Sẽ thành lập BCĐ phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh

Sẽ thành lập BCĐ phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh
TP - Sáng qua 4/8, Quốc hội  đã thảo luận về dự án  Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng (nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng).
Sẽ thành lập BCĐ phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh ảnh 1
Biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng

Đáng chú ý là có khá nhiều ĐBQH băn khoăn về quy định chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng.

Ông Nguyễn Đình Xuân (ĐBQH Tây Ninh) cho rằng nếu để chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban có thể làm mất tính độc lập của các cơ quan tư pháp và gây nên tình trạng cát cứ ở địa phương.

Ông Trần Văn Kiệt (ĐBQH Vĩnh Long) đưa ra hướng xử lý: “Tôi đề nghị trưởng ban chỉ đạo cấp tỉnh phải là chủ tịch HĐND, chứ không nên để chủ tịch UBND đảm nhiệm chức vụ này”.

Ông Vi Trọng Lễ (ĐBQH Phú Thọ) nêu thực trạng ở địa phương, ngoài nhiệm vụ chính thì chủ tịch UBND thường rất bận rộn vì có khi phải làm trưởng hơn chục loại ban chỉ đạo khác nhau.

Trước vấn đề hiện đã có 22 tỉnh, thành lập ban chỉ đạo, bà Phạm Thị Loan (ĐBQH Hà Nội) thắng thắn nói: “Không nhất thiết phải thông qua việc sửa đổi, bổ sung luật chỉ để giải quyết tình thế”.

Còn ông Lê Đình Khanh (ĐBQH Hải Dương) thì bức xúc: “Thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ thêm tốn kém, nhưng chưa biết thu về được cái gì, lòng dân hay tiền bạc.

Một trong những nguyên nhân của tiêu cực, tham nhũng lâu nay là kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm, việc hơn 20 tỉnh thành lập ban chỉ đạo trong khi luật chưa cho phép, phải chăng cũng là phản ánh kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm”.

Ông Khanh đặt vấn đề:  “Nếu bây giờ quy định là tỉnh nào thấy cần thiết phải thành lập ban chỉ đạo vì tình hình tham nhũng ở đó nghiêm trọng quá, tôi  nghĩ sẽ có rất ít tỉnh thành lập”.

Tiếp thu ý kiến thảo luận, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng khẳng định lại sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng. “Quyết định cuối cùng thuộc về quyền của Quốc hội”- ông nói.  

Khi biểu quyết, trong số 470 ĐBQH có mặt, có 100 vị không tán thành; 33 vị không biểu quyết. Nhưng với 337 ĐBQH tán thành (68,36%), dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng đã được thông qua.

Theo luật này, sẽ thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo tờ trình của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố sẽ là trưởng ban chỉ đạo.

Cùng ngày, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc rút ngắn 1 năm nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII và Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2005.

MỚI - NÓNG