Sĩ Sô kể chuyện chụp ảnh Phidel

Sĩ Sô kể chuyện chụp ảnh Phidel
TP - Người ta gọi Sĩ Sô là người ghi sử bằng hình ảnh ở giới tuyến Hiền Lương và khu phi quân sự (DMZ) cũng chẳng quá lời bởi ông là một phóng viên chiến trường, và là nhân chứng có mặt gần như suốt những năm đất nước chia cắt đôi miền thời chống Mỹ.

Giờ nghệ sĩ nhiếp ảnh Sĩ Sô đã chạm thất tuần mà da dẻ cứ đỏ au và tửu lượng thì không ít cánh trẻ phải thầm ghen. Một bữa trà dư tửu hậu ở Cửa Tùng, có lẽ đã thăng, bất chợt Sĩ Sô cao hứng kể lại câu chuyện ba mươi sáu năm trước ông bị Ty An ninh... bắt gần một tuần.

Sĩ Sô kể, cuối giờ làm việc một ngày đầu tháng 9-1973, lúc đó ông thuộc quân số của Ty Văn hóa-Thông tin Quảng Trị, thì nhận được một mảnh giấy với nội dung Vào lúc 17 giờ phải có mặt tại Ty An ninh Quảng Trị để Trưởng ty Thủy gặp. Đọc xong, ông đâm hoảng, không biết mình vi phạm điều gì mà bên công an họ triệu.

Trên đường đến Ty An ninh, lục lọi trong đầu mọi việc cứ ngổn ngang. Đang rối như canh hẹ thì Trưởng ty Thủy xuất hiện. Sau chén trà ngon, Trưởng ty Thủy bảo “giờ cậu về chuẩn bị ngay đồ nghề tác nghiệp rồi sang chỗ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhận nhiệm vụ mới. Tỉnh ủy sẽ báo cho cơ quan cậu biết sau. Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh trưng tập cậu kể từ hôm nay...”.

Sĩ Sô xách túi đồ nghề sang chỗ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị. Bí thư Hồ Sĩ Thản giao nhiệm vụ, “kể từ bây giờ chú ở lại đây với tôi. Chú nằm ở giường đó, lái xe ở giường phòng ngoài, lúc nào tôi cầm mũ là chú xách đồ nghề ra xe. Đi đâu, đến đó mới biết!”.

Nhiệm vụ giao nghe rất úp mở khiến ông cứ bồn chồn hồi hộp. Năm ngày trôi qua, ông như một cái máy, ăn ngủ không yên. Bí thư Thản cũng cùng tâm trạng. Có lần, đoàn của ông ra đến nam sông Bến Hải lại quay vào, có lúc ra tới quận Gio Linh rồi lại vào. Đã khó hiểu lại càng khó hiểu hơn!

Rồi cái thời khắc khó hiểu ấy cũng đã đến. Bốn giờ sáng ngày 8-9-1973, đoàn xe của ông dừng lại trước Đồn Công an vũ trang Hiền Lương. Hai hàng rào danh dự bồng súng lưỡi lê tuốt trần, găng tay trắng muốt đứng chờ sẵn.

Sĩ Sô kể chuyện chụp ảnh Phidel ảnh 1
Phidel Castro tại Quảng Trị năm 1973

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Sĩ Thản, cùng các lãnh đạo chính quyền, mặt trận và các sĩ quan cao cấp của lực lượng vũ trang tỉnh đã sẵn sàng. Lúc đoàn xe dừng trước hàng quân danh dự thì đoàn đón tiếp tiến thẳng tới chiếc xe thứ ba, hai cánh cửa cùng mở, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Phidel Castro của đất nước Cuba anh em bên kia bán cầu bước xuống lần lượt bắt tay, ôm hôn các đại diện quân dân chính đảng Khu Trị-Thiên Huế.

Mọi người xúc động như ngừng thở. Hơn bốn mươi phóng viên quay phim, nhiếp ảnh của các hãng thông tấn báo chí trong nước và quốc tế lăm lăm tay máy, tay bút ghi nhận những giây phút trọng đại của mảnh đất lịch sử này.

Một niềm vui và tự hào đến với ông-Sĩ Sô kể-là khi đọc báo Nhân Dân ra mấy ngày sau đó, ông thấy bức ảnh Đảo Cồn Cỏ-Chiến hạm trên Thái Bình Dương của mình chụp năm 1969 trong dịp ra đảo trở thành quà tặng mà Đảng bộ nhân dân Đặc khu Vĩnh Linh đã trao Chủ tịch Phidel Castro.

“Những gì mình đã chụp ngày 8 tháng 9 của ba mươi sáu năm trước là một khoảnh khắc đáng ghi nhớ trong ngày lịch sử ấn tượng. Đó là kỷ niệm đẹp khó quên trong hơn bốn mươi năm cầm máy của mình”-người chép sử bằng ống kính Sĩ Sô, xúc động.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.