - Tài chính - Lao động TB&XH số 14 ban hành năm 1995 và Thông tư 03 ban hành năm 2006) và quy định đầy đủ các dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm, chẩn đoàn hình ảnh... để các bệnh viện áp dụng, do hiện nay vẫn còn nhiều dịch vụ chưa quy định.

3. Chính sách viện phí mới cần đảm bảo để mọi người dân dều được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Muốn vậy, Nhà nước phải tiếp tục tiếp tục thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) cho các đối tượng người nghèo, các đối tượng chính sách, người có công... (BHYT bắt buộc), trẻ em dưới 6 tuổi. Điều chỉnh chính sách BHYT tự nguyện cho thuận lợi hơn để phát triển BHYT tự nguyện, tiến tới BHYT toàn dân.

4. Cần hoàn chỉnh hơn Điều lệ BHYT để có thể ban hành Luật BHYT, quy định mức đóng BHYT cho phù hợp với điều kiện hiện nay. Mặt khác không nên quy định vấn đề thanh toán đa tuyến đều khấu trừ về tuyến huyện (nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu) mà tất cả các tuyến đều phải chịu trách nhiệm về vấn đề vượt quỹ của mình.

Vấn đề khám chữa bệnh BHYT tuyến xã cũng nên nghiên cứu giao cho phòng Y tế các huyện (vì hiện nay phòng y tế quản lý trực tiếp các trạm y tế xã).

5. Điều chỉnh viện phí là một vấn đề rất nhạy cảm, tuy nhiên chúng ta cần mạnh dạn đổi mới, làm thế nào chính sách viện phí mới phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện nay và dự kiến từ 7- 10 năm tới vẫn phù hợp.

Đồng thời được xã hội chấp nhận, mọi người dân đều được chăm sóc sức khoẻ và các bệnh viện cũng đảm bảo nguồn thu để duy trì hoạt động và phát triển cùng với sự phát triển của cách mạng khoa học công nghệ ngày nay.

Hà Thanh Lương; Email: tsd@yahoo.com Mức thu nhập trên trung bình là bao nhiêu?

1. Trước hết cho người dân chúng tôi hỏi : Mức thu nhập trên trung bình là bao nhiêu? Ai là người có mức thu nhập trên trung bình?

2. Bảo hiểm y tế có thể công bố con số tổng chi cụ thể cho vài quý hoặc một năm gần đây nhất để cho người dân thấy rõ được mức bội chi là bao nhiêu để cho việc mua bảo hiểm y tế mà không phải đắn đo suy nghĩ nhiều?

Lê Văn Nam; Email: namlvnb@yahoo.com Đề án này liệu có khả thi?

Tôi có cảm nhận đề án mà Bộ Y tế trình Chính phủ về tăng viện phí đối với người thu nhập trên trung bình không mấy khả thi. Bởi đối với những người trong cơ quan Nhà nước, căn cứ vào hệ số lương ta tạm có thể xác định được mức thu nhập, còn lại những thành phần khác khó có thể xác định được mức thu nhập, thì làm sao họ chịu chia sẻ về mức đóng BH.

Hơn nữa, hiện nay mức đóng BHYT của người lao động lại chịu một cổ hai tròng: một để duy trì hoạt động cho cơ quan BH (BHXH Việt Nam) và hai là để trả tiền chi phí thuốc men và mua sắm máy móc thiết bị y tế.

Một điều quan trọng là dịch vụ y tế dành cho những người có BH rất hạn chế, thủ tục phức tạp, rườm rà; đấy là chưa nói đến vấn đề y đức, thái độ phục vụ của y bác sĩ trong các bệnh viện công bị xuống cấp trầm trọng khiến các bệnh nhân không mặn mà với việc khám, chữa bệnh có BHYT.

Hiện nay đại bộ phận các đối tượng có BHYT đi thăm khám các bệnh thông thường đều thực hiện ở bệnh viện tư vì không mất thời gian và được chăm sóc rất tận tình.

Phải chăng thay cho việc tăng viện phí, hoặc các đề án này nọ chúng ta cần xây dựng chính sách quản lý và sử dụng quỹ BHYT làm sao cho hiệu quả, đồng thời giáo dục nâng cao y đức cho các y, bác sĩ đồng thời có chế độ thưởng phạt nghiêm minh đối với đội ngũ này.

Mặt khác ta phải đẩy mạnh công tác cải cách hành chính để giảm phiền hà cho cho bệnh nhân BH và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để thu hút mọi tầng lớp trong XH tham gia BHYT.

Phạm Đức Minh; Email: phamducminh_cb@yahoo.com  Cần làm một cách đồng bộ hơn

Tôi có một số ý kiến: 1. Ngành y tế nước ta được Nhà nước bao cấp, đầu tư gần như 100%, từ cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị đến lương cán bộ, nhân viên.

2. Không thể so sánh mức thu viện phí của ta với các nước mà trong đó họ đã xã hội hóa về y tế.

3. Để bàn đến việc tính đúng tính đủ giá viện phí cần xem xét việc xã hội hóa y tế.

Phạm Tiến Bình; Email: binhqlds@yahoo.com.vn   Xem xét kỹ vấn đề viên phí

Tôi thấy trước khi Chính phủ ra quyết định tăng viện phí theo đề nghị của Bộ Y tế thì cần phải đi khảo sát thực tế tại các bệnh viện và ý kiến người tham gia BHYT.

1. Hầu hết các bệnh viện hiện nay khi người dân đến khám bệnh phải nộp lệ phí khám thấp nhất là 15.000 - 50.000 đ (Bệnh viện Nhi Hà Nội) mà việc khám của các bác sĩ hiện nay chỉ xoay quanh hỏi triệu chứng người bệnh sau đó kê giấy đi làm các xét nghiệm (Lại phải nộp tiền!). Vậy giá trị thực của việc bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân liệu có được trả như vậy không?

2. Rất nhiều người cán bộ công nhân viên có BHYT song hầu hết khi họ có bệnh thì không bao giờ nghĩ đến việc sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh (Lý do thật đơn giản: Khám theo BHYT sẽ lâu hơn và phiền phức mệt người). Chỉ thực sự cần đến nó nếu họ phải chịu chi phí lớn như mổ xẻ... Và việc này chiếm tỷ trọng ở mức độ nhất định. Nên chăng cần xem xét điều chỉnh các hạng mục nào BHYT chịu chi phí khi người bệnh nằm viện.

3. Đề nghị các cơ quan chức năng vi hành các bệnh viện lớn: K, Bạch Mai, Việt Đức, Da liễu, Huyết học, Phụ sản... dễ thấy ngay những khoản chi phí khám bệnh rất lớn của người dân phải bỏ ra và gặp nhiều người có thẻ BHYT lại phải khám tự nguyện...

Đặc biệt Bộ y tế thông báo miễn phí trẻ em dưới 6 tuổi thì than ôi đến Bệnhh viện Nhi Trung ương tại Hà Nội thì mới thấy việc miễn phí cho các con em chúng ta chỉ trên lý thuyết mà thôi, mà phụ huynh của các cháu lại phải bỏ tiền ra để mang lại sức khỏe cho các cháu.

MỚI - NÓNG
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
TPO - Theo số liệu từ Bộ Tài chính, 3 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải mới đạt 11,2%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.