Sẽ xử lý những bộ ngành không có báo cáo tham nhũng

Sẽ xử lý những bộ ngành không có báo cáo tham nhũng
Thời gian tới, những đơn vị này sẽ phải tự kiểm điểm trách nhiệm của mình gửi lên Thủ tướng, nếu không muốn bị xử lý trách nhiệm. Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết nội dung này trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới ngày 31/10.
Sẽ xử lý những bộ ngành không có báo cáo tham nhũng ảnh 1
Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.

Chính phủ rất quyết liệt trong phòng chống tham nhũng, nhưng cho đến nay nhiều bộ, ngành địa phương vẫn chưa tích cực triển khai, thậm chí không báo cáo Chính phủ các vụ việc tham nhũng. Theo ông, cần có biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này?

Tôi có báo cáo với đại biểu QH, hiện còn khoảng 20 bộ với 30 địa phương chưa có báo cáo hoặc báo cáo nói chưa rõ (vì thế không thể đánh giá địa phương đã làm đến đâu, hoặc có mà không làm). Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo mà anh làm như thế là nhận thức chưa nghiêm.

Trước mắt, Thủ tướng đã nghiêm khắc phê bình, nhưng Thủ tướng đồng thời giao cho các thành viên trong Ban chỉ đạo, tới đây sau khi kiểm tra thì có chỉ đạo cụ thể, yêu cầu các địa phương, bộ, ngành đó phải kiểm điểm trách nhiệm của mình và báo cáo lên Thủ tướng. Nếu như trong một thời gian nhất định vẫn chưa làm việc đó thì Thủ tướng sẽ chỉ đạo xử lý trách nhiệm

Nguyên nhân của việc chậm trễ này theo ông là do đâu?

Luật phòng chống tham nhũng mới có hiệu lực từ ngày 1/6 vừa qua. Nhưng chống tham nhũng thì đã tiến hành từ hàng chục năm qua. Có một tồn tại cơ bản nhất đó là do nhận thức về trách nhiệm của mình ở một số ngành, địa phương là chưa rõ.

Ai cũng kêu ca là tham nhũng xảy ra ở tất cả các lĩnh vực, nhưng động đến thì bản thân anh thì lại không thấy nó ở đâu. Chương trình hành động của một số nơi thường nêu ra là rà soát, nhưng không cụ thể là vụ việc gì, đến khi có vụ cụ thể cũng không quyết liệt xử lý.

Chúng ta có bộ máy chống tham nhũng từ trung ương xuống địa phương nhưng thời gian qua hầu hết những vụ việc tham nhũng lại do báo chí và quần chúng phát hiện. Vậy vai trò của các cơ quan chống tham nhũng nằm ở đâu?

Chống tham nhũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Muốn chống tham nhũng hiệu quả thì phải đặt dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, sự chỉ đạo kiên quyết của chính quyền các cấp, rồi có sự tham gia của các lực lượng chức năng và có vai trò to lớn của quần chúng nhân dân và báo chí.

Báo chí được coi là lực lượng tiên phong trong việc chống tham nhũng. Nhưng cũng không hẳn “hầu hết các vụ việc do báo chí phát hiện”. Nói cho công bằng thì có công của tất cả các ngành các cấp.

Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở địa phương hiện nay chưa có, nên Ban chỉ đạo Trung ương đang kiến nghị với Uỷ ban Thường vụ QH cho địa phương có thể hình thành một tổ chức thích hợp để giúp cho địa phương chỉ đạo.

Rút kinh nghiệm đã qua thì các ban chỉ đạo nếu không chuyên trách thì hoạt động kém hiệu quả, nên lần này đã không lập thì thôi, mà lập thì phải cho rõ ràng về chức năng nhiệm vụ, đặc biệt phải có quy chế hoạt động, phải có sự chỉ đạo điều hành thống nhất từ trên xuống dưới, và trong phối hợp hành động sẽ phải chặt chẽ hơn.

Có lĩnh vực địa phương không cho phép, thanh tra khó làm

Bản thân ngay trong ngành thanh tra cũng để xảy ra một số vụ tham nhũng lớn. Vậy với vai trò nòng cốt trong việc chống tham nhũng, tới đây Thanh tra Chính phủ sẽ tự làm “sạch” mình như thế nào?

Xin nói lại, nếu nói trong ngành thanh tra có nhiều vụ tham nhũng lớn thì không đúng. Chỉ xảy ra một số trường hợp thanh tra viên đi làm nhiệm vụ có vụ lợi, nhận quà biếu không rõ ràng, mang tính hối lộ. Những trường hợp nghiêm trọng đã được xử lý bằng hình sự, không nghiêm trọng thì xử lý hành chính.

