Sẽ thành lập Trung tâm Quản lý Lý lịch Tư pháp

Sẽ thành lập Trung tâm Quản lý Lý lịch Tư pháp
TP-Hôm qua, 23/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Lý lịch Tư pháp. Nhiều đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật  và thành lập Trung tâm Quốc gia Quản lý Lý lịch Tư pháp.
Sẽ thành lập Trung tâm Quản lý Lý lịch Tư pháp ảnh 1
Đại biểu Trần Việt Hùng (đoàn Hòa Bình) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Việc ban hành Luật Lý lịch Tư pháp sẽ tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về Lý lịch Tư pháp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu cấp phiếu Lý lịch Tư pháp ngày càng tăng của công dân, bảo đảm phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật như Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.

Nhiều đại biểu đồng tình với quy định thành lập Trung tâm Quốc gia Quản lý Lý lịch Tư pháp như Dự thảo Luật, và cho rằng, không nên thành lập các trung tâm này ở cấp tỉnh.

Về cơ quan quản lý dữ liệu Lý lịch Tư pháp, đại biểu Trần Việt Hưng (Hòa Bình) và một số đại biểu nhất trí với dự thảo giao cho Bộ Tư pháp quản lý.

Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, các bản án, quyết định do tòa án ban hành, nếu giao cho tòa án quản lý cơ sở dữ liệu sẽ tránh phiền hà, lãng phí, có đại biểu đề nghị giao Bộ Công an quản lý.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, giao cơ quan nào quản lý cơ sở dữ liệu Lý lịch Tư pháp cũng phải có tổ chức bộ máy và xây dựng từ đầu. Đồng thời, phải có sự phối hợp giữa các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, thi hành án, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong việc cung cấp, tiếp nhận, cập nhật, xử lý và trao đổi thông tin về án tích và tình trạng thi hành án.

Từ 1999 đến 2008, các sở tư pháp cấp 699.495 phiếu Lý lịch Tư pháp cho công dân Việt Nam và người nước ngoài có thời gian cư trú ở Việt Nam.

Việc cấp phiếu Lý lịch Tư pháp thời gian qua cho thấy: Khi cơ quan, tổ chức trong nước hoặc nước ngoài có nhu cầu cần biết Lý lịch Tư pháp của một người để xem xét việc xuất cảnh, nhập cảnh, cho nhập, thôi, trở lại quốc tịch, xin con nuôi; cấp chứng chỉ hành nghề luật sư…, họ đều quan tâm đến vấn đề án tích, tình trạng thi hành án của người đó.

Dữ liệu Lý lịch Tư pháp mang tính chất dân sự, có giá trị chứng minh nhân thân tư pháp của cá nhân, vừa bảo đảm tính hợp pháp, vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch để dân có thể tiếp cận những thông tin về Lý lịch Tư pháp của mình.

Thực tế, hiện nay, Bộ Tư pháp đang được giao quản lý nhà nước về Lý lịch Tư pháp, các Sở Tư pháp có nhiệm vụ cấp phiếu Lý lịch Tư pháp, do đó, giao Bộ Tư pháp quản lý dữ liệu quốc gia về Lý lịch Tư pháp là phù hợp, đảm bảo tính kế thừa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi cần cấp phiếu Lý lịch Tư pháp.

Phạm vi của Lý lịch Tư pháp

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quản lý nhà nước về lĩnh vực Lý lịch Tư pháp, nhằm đáp ứng nhu cầu của cá nhân chứng minh người đó có hay không có án tích; ghi nhận việc xóa án tích, tạo điều kiện cho người từng bị kết án tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự.

Đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội), Thái Thị An Chung (Nghệ An) và nhiều đại biểu tán thành với Dự thảo Luật quy định phạm vi quản lý Lý lịch Tư pháp, gồm án tích, tình trạng thi hành án là phù hợp với thực tiễn yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp trong nước và thông lệ quốc tế.

Các đại biểu kiến nghị, nên quy định thời hạn giải quyết yêu cầu cấp phiếu Lý lịch Tư pháp của cá nhân là 10 ngày thay vì quy định 15 sẽ gây khó khăn cho người dân.

Ngoài ra, nên bổ sung quy định thời hạn, giá trị pháp lý của phiếu Lý lịch Tư pháp có thể là ba tháng, sáu tháng hay một năm, nhằm tạo thuận lợi cho công dân, khi có yêu cầu.

Cũng trong ngày hôm qua, các đại biểu thảo luận về Dự thảo Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. 

MỚI - NÓNG