Về đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII:

Sẽ thu gọn số lượng các bộ và cơ quan thuộc Chính phủ

Sẽ thu gọn số lượng các bộ và cơ quan thuộc Chính phủ
TP - Thủ tướng Chính phủ vừa giao cho Bộ Nội vụ chuẩn bị Đề án về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII. PV đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc liên quan đến Đề án nêu trên.

Ông Thang Văn Phúc nói: Để thực hiện được mục tiêu làm cho bộ máy Nhà nước tinh gọn, cần phải có quyết tâm cao trong việc cơ cấu lại tổ chức bộ máy Chính phủ. Trong đó, cần thực hiện nhất quán nguyên tắc tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đối với tất cả các bộ để thay thế hay loại bỏ mô hình bộ quản lý đơn ngành, đơn lĩnh vực trong cơ cấu tổ chức của Chính phủ.

Mặt khác, cần sắp xếp, hợp nhất một số cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ để chuyển chức năng quản lý Nhà nước của cơ quan đó vào các bộ tương ứng.

Coi đây như là nguyên tắc cần thống nhất để thu gọn số lượng các bộ đến mức cần thiết và khắc phục được nhiều hơn các lĩnh vực quản lý giao thoa, chồng lấn khó phân công, phối hợp do cơ cấu tổ chức Chính phủ có nhiều bộ, ngành sinh ra. Về số lượng các bộ, ngành thì hiện nay chưa thể thông tin, tuy nhiên chắc chắn là số lượng các bộ, ngành của Chính phủ khoá XII sẽ giảm.

Nhiều nước phát triển trên thế giới chỉ có khoảng 12-13 bộ, trong khi đó hiện Việt Nam có 26 bộ, cơ quan ngang bộ, 12 cơ quan thuộc Chính phủ. Vậy tới đây việc thu gọn các bộ sẽ được thực hiện trên cơ sở nào, thưa ông?

Thay vì trước đây Chính phủ quản lý cả về vĩ mô và vi mô, nghĩa là “anh” vừa làm chính sách vừa tổ chức thực hiện theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” thì từ nay, theo lộ trình, Chính phủ sẽ làm đúng việc của mình, kiên quyết thực hiện việc chuyển giao mạnh các chức năng, nội dung công việc không thuộc chức năng của hệ thống hành chính cho các tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ, tổ chức sự nghiệp dịch vụ công, tổ chức doanh nghiệp, tư nhân đảm nhiệm.

Ví dụ, tới đây để công nhận một ông kỹ sư hành nghề xây dựng thì không nhất thiết phải là Bộ Xây dựng, mà chuyển giao cho Tổng hội xây dựng làm, việc của Bộ Xây dựng chỉ là định ra tiêu chuẩn của một ông kỹ sư như vậy; hay như việc cấp thẻ nhà báo, chứng chỉ hành nghề luật sư ... cũng tương tự.

Như thế, tự nhiên bộ máy hành chính sẽ giảm được rất nhiều, để đạt tới mô hình “Nhà nước nhỏ nhưng mạnh và xã hội to” theo xu hướng cải cách chung của các nước. Không chỉ ở cấp bộ - mặc dù hiện tại Chính phủ đã không còn làm một số việc giống như 20 năm trước đây - trong thực tế những việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải quyết vẫn quá nhiều.

Chủ trương Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực như ông nói, thực ra đã có chủ trương từ nhiều năm nay?

Cơ cấu tổ chức Chính phủ đã từng bước được điều chỉnh, thu gọn, tuy nhiên việc này phải có lộ trình hợp lý. Bước vào thời kỳ đổi mới (1986), số đầu mối các cơ quan của Chính phủ là 70, đến Đại hội IX còn 48, vào thời điểm hiện nay còn 38 (26 bộ, cơ quan ngang bộ, 12 cơ quan thuộc Chính phủ-P.V).

Như vậy, mặc dù tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhưng cũng đã có nhiều sự sắp xếp lại, ví như Ban Cơ yếu, Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thống kê, trước là độc lập nhưng chúng ta đã ghép, nhập lại.