Chúng tôi cũng nhận thấy các cơ quan có chức năng nòng cốt trong đấu tranh chống tham nhũng là chưa hoàn toàn đủ mạnh, chưa thực sự sắc bén, hiệu quả, do đó phải củng cố, bổ sung.

Hiện tại chúng tôi cũng đang kiến nghị với Thủ tướng nhiều giải pháp để triển khai, trong đó có việc xác định lại hệ thống tổ chức bộ máy cho rạch ròi, bố trí lại đội ngũ cán bộ cho đúng vị trí. Những người đứng đầu các đoàn thanh tra thì phải là những người tin cậy. Quan trọng hơn là phải có quy chế quản lý con người.

Tôi đã ban hành quy chế về đoàn thanh tra, trong đó cấm tất cả các hành vi lợi dụng chức quyền của mình để thu lợi, các hành vi này nếu có phải nghiêm khắc xử lý, song song với đó là việc động viên khen thưởng kịp thời.

Theo yêu cầu của Chính phủ, hệ thống thanh tra hiện nay sẽ là lực lượng nòng cốt để chống tham nhũng. Tuy nhiên, trong tổ chức hiện nay, nhiều người đánh giá thanh tra không hoạt động độc lập. Ý kiến của ông thế nào?

- Luật Thanh tra quy định, ai là người ra quyết định thanh tra thì người đó giữ thẩm quyền kết luận. Ví dụ, Tổng thanh tra ra quyết định thì Tổng thanh tra sẽ kết luận. Còn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thì sau khi thanh tra làm, Tổng thanh tra báo cáo và Thủ tướng là người ra kết luận. Do vậy, có nhiều cuộc thanh tra phải chờ Thủ tướng kết luận.

Về kết luận và kiến nghị, xét cho cùng cũng là kiến nghị được cơ quan có thẩm quyền về mặt quản lý Nhà nước chỉ đạo xử lý chứ thanh tra cũng chưa được xử lý. Tuy nhiêu, nếu nói thanh tra không có quyền độc lập thì cũng không đúng.

Sẽ công khai minh bạch cả việc đề bạt cán bộ

Các ĐBQH đã lưu ý tới việc chạy chức, chạy quyền cũng là một hình thức tham nhũng. Theo ông, tại sao ít có vụ tham nhũng trong lĩnh vực này bị phát hiện?

Cốt lõi là công khai minh bạch. Tới đây, tất cả các vấn đề liên quan đến tài chính, tài sản công, trong đó có cả việc đề bạt cán bộ đều phải được công khai minh bạch cả. Từ việc công khai này mà nâng cao vai trò giám sát của tất cả các cơ quan chức năng

Tới đây, tất cả các vấn đề liên quan đến tài chính, tài sản công, chế độ chính sách, trong đó có cả vấn đề chính sách cán bộ, đề bạt cán bộ đều phải được công khai minh bạch. Tức là công khai cả về tiêu chuẩn, quy trình và trách nhiệm của những cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết vấn đề này. Từ cái công khai này mà nâng cao vai trò giám sát của tất cả các cơ quan chức năng, trong đó có cả thanh tra, kiểm tra và điều tra, và đặc biệt là có vai trò của đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân, mặt trận và báo chí.

Công tác cán bộ đều có nguyên tắc, quy trình. Ví như, muốn bổ nhiệm thứ trưởng, trước hết phải lấy ý kiến từ chính cơ quan đó, lấy ý kiến từ một số ngành, sau đó tham khảo ở một số cơ quan chức năng, ở địa phương...

Ông có nói đến xử lý tham nhũng trong đề bạt cán bộ, nhưng với cơ chế tập thể thì sẽ xử lý trách nhiệm ai nếu việc bổ nhiệm cán bộ có hiện tượng chạy chức, chạy quyền dẫn tới hậu quả xấu?

Như tôi đã nói công tác cán bộ có nguyên tắc và quy trình. Ví dụ muốn bổ nhiệm một Phó tổng thanh tra (Thứ trưởng) bên chỗ tôi chẳng hạn, thì trước hết phải lấy ý kiến của cán bộ trong cơ quan Thanh tra Chính phủ, trong đội ngũ cốt cán, thậm chí lấy ý kiến một số ngành. Sau đó tham khảo ở một số cơ quan chức năng, địa phương, rồi đánh giá lại và làm tờ trình ra… nó có quy trình riêng. Khi anh làm không đúng thì lỗi ở khâu nào trong quy trình, xử lý chỗ đó. Người chỉ đạo làm quy trình mà không đầy đủ thì người đó chịu trách nhiệm.

Theo VietnamNet

MỚI - NÓNG