Siêu bão Mangkhut có thể gây mưa rất lớn nhiều vùng trên cả nước

Siêu bão Mangkhut có thể gây mưa rất lớn nhiều vùng trên cả nước
TPO - Không chỉ tại Bắc bộ và Bắc Trung bộ, siêu bão Mangkhut có khả năng gián tiếp gây ra mưa lớn ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ trong những ngày tới. Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia chia sẻ.

Vào hồi 7h sáng nay, bão Mangkhut đang cách đảo Lu-Dông (Phi-líp-pin) khoảng 530km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ). Theo các mô hình dự báo, khả năng cao bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta từ Bắc bộ xuống Nghệ An, thậm chí có thể đến Quảng Trị, với xác suất lên tới 70-80%. Bão Mangkhut khi vào vịnh Bắc bộ có thể xuống cấp 12 (bão rất mạnh), gây ra mưa to khắp Bắc bộ và Bắc Trung bộ, với lượng mưa khoảng 300-400mm cùng gió giật mạnh và nước biển dâng cao.

Ngoài mưa lớn ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ, theo ông Hưởng, khi có siêu bão, bao giờ gió tây nam cũng mạnh, có thể gây ra mưa tương đối lớn ở Tây nguyên, Nam bộ trong những ngày tới.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra cảnh báo về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Với kịch bản xấu nhất, khả năng sẽ xuất hiện một đợt lũ lớn ở mức báo động 3 trên các sông như sông Thao, sông Đà, sông Bưởi. Nguy cơ sạt lở đất, lũ quét xảy ra trên diện rộng, đặc biệt là ở Hòa Bình, nơi chịu mưa liên tiếp trong các tháng 7,8 kết hợp với thủy điện xả lũ.

Về nguy cơ Chương Mỹ có khả năng tái hiện lũ lịch sử hồi tháng 7, đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đợt lũ tháng 7 xảy ra do nhiều nguyên nhân gồm lũ từ thượng nguồn, mưa nhiều ngày liên tiếp và lũ từ các nhánh sông dồn về. Trong đợt mưa lớn do siêu bão sắp tới, lũ xảy ra do 2 yếu tố chủ yếu là mưa tại chỗ và lũ từ thượng nguồn, còn các nhánh sông để sông Bùi đang có mực nước thấp nên khả năng tiêu thoát của đợt mưa lớn này sẽ tốt hơn.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khi siêu bão Mangkhut ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, dự báo gió ở khu vực Hà Nội mạnh cấp 8, có thể thực hiện cấm cầu Vĩnh Tuy, Nhật Tân trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn. Ông Hưởng chia sẻ, cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) từng thực hiện cấm cầu nhiều lần khi bão đổ bộ. “Ở Nhật Bản, dù công tác phòng chống là rất tốt song chúng ta vẫn thấy những hình ảnh như ô tô bị lật ngửa trên đường do bão”, ông Hưởng nói.

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, ba mối đe dọa sẽ xuất hiện khi siêu bão ảnh hưởng đến đất liền nước ta gồm gió giật mạnh, nước triều dâng cao và mưa rất lớn.

MỚI - NÓNG