Siết việc chuyển nhượng tràn lan

Đại biểu biểu quyết thông qua luật khoáng sản sửa đổi
Đại biểu biểu quyết thông qua luật khoáng sản sửa đổi
TP - Chiều 17-11, Quốc hội (QH) thông qua dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Khoáng sản sửa đổi và Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011.

 >> Chủ mỏ thiếc béo bở nhờ kẽ hở của luật
 >> Quốc hội thông qua nhiều dự án luật
 >> Lo xảy ra sự cố khai thác
 >> Quản lý, khai thác khoáng sản còn lỏng lẻo

Đại biểu biểu quyết thông qua luật khoáng sản sửa đổi
Đại biểu biểu quyết thông qua luật khoáng sản sửa đổi . Ảnh: Hồng Vĩnh

Luật Khoáng sản sửa đổi được Quốc Hội (QH) thông qua với 79,31% số phiếu tán thành. Theo Ủy Ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), nội dung đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản và chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản được nhiều đại biểu (ĐB) góp ý và đã được xem xét, chỉnh lý.

Liên quan chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Hà Văn Hiền cho biết: Có ĐB đề nghị quy định không cho phép tổ chức, cá nhân chuyển nhượng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản.

UBTVQH thấy rằng, về nguyên tắc dự thảo luật không khuyến khích chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản để hạn chế việc mua đi bán lại giấy phép, phát sinh nhiều tiêu cực. Nhưng thực tế, có tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản do điều kiện khách quan không thể tiếp tục thực hiện dự án đầu tư, có nhu cầu chuyển nhượng dự án để thu hồi vốn.

"Để phù hợp với các luật hiện hành và hạn chế việc làm thất thoát tài sản xã hội, UBTVQH đề nghị cho phép chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng mua đi bán lại giấy phép nhằm trục lợi gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, dự thảo có quy định nguyên tắc, điều kiện tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản được chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản (Điều 43) và chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản (Điều 66). Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản" - Chủ nhiệm UBKT Hà Văn Hiền cho hay.

Về đấu giá quyền khai thác, UBTVQH cho biết: Việc cấp quyền khai thác khoáng sản về nguyên tắc phải được thực hiện trên cơ sở đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, xóa bỏ tình trạng xin - cho dễ nảy sinh tiêu cực.

Nhưng thực tế, có một số khu vực khoáng sản, loại khoáng sản khi cấp quyền khai thác không thể thông qua đấu giá như: khoáng sản quý hiếm có tính chiến lược của nền kinh tế hoặc những khoáng sản ở khu vực nhạy cảm về môi trường, quốc phòng, an ninh...

Do đó, để bảo đảm yêu cầu quản lý chặt chẽ về cấp quyền khai thác khoáng sản, dự thảo luật quy định việc cấp quyền khai thác khoáng sản không thông qua đấu giá chỉ được tiến hành ở khu vực do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trên cơ sở quy định các tiêu chí cụ thể. Trường hợp này, tổ chức, cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Đối với quyền thăm dò khoáng sản, UBTVQH cho rằng đây là hoạt động cần khuyến khích, có nhiều rủi ro nên đề nghị áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở các tiêu chuẩn cụ thể do Chính phủ quy định.

Điều tiết nguồn thu

Tiếp thu ý kiến ĐB, UBTVQH đề nghị trong luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc về việc Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản cho địa phương để hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội.

Trong quá trình điều hành, Chính phủ căn cứ vào quy định của luật này và các luật có liên quan để quy định cụ thể phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, từng dự án.

* Cùng ngày, QH biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với 82,35% phiếu tán thành. Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cơ chế giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Năm 2011, QH giám sát công tác cả nhiệm kỳ

Với 83,16% ĐB tán thành, QH thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2011. Theo đó, tại kỳ họp thứ chín, QH khóa XII, QH tiến hành giám sát tối cao các nội dung: Xem xét, thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XII của QH, Chủ tịch nước, UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH (nếu có).

Tại kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII sẽ xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ tám, QH khoá XII đến kỳ họp thứ nhất, QH khoá XIII. Tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII sẽ xem xét, thảo luận báo cáo công tác của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH; giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại khu kinh tế, làng nghề.

T. Nguyễn ghi

MỚI - NÓNG