Sắp tới cũng sẽ hướng như thế để làm sao các cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ chỉ còn lại như Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói, Thông tấn xã… Còn những đơn vị trực thuộc Chính phủ mà có tính quản lý Nhà nước, ví như Ban tôn giáo, Ban Cơ yếu…, sắp tới sẽ được nhập vào các bộ, ngành khác để đảm bảo tinh gọn.

Bản thân các bộ sắp tới cũng sẽ thu gọn trên cơ sở xem xét lại quy mô, công việc đó có cần một bộ để làm không. Đơn cử Bộ NN&PTNT hiện nay là kết quả của 2 lần sáp nhập từ 6 bộ trước đây.

Giảm bộ, ngành: khó nhất là chuyện xếp “ghế”

Có thông tin tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ giảm bớt các bộ kinh tế chuyên ngành?

Vấn đề này chúng ta có thể biết được vào tháng 7 tới đây. Trong tình hình mới, có sự cần thiết giảm các bộ kinh tế trực tiếp chuyên ngành, bên cạnh đó  các bộ kinh tế tổng hợp phải được “nâng” lên, để phù hợp với chức năng làm chính sách của Chính phủ...

Như tôi đã nói, những việc cụ thể có thể Nhà nước chuyển giao cho xã hội làm, như vậy Nhà nước không cần bộ máy trực tiếp nhưng vẫn phải có cơ quan quản lý.

Đã có nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề trong cơ cấu tổ chức của Chính  phủ, ngoài các bộ thuộc khối đối ngoại và an ninh quốc phòng mà nước nào cũng có, thì các bộ thuộc khối kinh tế - xã hội cần được tổ chức, sắp xếp lại vừa thích hợp với thực tế Việt Nam, vừa có sự tương thích với các nước đối tác để phù hợp với điều kiện hội nhập.

Hiện, có khi một ông Bộ trưởng nước khác sang làm việc, phải có tới ba, bốn ông Bộ trưởng của ta tiếp và làm việc cùng.

Theo hình dung của ông,  điều khó nhất khi thực hiện chủ trương giảm số lượng các bộ, ngành là gì?

Cải cách hành chính thì không có gì dễ dàng. Khi bộ này bị ghép vào bộ kia, thì sẽ có những người bị mất vị trí, đó chính là vấn đề lợi ích. Nếu không vì lợi ích chung của đất nước, mà cứ quanh quẩn với lợi ích cục bộ thì rõ ràng là sẽ có khó khăn.

 Bây giờ chúng ta đi vào bộ quản lý đa ngành, cơ cấu bên trong tính như thế nào là không dễ, ví dụ có 5 ông lãnh đạo của 5 bộ, ngành nhập vào, bây giờ phân công ai?  Những khó khăn đó đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất lớn để vượt qua.

Xin cảm ơn ông!

Từ Bộ trưởng trở lên cần được trang bị những kiến thức của kinh tế thị trường

Các cán bộ cấp bộ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh trở lên ngoài những kiến thức cần có của một chính khách cần được trang bị những kiến thức về kinh tế phát triển, chính sách công, chính sách kinh tế vĩ mô... của kinh tế thị trường.

Để khắc phục bệnh thành tích bắt nguồn từ tính ngắn hạn của nhiệm kỳ, việc đánh giá, đề bạt cán bộ loại này  không thể chỉ dựa vào thành tích tăng trưởng cao hoặc các công trình mang dấu ấn.

Các cán bộ cấp thứ trưởng trở xuống và các cán bộ hoạch định chính sách phải là những chuyên gia chuyên nghiệp, được đào tạo trang bị những kiến thức của kinh tế thị trường hiện đại và thực tế phát triển đất nước, nhất là thực tiễn đổi mới, chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu sang kinh tế thị trường.

T.S. Đinh Văn Ân (Viện trưởng Viện NCQLKTT.Ư )

Võ Văn Thành
thực hiện

MỚI - NÓNG