Phòng chống thiên tai ở TPHCM:

Sẽ xây hàng loạt trạm cảnh báo động đất

Sẽ xây hàng loạt trạm cảnh báo động đất
TP - Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TP.HCM, TP đang xúc tiến thực hiện nhiều chương trình, dự án lớn chưa từng có từ trước đến nay để đối phó với tình hình thiên tai ngày càng phức tạp.
Sẽ xây hàng loạt trạm cảnh báo động đất ảnh 1
Sạt lở tại Bến đò Hiệp Phước (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) vào ngày 6/7/2008

Theo ông Lê Thanh Liêm – Phó Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão (BCH PCLB) TP hiện có 62 điểm đen có nguy cơ sạt lở cao, tập trung tại các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, các quận 8, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức.

Tuy nhiên, đáng ngại nhất là tình trạng dư chấn động đất xuất hiện thường xuyên trong 1-2 năm gần đây gây hoang mang, lo lắng cho hàng triệu người, đặc biệt là đối với TPHCM – nơi tập trung dày đặc các cao ốc, nhà ở cao tầng, chung cư trong đó có không ít công trình đã xuống cấp, hư hỏng hoặc được xây dựng từ hàng chục năm trước, chưa có thiết kế phù hợp để chống lại các dư chấn động đất.

Bên cạnh đó, BCH PCLB cũng cho biết, trước diễn biến phức tạp của thời tiết với việc xuất hiện ngày càng nhiều các “siêu bão”, áp thấp nhiệt đới có đường đi phức tạp, khó dự đoán trước, việc di dời để bảo toàn tính mạng của hơn 3.000 hộ dân đang sinh sống tại một số khu vực trũng thấp, ven biển, sông rạch, rừng phòng hộ …thuộc các huyện Nhà Bè và Cần Giờ đang trở nên cấp bách hơn.

Chạy đua với thời gian

Cùng với việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng chung cư thay thế cho các chung cư cũ có nguy cơ sập khi có dư chấn động đất, UBND TP cũng đang ráo riết chỉ đạo triển khai 156 công trình xây dựng bờ bao phòng, chống triều cường, chống sạt lở bờ sông, cuốn trôi nhà, đất tại 12 quận, huyện với tổng kinh phí gần 227 tỷ đồng.

Các quận huyện đang ráo riết kiểm tra, chỉ đạo lập phương án xử lý 62 điểm đen ven biển, sông rạch có nguy cơ sạt lở và 338 khu vực trũng thấp, xung yếu bị ảnh hưởng trực tiếp khi có lụt, bão, thiên tai xảy ra.

Lãnh đạo một số quận huyện cho biết đã và đang cho xây dựng bản đồ các vị trí xung yếu và các địa điểm tạm cư an toàn để di dời dân khi thiên tai bão lũ xảy ra.

Theo thống kê của BCH PCLB, huyện Cần Giờ phải di dời 1.818 hộ dân, huyện Nhà Bè 418 hộ. Hiện nay, UBND hai huyện Cần Giờ và Nhà Bè đang lập quy hoạch chi tiết 1/500 trình UBNDTP phê duyệt.

Riêng đổi với cư dân xã đảo Thạnh An – huyện Cần Giờ (983 hộ dân), UBND huyện này cho biết hiện nay, việc xác định địa điểm di dời, tái bố trí đã hoàn tất và đề án tổng thể đã được trình UBNDTP xem xét, quyết định.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, đề tài “Nghiên cứu xác định cơ sở khoa học để xây dựng mạng quan trắc động đất khu vực TPHCM và Nam Bộ” đã hoàn tất và nghiệm thu.

Trên cơ sở đề tài nói trên, TPHCM đã lập dự án xây dựng mạng trạm quan trắc, bao gồm 6 trạm đặt tại La Ngà (Đồng Nai), Thủ Đức (TPHCM), Dầu Tiếng (Bình Dương), núi Dinh Cố (BR-VT), Núi Sập (An Giang), Hòn Đá Bạc (Cà Mau). Hiện nay dự án đã được xây dựng xong và đang làm thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trạm quan trắc sau khi được xây dựng xong có khả năng ghi nhận đầy đủ, tức thời, để xác định nhanh, chính xác vị trí, độ mạnh của các trận động đất có cường độ từ 3 độ Richter trở lên tại khu vực TPHCM và Nam Bộ, phục vụ công tác báo tin động đất và kịp thời đối phó với thiên tai, hạn chế thiệt hại.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.